Không ngừng đổi mới, phát huy tính dân chủ, pháp quyền trong hoạt động của Quốc hội

29/01/2025

Ngay từ đầu năm, Văn phòng Quốc hội (VPQH) đã chủ động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ với tinh thần “chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu quả”. VPQH sẽ tập trung cao độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, phục vụ Quốc hội; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cải tiến, đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, kỳ họp Quốc hội, phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội.

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo Văn phòng Quốc hội

Phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan

Tập trung cao độ, chủ động, sáng tạo

Năm 2024 là năm có nhiều dấu ấn đặc biệt của Quốc hội khi chỉ trong một năm đã tổ chức thành công tới 6 Kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng tiến hành thành công 36 phiên họp. Đây là số lượng kỳ họp, phiên họp nhiều nhất trong một năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kể từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay. Qua đó, Quốc hội đã kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách để đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần khắc phục "điểm nghẽn" thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu rất cao về chất lượng, gấp về tiến độ, nhưng tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của VPQH đã tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tích đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, chủ động, đoàn kết, gương mẫu, trách nhiệm, không ngừng trau dồi về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, bảo đảm kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữ vững tác phong, lề lối làm việc chuẩn mực và luôn luôn đổi mới sáng tạo, nỗ lực, phấn đấu và hoàn thành tốt khối lượng lớn công việc theo chương trình, kế hoạch đề ra trong chương trình.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH, Đảng bộ cơ quan VPQH, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các Ban thuộc UBTVQH, lãnh đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các cơ quan, tổ chức hữu quan; với nỗ lực và quyết tâm chính trị rất lớn, VPQH đã tham mưu, phục vụ tổ chức thành công 6 kỳ họp Quốc hội, 36 phiên họp của UBTVQH; 7 Hội nghị quan trọng của UBTVQH và hơn 1.000 hoạt động khác của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc UBTVQH. Qua đó, đã tham mưu, phục vụ Quốc hội ban hành 31 luật và 64 nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao và cho ý kiến về 21 dự án luật khác, bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu về công tác cán bộ, góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo.

Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng

Có thể khẳng định rằng, các kết quả đạt được của VPQH đã góp phần quan trọng vào thành công chung của Quốc hội trong năm 2024. Nếu Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban là “công xưởng” làm việc của Quốc hội thì VPQH, các Vụ chuyên môn phục vụ trực tiếp các cơ quan của Quốc hội có thể ví là “công xưởng của công xưởng”. VPQH đã tập trung cao độ, chủ động tham mưu, đề xuất để thực hiện hiệu quả nhất các nhiệm vụ được giao, các cơ quan của VPQH đã hoàn thành khá toàn diện các nhiệm vụ, xứng đáng là cơ quan tham mưu tổng hợp, phục vụ của Quốc hội.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy lập pháp - dấu ấn đặc biệt của Quốc hội trong năm 2024

Thành quả là các luật đã được sửa đổi, bổ sung nhanh hơn, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, dành không gian cho sự chủ động, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo của Chính phủ, chính quyền địa phương nhằm thích ứng hiệu quả với những thay đổi nhanh chóng của cuộc sống. Trong “trái ngọt” đó có sự đóng góp thầm lặng của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội.

Trong năm 2024, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ trước đến nay với 31 luật, 42 nghị quyết được thông qua, chiếm gần 50% tổng số nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV. Riêng Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã thông qua 18 luật, bằng gần 1/3 tổng số luật được thông qua từ đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt, với việc quán triệt chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, tiếp thu tinh thần chỉ đạo đổi mới tư duy xây dựng pháp luật của Tổng Bí thư Tô Lâm, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp đối với nhiều luật, nghị quyết quan trọng như Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi 4 luật trong lĩnh vực đầu tư; Luật sửa đổi 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách…

Năm 2024 VPQH đã tham mưu, phục vụ tổ chức thành công 6 kỳ họp Quốc hội

Điều đó thể hiện tư duy xây dựng luật theo hướng chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, tạo khuôn khổ pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội.

Để phục vụ Quốc hội xem xét, hoàn thành khối lượng công việc vô cùng lớn tại mỗi Kỳ họp, VPQH đã tham mưu, phục vụ UBTVQH xây dựng Chương trình kỳ họp khoa học, hợp lý, điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế. Chủ động tham mưu, phục vụ UBTVQH đổi mới công tác tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách, trong đó, có nội dung xem xét, thảo luận về các dự án luật được trình theo quy trình thông qua tại 1 kỳ họp. Phối hợp tham mưu, phục vụ UBTVQH tổ chức thành công 36 phiên họp để xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng, nhiều lần đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua, nhất là với những nội dung phức tạp, có tác động sâu rộng đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người dân, doanh nghiệp…

VPQH cũng đã phối hợp tham mưu, phục vụ hiệu quả các cuộc họp của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan để cho ý kiến chỉ đạo về các nội dung lớn và các yêu cầu cụ thể trong quá trình hoàn thiện dự án luật, dự thảo nghị quyết. Tham mưu, phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc UBTVQH phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo để bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội, UBTVQH; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, nhiều cuộc làm việc… để góp phần hoàn thiện các dự án, dự thảo luật, nghị quyết.

Công tác gửi tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội có sự thay đổi tích cực. Để sớm cung cấp tài liệu cho các ĐBQH, thực hiện chỉ đạo của UBTVQH, ngay từ trước khi khai mạc Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, VPQH đã tiếp tục thực hiện việc đổi mới cung cấp tài liệu theo hướng gửi sớm các tài liệu từ giai đoạn thẩm tra, trình UBTVQH cho ý kiến để ĐBQH tiếp cận, nghiên cứu trước, trường hợp có điều chỉnh thì tiếp tục gửi bổ sung. Do đó, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các ĐBQH và giúp đại biểu có thời gian nghiên cứu, góp ý sâu, kỹ lưỡng hơn đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết. Trong thời gian giữa 2 đợt của Kỳ họp, VPQH đã tham mưu, phục vụ UBTVQH tổ chức các Phiên họp để xem xét kỹ lưỡng thận trọng, bảo đảm chất lượng cao nhất các dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua; đồng thời, cho ý kiến về một số nội dung cấp bách để kịp trình Quốc hội xem xét quyết định vào đợt 2 của Kỳ họp.

Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng

Thời gian trình bày các tờ trình, báo cáo được rút ngắn để dành thời gian cho Quốc hội thảo luận, các cơ quan phát biểu, giải trình; giảm thời gian thảo luận tại hội trường, tăng thời gian thảo luận tại tổ để có nhiều ĐBQH được phát biểu ý kiến, trao đổi, thảo luận. Các điều kiện bảo đảm cho kỳ họp, công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm an ninh, an toàn được rà soát kỹ lưỡng, thực hiện chu đáo, ngày càng chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu, tính chất của mỗi kỳ họp.

Ngay sau các Kỳ họp, các cơ quan khẩn trương tham mưu, xây dựng báo cáo Bộ Chính trị kết quả, trong đó phân tích chi tiết việc quán triệt và thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương, các kết luận của Bộ Chính trị trong các luật, nghị quyết và các văn bản mà Quốc hội thảo luận; hoàn thành các thủ tục trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực các luật, nghị quyết đã được thông qua, bảo đảm thời hạn theo quy định. Phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan liên quan chuẩn bị phục vụ tổ chức công bố các luật, Tổng Thư ký Quốc hội công bố các nghị quyết được Quốc hội thông qua...

VPQH cũng đã tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các nội dung thuộc thẩm quyền; ban hành 16 nghị quyết quy phạm pháp luật, 363 nghị quyết về giám sát và các vấn đề quan trọng, 137 thông báo kết luận để các cơ quan liên quan nắm bắt định hướng, triển khai sớm những công việc cần thực hiện, xác định các nội dung cần hoàn thiện ngay sau khi dự án, dự thảo được cho ý kiến. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan chủ trì nội dung đã chuẩn bị dự thảo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi cùng với hồ sơ trình tại phiên họp nhằm rút ngắn thời gian ban hành Thông báo kết luận đối với các dự án, dự thảo...

Có thể nói rằng, các cơ quan của Quốc hội làm ngày, làm đêm để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật thì các cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội cũng miệt mài làm đêm, làm ngày đúng với tinh thần “hết việc chứ không hết giờ”, tỷ mỷ, cẩn trọng để bảo đảm không xảy ra sai sót trong việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo luật, nghị quyết.

Chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu quả

Năm 2025 là năm có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước như: kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Quốc hội có nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06.01.1946 – 06.01.2026). Đây cũng là năm chuẩn bị công tác tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Do đó, khối lượng công việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ là rất lớn với những yêu cầu, đòi hỏi rất cao cả về tiến độ, chất lượng.

Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm 2025, đòi hỏi VPQH - cơ quan tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội phải tiếp tục kế thừa, phát huy kinh nghiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác; kiện toàn, bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ giúp việc; tăng cường tính chuyên nghiệp, khoa học, công tác phối hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, phục vụ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

VPQH đã phát động phong trào thi đua trong năm 2025 với chủ đề “Chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu quả trong tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội” và bắt tay triển khai ngay các hoạt động, nhiệm vụ theo đúng tinh thần này. Theo đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội về thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Khóa XV; triển khai kết luận tại cuộc họp giao ban lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội hằng tháng; tham gia ý kiến vào các nội dung, đề án theo sự phân công, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì buổi gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo Văn phòng Quốc hội nhân dịp xuân Ất Tỵ năm 2025

Hai là, tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng để tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ 9 vào cuối tháng 02.2025 và Kỳ họp thứ Chín, Kỳ họp thứ Mười của Quốc hội khóa XV; các Phiên họp của UBTVQH và các hội nghị khác. Tham mưu, phục vụ việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước; công tác nhân sự, tổ chức bộ máy và một số vấn đề quan trọng khác. Ngay trong những ngày đầu năm mới 2025, Văn phòng Quốc hội tập trung cao nhất tham mưu, phục vụ các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quóc hội chuẩn bị, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Ban Chấp hành Trung ương thông qua, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Ba là, tiếp tục tham mưu, phục vụ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2025; các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc UBTVQH và các ĐBQH, trong đó, có việc lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn của Quốc hội về hoạt động giám sát. Tham mưu, phục vụ triển khai chương trình hoạt động đối ngoại năm 2025, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và hài hòa với hoạt động đối ngoại của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cải tiến nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới quy trình lập pháp, phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.

Bốn là, hoàn thành các công việc sắp xếp tinh gọn các vụ, cục, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội theo sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Thực hiện đầy đủ, đúng quy định và bảo đảm các chế độ, chính sách, đào đạo, bồi dưỡng và làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để công chức, viên chức, người lao động nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, yên tâm công tác, cống hiến vì sự nghiệp chung của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Năm là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH cải tiến, đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, kỳ họp Quốc hội, phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội. Tham mưu, xây dựng việc triển khai Kế hoạch tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Triển khai quyết liệt, kịp thời các nhiệm vụ được phân công chủ trì thực hiện trong việc triển khai Đề án tổ chức Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam; tổ chức Giải Diên Hồng lần thứ tư - năm 2026 với chủ đề “80 năm Quốc hội Việt Nam”.

Sáu là, tiếp tục rà soát trình UBTVQH, Quốc hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp của Quốc hội, Quy chế làm việc của UBTVQH; xây dựng các quy chế, quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ... của VPQH, Ban Thư ký, bảo đảm khung pháp lý để sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị bên trong của VPQH theo Nghị quyết số 18-NQ/TW tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, VPQH, bảo đảm bộ máy sau khi sắp xếp vận hành thông suốt, hiệu quả.

Bảy là, tiếp tục phục vụ Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Tám là, tăng cường đoàn kết nội bộ, phối hợp công tác giữa các đơn vị trong VPQH và giữa VPQH với các cơ quan trong và ngoài Quốc hội; đặc biệt là thường xuyên theo dõi, nắm sát tình hình thực tiễn kinh tế, xã hội của đất nước, của các địa phương, cơ quan, đơn vị để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động của Quốc hội, chất lượng dịch vụ cung cấp thông tin; cải tiến công tác hành chính, thư ký, tổng hợp, thư viện, lễ tân, tài chính, quản trị... để phục vụ hiệu quả các hoạt động của Quốc hội.

Với cương vị là Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tôi sẽ cùng tập thể Văn phòng Quốc hội luôn thể hiện tinh thần nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ nêu trên, góp phần vào thành công chung của Quốc hội.

Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng