TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG TRAO ĐỔI TRƯỚC THỀM KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

20/10/2022

Trả lời phỏng vấn trước thềm khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định đến nay tất cả các công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Với nhiều đổi mới, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả nội dung và công tác phục vụ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tin tưởng về một kỳ họp thành công, tiếp tục góp phần phục hồi, phát triển đất nước, tạo đà bứt phá, quyết tâm thực hiện thành các mục tiêu phát triển của cả nhiệm kỳ.

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ BUỔI HỌP BÁO VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trao đổi trước thềm khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10. Kỳ họp diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII mang đến những động lực thúc đẩy, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh mới. Hội nghị Trung ương 6 đã thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng, trong đó có nội dung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025. Đây cũng là những nội dung sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này. Do đó, mục tiêu hướng tới là kỳ họp Quốc hội sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần, thành công của Hội nghị để có những quyết sách đúng đắn nhất về cả lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Phóng viên: Thưa Tổng Thư ký Quốc hội, kỳ họp lần này là kỳ họp cuối năm lại là năm giữa nhiệm kỳ với khối lượng lớn công việc cả về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng. Xin Tổng Thư ký Quốc hội cho biết đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ họp đã được tiến hành đến đâu?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Có thể khẳng định đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị cho kỳ họp đã hoàn tất cả về nội dung cũng như các điều kiện đảm bảo, hứa hẹn cho việc tổ chức kỳ họp thành công.

Theo thông lệ tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội, nhất là các năm giữa nhiệm kỳ, khối lượng công việc là rất lớn, trong đó tập trung nhiều vào nhiệm vụ lập pháp. Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, đến nay các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp cơ bản hoàn thành. Các dự án luật đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một cách kỹ lưỡng, sâu sắc. Đối với mỗi nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều giao Tổng Thư ký Quốc hội nhanh chóng ban hành thông báo kết luận làm cơ sở cho các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện, sớm hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội bảo đảm chất lượng tốt nhất.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại Hội nghị Đảng đoàn Quốc hội với Ban Cán sự Đảng Chính phủ về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV 

Để chuẩn bị cho kỳ họp, các cơ quan Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã làm việc ngày, đêm để chuẩn bị nội dung kỳ họp; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về các dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này. Bên cạnh các phiên họp thường kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 02 phiên họp chuyên đề pháp luật để tập trung cho ý kiến về các dự án Luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp này. Đến nay, các hồ sơ, tài liệu các nội dung trình Quốc hội đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đặc biệt trong quá trình hoàn thiện hồ sơ các dự án luật không có sự phân biệt Chính phủ hay Quốc hội, cơ quan soạn thảo hay cơ quan thẩm tra mà tất cả các cơ quan đều vào cuộc, đồng hành, phối hợp có hiệu quả, cùng trao đổi để đi đến thống nhất các nội dung, bảo đảm các nội dung trình Quốc hội phải có chất lượng tốt nhất.

Đồng thời, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và cử tri, trân trọng ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội.

Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thảo luận về 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối và phục vụ tốt nhất cho kỳ họp. Công tác phục vụ, điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh,… đều đã cơ bản hoàn tất và sẵn sàng phục vụ kỳ họp.

Phóng viên: Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với trọng tâm là công tác lập pháp. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến đối với 7 dự án luật khác, trong đó có một số dự án sẽ được xem xét thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp.  Xin Tổng Thư ký Quốc hội cho biết công tác chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết đã được triển khai như thế nào?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, kỳ họp này Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp, xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các cơ quan hữu quan về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 07 dự án Luật, 03 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 07 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Đây đều là các dự án luật quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc kế dân sinh, góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Như đã khẳng định ở trên, đến nay các nội dung trình Quốc hội đều bảo đảm đủ điều kiện theo quy định và đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Có được kết quả này là nhờ các cơ quan trình dự án, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là chuẩn bị phối hợp từ sớm, từ xa, có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ ban đầu, bảo đảm cho các nội dung đều được rà soát, cho ý kiến thấu đáo, nhiều vòng, kỹ lưỡng với tinh thần bảo đảm chất lượng ngày càng tốt hơn, chặt chẽ hơn, đáp ứng được yêu cầu cao hơn, không để phát sinh thêm vướng mắc, chồng chéo trong quá trình thực thi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp cùng Chính phủ tổ chức Hội nghị về đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Về tài liệu cơ bản đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội trước kỳ họp theo quy định. Sau khi áp dụng quy định thông báo công khai thời gian gửi tài liệu, tình hình gửi tài liệu đã có sự chuyển biến tích cực. Các cơ quan hữu quan đã chủ động phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện đặt ra để kịp trình Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với các nội dung trình của kỳ họp.

Một trong những điểm mới tại kỳ họp này là trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua luật, nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có chỉ đạo các cơ quan sớm dự kiến những nội dung cần biểu quyết, khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua và in, gửi tới các vị đại biểu Quốc hội chậm nhất 24 giờ trước phiên biểu quyết thông qua luật, nghị quyết đó để bảo đảm thời gian cho các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi biểu quyết thông qua. Đây là một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Nội quy kỳ họp Quốc hội cũng sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Hình ảnh tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Không chỉ các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội mà các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; các báo cáo công tác của các cơ quan; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV...đều được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra một cách kỹ lưỡng, toàn diện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến làm cơ sở để hoàn thiện các nội dung.

Với sự kết quả chuẩn bị các nội dung như hiện nay, sự vào cuộc trách nhiệm của các cơ quan, sự tập trung cao độ cho kỳ họp Quốc hội, tôi tin tưởng chất lượng của kỳ họp sẽ đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng.

Phóng viên: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là 1 trong 7 dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này. Đây là dự án luật lớn và quan trọng, để chuẩn bị cho dự án luật này các cơ quan đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa Tổng Thư ký Quốc hội?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, quan trọng, tác động đến từng người dân, từng gia đình, từng doanh nghiệp, gần như là luật chi phối đến mọi mặt đời sống và đặc biệt liên quan đến rất nhiều luật trong hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”

Quan tâm đến dự án luật quan trọng này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tổ chức đoàn công tác làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật để cho ý kiến định hướng sửa đổi. Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội cũng đã chủ động làm việc với cơ quan soạn thảo trong suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án luật. Không chỉ có Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là cơ quan chủ trì thẩm tra mà đối với dự án luật này trên cơ sở phạm vi nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội cũng tham gia thẩm tra, bảo đảm cho các nội dung thẩm tra toàn diện, sâu sắc. Cùng với đó, các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực đều đã có buổi làm việc với Ban soạn thảo, dự án luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Trong quá trình thẩm tra, rất nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức để lắng nghe rộng khắp các ý kiến góp ý của các chuyên gia, các đối tượng chịu sự tác động của luật.

Phóng viên: Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng là nội dung nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và Nhân dân cả nước. Xin Tổng Thư ký Quốc hội cho biết quy trình lựa chọn các nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp này?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Việc chọn vấn đề chất vấn bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Khác với thông lệ các kỳ họp trước đây, nhóm nội dung chất vấn được chuẩn bị sớm hơn. Theo đó, ngay từ khi gửi thông báo triệu tập kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề nội dung chất vấn, người trả lời chất vấn.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn căn cứ vào ý kiến của đại biểu Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội; thống kê hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay; kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4; những vấn đề nổi lên trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo nhanh chóng tổng hợp, phân tích, đánh giá, căn cứ vào tình hình thực tiễn, các vấn đề thời sự, điểm nóng được đông đảo cử tri quan tâm. Từ đó, lựa chọn 6 nhóm vấn đề thuộc 6 lĩnh vực (nội vụ, xây dựng, thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, thanh tra và lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp). Sau khi xin ý kiến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, 6 nhóm vấn đề chất vấn sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lựa chọn 5 nhóm vấn đề; tiếp đó xin ý kiến đại biểu Quốc hội để chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn. Trong quá trình xin ý kiến, nếu có vấn đề khác mới hơn có thể sẽ thay đổi.  

Việc chuẩn bị sớm các nội dung chất vấn để đại biểu, các bộ ngành nghiên cứu, xem xét nghiên cứu kỹ, đảm bảo chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn sâu hơn, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.

Tại kỳ họp này phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày, từ chiều ngày 03/11 đến ngày 05/11/2022.

Phóng viên: Mặc dù là kỳ họp cuối năm với khối lượng lớn công việc nhưng dự kiến chương trình kỳ họp chỉ diễn ra trong 21 ngày. Xin Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, để đảm bảo chất lượng kỳ họp, Quốc hội đã bố trí sắp xếp chương trình làm việc như thế nào?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra từ ngày 20/10 đến ngày 15/11, với tổng số ngày làm việc là 21 ngày, trong đó có 2 ngày làm việc vào thứ 7. Việc rút ngắn thời gian làm việc tập trung tại kỳ họp tạo điều kiện cho các đại biểu trở về làm việc trong bối cảnh bộn bề công việc cuối năm ở địa phương và các bộ, ngành.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban với các cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội

Tuy nhiên, cần khẳng định rằng việc rút ngắn thời gian kỳ họp không làm ảnh hưởng đến chất lượng. Tiết kiệm thời gian làm việc nhưng chất lượng phải bảo đảm tốt nhất theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội. Để làm được điều này, như tôi đã nói, đòi hỏi quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng của tất cả các cơ quan. Các cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan, đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau thì phải trao đổi kĩ lưỡng thấu đáo, sớm đi đến đồng thuận, chất lượng tài liệu trình Quốc hội phải đạt chất lượng tốt nhất.

Nếu như trước đây thông lệ kỳ họp cuối năm, kỳ họp thường kéo dài từ 30-45 ngày, thì nay nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung cũng như bố trí sắp xếp các nội dung hợp lý thời gian làm viêc được rút ngắn. Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, căn cứ tình hình thực tế, chương trình công tác của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cân nhắc thời gian, cách thức tiến hành kỳ họp và yêu cầu riêng đối với một số nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh thứ tự, thời điểm, thời gian xem xét một số nội dung cho phù hợp theo tinh thần “lấy chất lượng của kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết kiệm tối đa thời gian”.

Một lần nữa tôi có thể khẳng định việc rút ngắn thời gian nhưng không làm ảnh hưởng chất lượng nội dung, chất lượng kỳ họp. Điều này là sự vận động và phát triển khách quan, bởi càng về sau chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội sẽ ngày càng phải nâng lên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của Tổng Thư ký Quốc hội!

Bảo Yến - Nghĩa Đưc