TRUYỀN HÌNH QUỐC HỘI VIỆT NAM CÔNG BỐ NHẬN DIỆN MỚI VÀ VỊ TRÍ KÊNH 7

03/06/2022

7375 lượt xem

Hôm nay (03/6), Truyền hình Quốc hội Việt Nam chính thức công bố Bộ nhận diện mới và Vị trí kênh 7. Đây là sự thay đổi mang tính chiến lược kể từ lần đầu tiên Truyền hình Quốc hội Việt Nam lên sóng vào ngày 06/01/2015.

 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam công bố nhận diện mới và vị trí KÊNH 7

Trải qua hơn 7 năm hình thành và phát triển, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đang dần khẳng định vị trí, sứ mệnh làm cầu nối giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri và khán giả cả nước. Trong bối cảnh xã hội số đang ngày càng phát triển nhờ những bước tiến đột phá về công nghệ và thị trường, Truyền hình Quốc hội Việt Nam bắt buộc phải đổi mới để hoàn thành sứ mệnh mà Quốc hội và Cử tri kỳ vọng. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam công bố nhận diện mới và vị trí KÊNH 7

ĐỔI nhận diện & MỚI tầm nhìn

Xã hội ngày càng phát triển. Kết nối giữa con người, tổ chức, Nhà nước ngày càng nhiều, phức tạp, tức thời và đa nền tảng. Điều này đòi hỏi thể chế và hệ thống kiến tạo thể chế, luật pháp ngày càng phải được thiết kế tinh vi, hoàn thiện để điều phối những vấn đề mới, phức tạp, nảy sinh. Truyền thông, đặc biệt là truyền thông số đóng vai trò ngày càng lớn trong việc đổi mới thể chế và hệ thống kiến tạo pháp luật, đồng thời kết nối Người dân với Nhà nước thông qua một hệ thống luật pháp ngày càng trở nên hoàn thiện.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam, dựa trên triết lý Tin tức kiến tạo, đảm nhận việc sáng tạo và tổ chức sáng tạo nội dung phục vụ Quốc hội và Cử tri, tạo sự kết nối đồng bộ giữa Người dân và Nhà nước, trên cơ sở lan tỏa những giá trị tích cực vì một xã hội văn minh, hài hòa và phát triển bền vững” - ông Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam chia sẻ.

Giới thiệu chương trình

Xác định Sứ mệnh và Tầm nhìn mới, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tiến hành thay đổi bộ nhận diện, coi đây như một cam kết đổi mới mạnh mẽ trên tinh thần hợp tác và phát triển.
 
Logo mới của Truyền hình Quốc hội Việt Nam với chữ cái Q chủ đạo, kế thừa hai màu đỏ và vàng của nhận diện cũ, được thiết kế theo phong cách hiện đại, phù hợp với ngôn ngữ thiết kế chung của thế giới hiện nay. Ngôn ngữ thiết kế trong logo mới hướng tới sự đơn giản cũng nhằm phục vụ cho xu hướng đa nền tảng của các Đài truyền hình hiện nay, trong đó đảm bảo hiển thị tốt trên các nền tảng số như App, Web, Ứng dụng đa phương tiện bên cạnh màn hình TV truyền thống. Bộ nhận diện mới chính thức được áp dụng trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam kể từ 0h00 ngày 03/06/2022.  
 
Định vị một số hiệu kênh duy nhất để gần cử tri
 
Thời điểm Truyền hình Quốc hội Việt Nam chính thức phát sóng vào ngày 06/01/2015, cả nước đã có hơn 100 kênh truyền hình ở cả trung ương và địa phương với những vị trí kênh đã được xác lập. Sự đa dạng và phức tạp về công nghệ phát sóng truyền hình và sau đó là truyền dẫn trên nền tảng internet càng khiến việc giữ một vị trí kênh thống nhất cho Truyền hình Quốc hội trở nên khó khăn. Sự thiếu thống nhất này khiến khán giả, cử tri cả nước gặp khó trong việc tiếp cận thông tin từ Truyền hình Quốc hội Việt Nam cũng như các Kênh truyền hình thiết yếu quốc gia khác. 

Giới thiệu chương trình

Với sự ủng hộ của Lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, sau quá trình đàm phán với các đối tác, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã bước đầu hiện thực hóa chiến lược định vị một số hiệu kênh duy nhất: Kênh 7, với ý nghĩa Truyền hình Quốc hội Việt Nam là một trong những kênh trẻ nhất trong nhóm 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia. 

Hiện tại, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, DatVietVAC Group Holdings, Tổng Công ty Truyền hình Cab Việt Nam… đã đồng ý thiết lập vị trí Kênh 7 đối với kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam. 

Dự kiến, đến hết năm 2022, vị trí của Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ cơ bản được thống nhất ở Kênh 7 trên hầu hết các hệ thống truyền dẫn phổ biến.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam