NGHỊ ĐỊNH SỐ 02/2020/NĐ-CP QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP CỦA DÂN QUÂN TỰ VỆ VỚI CÁC LỰC LƯỢNG KHÁC TRONG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI, DỊCH BỆNH VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

22/03/2021

Tại buổi tập huấn về Luật Dân quân tự vệ do Văn phòng Quốc hội tổ chức vừa qua, các báo cáo viên cho biết, sau khi Luật Dân quân tự vệ năm 2019 được thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2020/NĐ-CP với một số điểm mới trong quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng khác trong khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Toàn cảnh buổi tập huấn

Nghị định được ban hành nhằm mục đích cụ thể hóa nội dung khoản 1 Điều 31 của Luật Dân quân tự vệ năm 2019 để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ(DQTV).

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị định là thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đúng quy định của Luật Dân quân tự vệ năm 2019, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần xây dựng nền Quốc phòng toàn dân, thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với, thế trận an ninh nhân dân, nâng cao chất lượng huấn luyện, hoạt động của Dân quân tự vệ, phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 133/2015/NĐ-CP; khắc phục những hạn chế, bất cập, bổ sung nội dung mới phù hợp.

Tại buổi tập huấn, báo cáo viên cho biết, Nghị định có một số điểm mới trong quy định về sự phối hợp giữa lực lượng DQTV và lực lượng khác. Cụ thể, về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm hoạ, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và hoạt động phòng thủ dân sự khác, Nghị định bổ sung quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ với lực lượng chức năng thực hiện các hoạt động “Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm hoạ, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và hoạt động phòng thủ dân sự khác”. Dân quân tự vệ có vai trò là một trong các lực lượng nòng cốt trong hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm hoạ, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và hoạt động phòng thủ dân sự đã được quy định tại Luật Quốc phòng và Nghị định số 02/2019/NĐ-CP của Chính phủ về phòng thủ dân sự.

Thực tiễn những năm qua Dân quân tự vệ đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong ứng phó, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai ở cơ sở; cơ quan quân sự địa phương các cấp đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức sử dụng lực lượng Dân quân tự vệ phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ  phòng, chống, lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống khắc phục thảm họa, sự cố thiên tai xảy ra trên địa bàn. Năm 2019, lực lượng DQTV trên địa bàn các địa phương đã huy động 248.776 lượt DQTV/721.936 ngày công; 9 tháng đầu năm 2020 toàn quốc đã huy động 78.680 lượt DQTV/169.455 ngày công (cụ thể các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng/QK 1; Điện Biên, Sơn La, Lai Châu/QK2; Quảng Ninh, TP Hải phòng, Nam Định/QK 3; Thanh Hóa, Quảng Bình/QK4; Đắc Nông, Đà Nẵng, Quang Nam/QK5; Bình Thuận, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh/QK7; Kiên Giang, Đồng Tháp/QK9); BTL thủ đô Hà Nội;

Bên cạnh đó, Dân quân tự vệ phối hợp với các lực lượng trong phòng, chống dịch Covid -19 hiện nay như: tham gia tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn đăng ký y tế nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm dịch Covid-19. Dân quân tự vệ đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị Bộ đội Biên phòng và lực lượng liên quan tổ chức các đội tuần tra, trạm, chốt kiểm soát người, hàng hóa qua lại khu vực biên giới kịp thời phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và các hành vi xâm nhập, vượt biên, vượt biển trái phép và hành vi vi phạm pháp luật khác, 9 tháng đầu năm 2020 toàn quốc đã huy động trên 215.433 lượt DQTV/1.543.953 ngày công tham gia phòng, chống dịch; Đồng thời Nghị định đã quy định rõ vai trò của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp có nhiệm vụ chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền chủ trì, phối hợp với Dân quân tự vệ thực hiện các hoạt động về phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm hoạ, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và hoạt động phòng thủ dân sự khác.

Về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ trong bảo vệ môi trường, đây là quy định mới quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ với lực lượng chức năng bảo vệ môi trường và lực lượng liên quan trên địa bàn thực hiện các hoạt động về Bảo vệ môi trường”. Quy định trên phù hợp với nguyên tắc bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được quy định tại Điều 4 Luật bảo vệ môi trường.

Báo cáo viên chỉ ra rằng, do ý thức không tốt của con người mà môi trường của nước ta đang ngày càng trở lên ô nhiễm nặng lề, sự ô nhiễm này không chỉ gây suy giảm chất lượng môi trường sống mà còn đe dọa đến chính sự sống của con người; vài năm trở lại đây hoạt động bảo vệ môi trường đã được các cơ quan, tổ chức, địa phương quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; tình hình ô nhiễm đã có những chuyển biến tích cực, song ô nhiễm môi trường tại các thành phố, thị xã, các khu công nghiệp, khu dân cư vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân; con người vẫn sống chung với rác thải và nguồn nước ô nhiễm. Từ những tồn tại trên cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương, cơ quan, tổ chức đã huy động lực lượng tham gia bảo vệ môi trường, trong dó lực lượng Dân quân tự vệ làm nòng cốt, đã tiến hành nhiều hoạt động như, nạo vét kênh mương, tu sửa đường giao thông, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải..v, v góp phần làm sạch môi trường sống. Kết quả cụ thể, năm 2019 các địa phương trên toàn quốc đã huy động 89.105 lượt DQTV/117.266 ngày công; trong 9 tháng đầu năm 2020 toàn quốc đã huy động 34.076 lượt DQTV/52.166 ngày công Dân quân tự vệ tham gia hoạt động phối hợp với các lực lượng bảo vệ môi trường. Đồng thời Nghị định cũng quy định cụ thể nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng chủ trì, phối hợp với Dân quân tự vệ thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường.

Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ đã góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành Luật Dân quân tự vệ năm 2019, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật về Dân quân tự vệ và pháp luật có liên quan; tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan, tổ chức, địa phương xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có số lượng, quy mô, biên chế phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tổ chức hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng chức năng trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hoạt động phòng thủ dân sự khác đạt hiệu quả thiết thực góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới./.

Hồ Hương