MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 02/2020/NĐ-CP QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP CỦA DÂN QUÂN TỰ VỆ VỚI CÁC LỰC LƯỢNG KHÁC

17/03/2021

Tại buổi tập huấn về Luật Dân quân tự vệ do Văn phòng Quốc hội tổ chức vừa qua, các báo cáo viên cho biết, sau khi Luật Dân quân tự vệ năm 2019 được thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2020/NĐ-CP với một số điểm mới trong quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng khác.

 

Toàn cảnh buổi tập huấn

Về bố cục, nội dung cơ bản của Nghị định, báo cáo viên cho biết, Nghị định gồm 03 chương, 24 điều (tăng 02 Điều so với Nghị định 133/2015/NĐ-CP). Ch­­ương I quy định chung: Gồm 03 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc hoạt động phối hợp. Ch­­ương II quy định hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ: Gồm 04 mục, 19 điều, quy định những nội dung cụ thể về phối hợp hoạt động của Dân quân tự vệ, như: Trong xây dựng quy chế, kế hoạch, trao đổi thông tin, giao ban, tổng kết, kiểm tra và bảo đảm hoạt động phối hợp; Trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; Trong bảo vệ An ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội (nhất là trong các trạng thái quốc phòng, tình trạnh khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm); Chương III quy đinh Điều khoản thi hành: Gồm 02 điều (Điều 23 và Điều 24), quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành và thay thế Nghị định 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 từ ngày 15/8/2020.

Về một số quy định mới của Nghị định, đối với phạm vi điều chỉnh, Nghị định bổ sung quy định mới so với Nghị định số 133/2015/NĐ-CP về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng như Quân đội, Công an trong “bảo vệ vùng trời Việt Nam; đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng cơ sở VMTD; thực hiện chính sách xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ môi trường và hoạt động phòng thủ dân sự khác; bảo đảm đầy đủ và phù hợp với hoạt động thực tiễn hiện nay của Dân quân tự vệ.

Đối với quy chế hoạt động phối hợp, bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chủ trì, trao đổi thống nhất với các cơ quan, đơn vị có lực lượng phối hợp với Dân quân tự vệ xây dựng quy chế hoạt động phối hợp, cụ thể: Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh chủ trì, trao đổi, thống nhất với Công an cấp tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Vùng Hải quân, Vùng Cảnh sát biển; Cục Kiểm ngư; đơn vị Quân đội cấp Sư đoàn, Lữ đoàn và tương đương; cơ quan, đơn vị Công an trực thuộc Bộ Công an đứng chân trên địa bàn có hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ xây dựng quy chế hoạt động phối hợp, cùng ký và tổ chức thực hiện; Ban chỉ huy quân sự cấp huyện chủ trì, trao đổi, thống nhất với Công an cấp huyện; Đồn Biên phòng, Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải đoàn Biên phòng, Hải đội Biên phòng; Hạt Kiểm lâm, Chi cục Kiểm ngư vùng, Trạm Kiểm ngư, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị Quân đội cấp Trung đoàn, Tiểu đoàn trực thuộc cấp Sư đoàn và tương đương trở lên; cơ quan, đơn vị Công an trực thuộc Công an cấp tỉnh đứng chân trên địa bàn có hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ xây dựng quy chế hoạt động phối hợp, cùng ký và tổ chức thực hiện;

Đồng thời quy định, Ban chỉ huy quân sự cấp xã chủ trì, phối hợp trao đổi, thống nhất với Công an cùng cấp, Trạm biên phòng, các đơn vị Quân đội cấp Tiểu đoàn, Đại đội trực thuộc cấp Trung đoàn và tương đương trở lên, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức (nơi không có Ban chỉ huy quân sự), kiểm lâm, chủ rừng trên địa bàn xây dựng quy chế hoạt động phối hợp cùng ký chịu trách nhiệm, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt và tổ chức thực hiện. Việc bổ sung quy định này là rất cần thiết nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về quân sự, quốc phòng trên địa bàn lãnh thổ, bảo đảm thống nhất trong chủ trì, phối hợp, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong hoạt động phối hợp.

Đối với kế hoạch hoạt động phối hợp, bổ sung quy định trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động phối hợp, cụ thể: Cơ quan quân sự địa phương các cấp chủ trì, thống nhất xây dựng kế hoạch hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn có hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ, cùng ký chịu trách nhiệm, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt và tổ chức thực hiện; Căn cứ kế hoạch quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ trì có hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ trao đổi, thống nhất với cơ quan quân sự địa phương xây dựng kế hoạch trình cấp trên trực tiếp phê duyệt và tổ chức thực hiện; Khi có nhiệm vụ đột xuất, cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch trình cấp trên trực tiếp phê duyệt và tổ chức thực hiện. Việc bổ sung quy định này là nhằm xác định trách nhiệm của cơ quan quân sự địa phương các cấp và đơn vị chủ trì, khắc phục tình trạng thiếu chủ động trong xây dựng kế hoạch phối hợp.

Đối với việc trao đổi thông tin, giao ban, sơ kết, tổng kết, Nghị định bổ sung quy định về trao đổi tình hình hằng tuần ở cấp xã; giao ban hằng tháng ở cấp huyện (Nghị định số 133/2015/NĐ-CP giao ban quý) để phù hợp với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 22 Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng “Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng (nếu có) cấp huyện giao ban mỗi tháng một lần vào tuần thứ tư của tháng; Công an, Quân sự cấp xã thường xuyên trao đổi tình hình, hội ý hàng tuần, giao ban mỗi tháng một lần vào thứ ba của tháng”./.

Hồ Hương