Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
Tham dự họp báo còn có Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang; Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Thanh Hồng; Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Sĩ Thanh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Vũ Minh Tuấn; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế.
Kỳ họp thứ 10 tiến hành theo hai đợt
Tóm tắt nội dung chương trình kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp đặc biệt, diễn ra ngay trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đồng thời đây cũng là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ, do đó, Quốc hội sẽ tập trung thời gian xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng còn lại trong Chương trình công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Dự kiến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 20/10/2020 và bế mạc vào ngày 17/11/2020. Theo chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong khoảng 19 ngày, chia làm 2 đợt. Đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến các điểm cầu tại các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian từ ngày 20/10 đến 27/10). Đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội (thời gian từ ngày 02/11-17/11/2020).
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, để phù hợp với điều kiện họp trực tuyến, tại Đợt 1 của Kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận về các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết, báo cáo công tác của các cơ quan. Quốc hội không thảo luận ở Tổ nhưng sẽ tăng thời gian thảo luận tại phiên toàn thể đối với một số nội dung và khuyến khích đại biểu tăng cường góp ý bằng văn bản. Quốc hội tiếp tục ứng dụng tối đa tiện ích của công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận, khai thác, sử dụng tài liệu (trừ nội dung Mật). Việc biểu quyết của đại biểu Quốc hội được thực hiện thông qua phần mềm được cài đặt trên thiết bị di động. Kết quả biểu quyết cũng được hiển thị trên màn hình phòng Diên Hồng tương tự như việc họp tập trung. Trong Đợt 2, Quốc hội học tập trung tại Nhà Quốc hội. Cách thức tiến hành các phiên họp của Quốc hội được thực hiện theo thông lệ của các kỳ họp Quốc hội trước đây.
Đặc biệt tại Kỳ họp thứ 10, Văn phòng Quốc hội áp dụng cải tiến phần mềm biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp Quốc hội bằng hình thức trực tuyến; đại biểu Quốc hội sẽ sử dụng IPAD để tranh luận mà không phải sử dụng việc giơ biển tên để đăng ký chất vấn, tranh luận.
Quốc hội sẽ xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng hoàn tất công tác cả nhiệm kỳ
Về nội dung chương trình kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét thông qua 07 dự án luật và 03 Nghị quyết; cho ý kiến đối với 04 dự án luật khác.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Vũ Minh Tuấn tóm tắt dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
Các dự án Luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Các dự thảo Nghị quyết: Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề và các Nghị quyết chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết chất vấn khóa XIII.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Quốc hội cũng sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch AIPA.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Các báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; các kế hoạch: tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét và thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Điều 40, Luật Tổ chức Quốc hội. Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự của một số cơ quan thuộc Chính phủ.
Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin và tuyên truyền về Kỳ họp
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, về cơ bản, công tác thông tin, báo chí tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục được tổ chức tương tự như tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua. Theo đó, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế tiếp tục được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận, tham gia đưa tin về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn chia sẻ, trên cơ sở rút kinh nghiệm tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về đợt họp trực tuyến của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội rất mong các cơ quan báo chí trung ương, đặc biệt là các cơ quan báo chí chủ lực, tăng cường sử dụng đội ngũ các phóng viên thường trú ở các địa phương tham dự, đưa tin, phỏng vấn cả đại biểu Quốc hội tại các điểm cầu ở địa phương để phản ánh một cách kịp thời, tổng thể diễn biến của kỳ họp và cũng giúp cho việc đưa tin về kỳ họp được phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin về hoạt động của Quốc hội của cử tri và các tầng lớp Nhân dân.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi tại họp báo
Tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi và thông tin thêm với phóng viên về một số nội dung của chương trình kỳ họp. Theo đó, tại phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ dành thời gian để mặc niệm đối với đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, cùng người dân tử nạn trong đợt mưa lũ tại khu vực miền Trung vừa qua. Đồng thời, Quốc hội cũng chia sẻ với những mất mát của đồng bào miền Trung do ảnh hưởng của bão lũ và các gia đình chiến sỹ.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn ra khỏi chương trình kỳ họp trong khi việc sửa đổi là rất cần thiết, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, trước đó, qua thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dự án Luật có nhiều quy định định mới như hệ thống tổ chức, tài chính, kinh phí hoạt động…chưa được đánh giá tác động, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động một cách đầy đủ. Do đó để bảo đảm chất lượng và đủ điều kiện để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và tại kỳ họp này Quốc hội chưa xem xét, thảo luận nội dung này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Quốc hội có xem xét ban hành nghị quyết riêng về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập hay không, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập. Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, được phát thanh truyền hình trực tiếp, các đại biểu Quốc hội cùng cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi về kỳ họp sẽ được xem video báo cáo kết quả giám sát về nội dung này, qua đó thấy được toàn cảnh tình hình hồ đập. Đây là nội dung giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên tại kỳ họp này Quốc hội sẽ không giám sát nên sẽ không có Nghị quyết riêng của Quốc hội về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập mà nội dung này sẽ được gắn với Nghị quyết chung của kỳ họp, trên cơ sở đó Quốc hội xem xét, cân nhắc vấn đề đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để quan tâm, bố trí kinh phí đầu tư bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập.
Phát biểu kết thúc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ, ngoài xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, phương hướng nhiệm vụ kế hoạch cho năm 2021, việc thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả của Covid-19, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016-2021, kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bên cạnh công tác lập pháp, Quốc hội cũng tiến hành chất vấn và các công tác nhân sự vùng nhiều nội dung quan trọng khác. Kỳ họp này Quốc hội cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong tất cả các hoạt động từ đăng ký phát biểu, tranh luận, biểu quyết… Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc kỳ vọng với nhiều điểm mới trong hoạt động đóng góp vào hiệu quả hoạt động của Quốc hội, kỳ họp Quốc hội tới sẽ diễn ra thành công./.