TẬP HUẤN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ LẬP PHÁP Ở VIỆT NAM

27/09/2019

Trong hai ngày 26/9-27/9, tại Lào Cai, Vụ Các vấn đề xã hội và Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Khóa tập huấn về “Bình đẳng giới và lập pháp ở Việt Nam” cho cán bộ, công chức trong các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội.

Tham gia khóa tập huấn có Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề Xã hội, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Đức Hạnh, chuyên gia cao cấp về Phát triển xã hội, Ngân hàng Thế giới Helle Buchhave, các chuyên gia của ngân hàng Thế giới, các báo cáo viên đến từ Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng các cán bộ, công chức thuộc Văn phòng Quốc hội.

Tập huấn về “Bình đẳng giới và lập pháp ở Việt Nam”

Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Đức Hạnh cho biết, vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được coi là biện pháp chiến lược để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Năm 2006 cùng với việc thông qua Luật Bình đẳng giới lần đầu tiên vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng luật được luật hóa. Đến năm 2015 khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới, một lần nữa việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, luật được củng cố thêm với việc quy định rất rõ về việc lồng ghép giới phải được thực hiện trong cả quá trình từ đề xuất chính sách, pháp luật; xây dựng chính sách, pháp luật; thẩm định chính sách, pháp luật. Thực hiện các quy định này đã có rất nhiều luật, pháp lệnh được thẩm tra và lồng ghép vấn đề giới.

Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Đức Hạnh chia sẻ, với mục đích cung cấp thêm thông tin, nâng cao kĩ năng cho các cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội khi tham gia phục vụ xây dựng pháp luật, Vụ Các vấn đề xã hội và Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức khóa tập huấn cung cấp công cụ, kiến thức cần thiết cho công chức để xây dựng, rà soát, triển khai và theo dõi kết quả cũng như tác động của luật pháp, có nhận thức về giới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình.

Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Đức Hạnh phát biểu tại buổi tập huấn

Trước đó, các học viên đã tham gia khóa học trực tuyến do Ngân hàng Thế giới cung cấp, với các nội dung về hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam, bình đẳng giới trong quá trình lập pháp, theo dõi và đánh giá nhạy cảm giới.

Tại khóa tập huấn tập trung các học viên tiếp tục được ôn tập lại những nội dung chính của khóa học trực tuyến; đồng thời trao đổi chuyên đề dữ liệu giới ở Việt Nam, Bộ luật Lao động năm 2012 và bình đẳng Giới, tác động của các yếu tố liên quan tới giới đến các quyết định việc làm; kinh nghiệm chuẩn bị đánh giá giới cho Bộ Luật Lao động-các vấn đề chính phải cân nhắc, các bài học kinh nghiệm, triển vọng về Bộ Luật Lao động. Các học viên cũng đã tiến hành làm việc nhóm, thực hành về cách thức sử dụng các công cụ phân tích giới để đánh giá tác động của hệ thống luập pháp; đánh giá tập trung vào các vấn đề giới.

Bình đẳng giới phải được hiểu là giữa những người có cùng điều kiện về sức khỏe, trí tuệ thì phải có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận các công việc không phân biệt đó là nam hay nữ. Xã hội muốn hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới cần phải gạt được ra ngoài các tư tưởng “định kiến giới” về những việc phụ nữ hay đàn ông có thể làm. Một chính sách ngay từ khi ban hành đã đòi hỏi người soạn thảo phải hiểu rất rõ về khái niệm giới cũng như cách thức lồng ghép yếu tố giới trong văn bản sao cho phù hợp. 

Việc hiểu và thực hiện đúng lồng ghép giới vào các chính sách pháp luật cần phải tiếp tục được quan tâm ở mọi cấp, mọi giới. Hoạt động này đang góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình bình đẳng giới tại Việt Nam, dần tiến tới xóa bỏ các rào cản giữa nam giới và nữ giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất, đồng thời đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật.

Chuyên viên Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Hà Thu phát biểu tại buổi tập huấn

Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời năm 2007 thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, xoá bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ, thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người nói chung, quyền bình đẳng của phụ nữ nói riêng. Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực trong các hoạt động nhằm đảm bảo bình đẳng giới thông qua lồng ghép giới như các quy định tại Bộ luật Lao động 2012, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật 2015; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017… khi đã quy định các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nữ, đơn vị sử dụng đông số lượng lao động nữ hay phải đánh giá tác động về giới (nếu có). Các quy định này ghi nhận nhiều tiến bộ khi đặt ra các biện pháp tạm thời nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

Đặc biệt trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), Quốc hội khóa XIV tới đây, đã có nhiều quy định thay đổi cách tiếp cận, hoàn thiện các quy định đối với bốn nội dung về thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động. Đó là: Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ. Hoàn thiện các quy định phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc. Bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới, không phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong thực hiện chức năng thai sản, chăm sóc con nhỏ. Hoàn thiện cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo; hỗ trợ người lao động gửi con vào nhà trẻ, lớp mẫu giáo.

Chuyên viên chính Vụ Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ về quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Chuyên viên chính Vụ Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ, trong quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các nội dung lồng ghép bình đẳng giới trong dự thảo Luật được tổ chức quốc tế đánh giá cao. Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tiếp tục kế thừa các quy định phù hợp hiện hành đang phát huy hiệu lực trong Bộ luật Lao động năm 2012, khẳng định chính sách và các biện pháp của Nhà nước Việt Nam bảo vệ lao động nữ, bảo vệ bà mẹ nhưng chuyển từ cách tiếp cận bảo vệ thông qua các quy định hạn chế quyền của phụ nữ hoặc các quy định có thể dẫn đến phân biệt đối xử trên thực tế sang cách tiếp cận bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới thực chất phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Bình đẳng giới và các công ước liên quan đến tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Các học viên và chuyên gia tham gia khóa tập huấn

Ngoài ra, tại buổi tập huấn, các học viên đã chia sẻ các vấn đề cụ thể liên quan đến mảng công tác của vụ/ban của mình và kinh nghiệm lồng ghép giới trong các luật đang được Quốc hội xem xét./.

Bảo Yến