Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

21/06/2017

Chiều ngày 21/6, tại Trung tâm báo chí- Nhà Quốc hội, sau khi Quốc hội bế mạc, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Tham dự họp báo còn có: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải; Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh; Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng; đại diện thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cùng đông đảo lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.

Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh báo cáo tóm tắt kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp...

Báo cáo kết quả Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, ngày 22/5/2017, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Sau một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; với sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; với tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, các cơ quan liên quan; với sự quan tâm, theo dõi, giám sát và chia sẻ của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và sự tham gia, đưa tin kịp thời, đầy đủ, chính xác của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Công tác xây dựng pháp luật được xác định là một nội dung trọng tâm của kỳ họp thứ 3 với nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng nhằm tiếp tục thể chế hóa Cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng, các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế. Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, thông qua 12 dự thảo Luật, 12 Nghị quyết; và xem xét, cho ý kiến đối với 06 dự án luật. Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật về tư pháp, quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...

Quốc hội cũng đã xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của các cơ quan của Quốc hội; các báo cáo về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc thực hiện bảo hiểm xã hội, quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội; thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; công tác bảo vệ môi trường.

Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016”. Đây là nội dung giám sát rất quan trọng, liên quan đến tình hình an toàn thực phẩm rất bức xúc hiện nay, được dư luận và cử tri đặc biệt quan tâm. Quốc hội đánh giá công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức quan trọng. Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở cân nhắc thận trọng, bám sát thực tiễn, phân tích kỹ những vấn đề bức xúc, nổi cộm của đời sống xã hội đang được cử tri đặc biệt quan tâm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, đồng thời thành lập Đoàn giám sát để triển khai thực hiện. Trong đó Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016” tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Về chất vấn và trả lời chất vấn, tại kỳ họp thứ 3, đã có 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 114 phiếu chất vấn với 127 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Với thời gian 03 ngày (tăng 0,5 ngày so với các kỳ họp trước), Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Giao thông vận tải, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo, giải trình thêm về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đã có hơn 196 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 58 lượt đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bức xúc của đời sống. Đặc biệt, tích cực tranh luận với các thành viên Chính phủ và các vị đại biểu khác để làm rõ thêm những hạn chế, yếu kém, xác định trách nhiệm và có giải pháp khắc phục. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ tổ chức thực hiện Quốc hội giám sát, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của Nhân dân.

Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Quốc hội cũng đã tiến hành một số hoạt động khác, tronng đó có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng nhằm tăng cường và mở rộng các hoạt động song phương với nghị viện các nước, góp phần thúc đẩy hoạt động ngoại giao nghị viện. Đã có 02 Đoàn đại biểu cấp cao do Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Cuba và Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Haiti dẫn đầu đến thăm và làm việc với Quốc hội nước ta.

Toàn cảnh Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

...từng bước chuyển từ “Quốc hội phát biểu tham luận” sang "Quốc hội tranh luận”

Trao đổi với phóng viên tại Họp báo về những thay đổi tích cực trong hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Kỳ họp thứ 3 có khối lượng công việc đồ sộ, Quốc hội đã thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến 6 dự luật khác với tinh thần là kỳ họp đầu tiên thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Các phiên thảo luận tại nghị trường chuyển từ “Quốc hội phát biểu tham luận” sang "Quốc hội tranh luận” với không khí hết sức dân chủ, đổi mới. Các đại biểu Quốc hội đã tích cực tranh luận, không chỉ tranh luận giữa đại biểu với thành viên Chính phủ mà còn tranh luận giữa đại biểu với đại biểu, với đích đến là làm rõ vấn đề để cử tri hiểu và các đại biểu cũng hiểu lẫn nhau.

Bên cạnh đó, theo Tổng thư ký Quốc hội, Kỳ họp này có điểm mới nằm ở sự điều hành rất linh hoạt của Chủ toạ, nhất là việc Chủ toạ quyết định kéo dài thêm thời gian thảo luận. Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, Chủ toạ đã quyết định kéo dài đến 18h30, tức kéo dài chương trình thảo luận thêm 1,5 giờ. Việc kéo dài thời gian tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội phát biểu nhiều hơn. Tổng thư ký Quốc hội cũng nhấn mạnh, chưa bao giờ có phiên họp nào có tới 93 đại biểu đăng ký phát biểu. Quốc hội cũng quyết định kéo dài phiên chất vấn thêm nửa ngày, từ 2,5 ngày lên 3 ngày chất vấn để dành thêm nhiều thời gian cho cả người hỏi lẫn người trả lời để làm rõ vấn đề.

Báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Ngày bế mạc kỳ họp năm nay cũng trùng với thời điểm kỷ niêm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Tại cuộc Họp báo, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có bài phát biểu chúc mừng đến đông đảo phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, trong hoạt động của Quốc hội, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối đắc lực giữa Quốc hội với cử tri. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã liên tục bám sát và phản ánh đầy đủ, kịp thời thông tin về các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội; hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tới cử tri và Nhân dân cả nước. Báo chí cũng đã góp phần quan trọng trong việc chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân tới Quốc hội, làm cho các hoạt động của Quốc hội ngày càng trở nên gần gũi, mật thiết với Nhân dân. 

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Tổng thư ký Quốc hội mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục có những đóng góp sâu sắc, tích cực vào sự nghiệp hoạt động của Quốc hội. Bám sát, đồng hành với Quốc hội không chỉ ở các kỳ họp Quốc hội mà còn trong thời gian giữa các kỳ họp Quốc hội để chuyển tải kịp thời những hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tới các cử tri, nâng cao nhận thức của người dân để người dân ngày càng hiểu và ủng hộ các quyết sách của Quốc hội, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Quốc hội trong lòng công chúng; tiếp tục đổi mới, áp dụng những phương thức thông tin, tuyên truyền sáng tạo về Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ thông tin hiện đại; Tiếp tục có những bài phân tích, bình luận sắc sảo; nhiều bài phóng sự, tường thuật, nghị luận sâu sắc về các nội dung được Quốc hội xem xét, thảo luận; tiếp tục phản ánh kịp thời những vấn đề còn tồn tại của cuộc sống; đi sâu, đi sát vào những vấn đề dân sinh nóng bỏng, những mối quan tâm của người dân để phân tích, lý giải, qua đó góp phần hình thành mối quan hệ mật thiết giữa Quốc hội và nhân dân. Tổng thư ký Quốc hội cũng mong muốn các phóng viên báo chí nghị trường tiếp tục có những đóng góp những sáng kiến hữu ích để giúp cho hoạt động của Quốc hội ngày càng được cải tiến, đổi mới, hướng đến một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo, vì lợi ích của Nhân dân.

Hoà chung vào không khí kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày hội của những người làm công tác báo chí trong cả nước, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc gửi lời cảm ơn tới các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên chuyên theo dõi, đưa tin, phản ánh về các hoạt động Quốc hội. Chúc các bạn phóng viên tiếp tục phát huy lòng yêu nghề, bút sắc, tâm sáng, lòng trong để có được nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, thuyết phục, cuốn hút công chúng, xứng đáng là những người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa- tư tưởng như lời Bác Hồ đã căn dặn. 

Bảo Yến