Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc họp báo công bố chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV

19/05/2017

Chiều 19/5, tại Trung tâm Báo chí- Nhà Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì Họp báo công bố chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV.

Tham dự họp báo còn có: Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, đại diện thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo các đơn vị hữu quan. Cuộc họp báo thu hút nhiều phóng viên, nhà báo của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước đến tham dự và đưa tin.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 22/5/2017 tại Hội trường Diên Hồng- Nhà Quốc hội. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 22,5 ngày và họp phiên bế mạc vào ngày 21/6/2017.

Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm VPQH Lê Bộ Lĩnh thông báo nhanh về dự kiến chương trình kỳ họp          Ảnh: Đình Nam

Công tác lập pháp chiếm 60% thời gian làm việc

Trình bày Báo cáo tóm tắt chương trình và nội dung Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, theo thông lệ, tại kỳ họp đầu năm, Quốc hội thường dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, tại kỳ họp này Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác liên quan đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Quốc hội sẽ dành khoảng 13,5 ngày làm việc để tập trung xem xét, thông qua 13 dự án luật, 05 dự thảo nghị quyết. So với kỳ họp trước, số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này tăng 09 dự án luật, số dự thảo nghị quyết tăng 04 văn bản.

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Nghị quyết về thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam- Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành cho ý kiến 05 dự án luật khác gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật tố cáo (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV

Tại kỳ họp họp này, Quốc hội dành khoảng 6,5 ngày để xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; Phê duyệt quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; xem xét việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Quốc hội cũng tiến hành thảo luận về báo cáo giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016; xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; thông qua Nghị quyết về việc thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018.Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội sẽ dành thời gian để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ dành 03 ngày làm việc để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trả lời các câu hỏi của phóng viên

Tạo điều kiện tốt nhất cho báo chí tác nghiệp tại Kỳ họp

Để tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân theo dõi, nắm bắt kịp thời nhiều nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, thảo luận, trong chương trình nghị sự của kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ bố trí 12 buổi họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Kênh thời sự VTV1; Kênh Truyền hình Quốc hội và VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước sẽ tham gia tác nghiệp, đưa tin về kỳ họp tại Trung tâm báo chí Kỳ họp tại tầng B1, Nhà Quốc hội. Trung tâm báo chí sẽ cung cấp đầy đủ tài liệu và tín hiệu trực tiếp từ phòng họp Quốc hội (trừ các phiên họp kín) để các phóng viên báo chí tiếp cận, đưa tin. Đồng thời, Trung tâm báo chí sẽ cung cấp một số lượng thẻ nhất định để tạo điều kiện cho các phóng viên tác nghiệm tại hành lang Hội trường Diên hồng; bố trí Phòng phỏng vấn tại tầng 3, Nhà Quốc hội để tạo điều kiện cho phóng viên phỏng vấn đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao theo quy định.

Tại buổi họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời nhiều nhiều nội dung mà báo chí quan tâm. Trao đổi với các phóng viên tại buổi họp báo về việc miễn nhiệm đại biểu Quốc hội, điều chuyển sinh hoạt của đại biểu Quốc hội và có hay không việc xem xét bầu bổ sung các đại biểu khuyết thiếu, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, việc một số đại biểu Quốc hội bị bãi nhiễm, thôi nhiệm vụ hay vì lí do sức khỏe là điều không mong muốn. Tuy nhiên, việc bầu bổ sung phải dựa tỷ lệ khuyết thiếu đại biểu nhất định cũng như khả năng thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội là đại biểu của toàn dân, dù sinh hoạt ở Đoàn nào thì vẫn đại diện cho nhân dân cả nước. Bên cạnh việc tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình sinh hoạt, đại biểu Quốc hội có thể thực hiện các quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội hay tiến hành tiếp xúc cử tri ở những địa phương khác.

Liên quan đến dự án Luật Biểu tình vẫn chưa được trình tại kỳ họp lần này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền biểu tình, quyền lập Hội. Vừa qua, trong Chương trình xây dựng luật cũng đưa ra dự án Luật Biểu tình nhưng khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dự án Luật này chưa đảm bảo chất lượng nên Ủy ban thường vụ đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đã đề nghị các phóng viên báo chí có nhiều bài viết, hình ảnh, phản ánh kịp thời, sâu rộng, phong phú các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 tới đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. 

Bảo Yến