Tham dự còn có lãnh đạo Vụ Thông tin, Vụ Đối ngoại, Cục Quản trị- Văn phòng Quốc hội; đại diện Vụ Thông tin Báo chí- Bộ Ngoại giao, Cục Báo chí- Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Quốc hội, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Đại biểu nhân dân và một số cơ quan hữu quan, cơ quan thông tấn, báo chí khác.
Văn phòng Quốc hội họp triển khai công tác thông tin, tuyên truyền Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương
Trình bày Dự thảo Đề án công tác thông tin, tuyên truyền Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương về “Ứng phó với Biến đổi khí hậu- Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Minh Hiếu cho biết, Hội nghị sẽ do IPU và Quốc hội Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là diễn đàn để các nghị viện, nghị sĩ trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác trong quá trình thực hiện Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu. Hội nghị cũng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động của IPU, nhất là trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam vừa được bầu làm thành viên Ban Chấp hành IPU (2016- 2019); góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế cũng như nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và toàn dân về biến đổi khí hậu cùng nguy cơ tác động của nó đối với mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội.
Do đó, mục đích của công tác thông tin, tuyên truyền sẽ nhằm truyền tải rộng rãi đến nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế về nội dung và kết quả của Hội nghị, trong đó tập trung vào vai trò của Quốc hội trong việc lập pháp và giám sát nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với trọng tâm là mục tiêu số 13 về biến đổi khí hậu và các biện pháp thực hiện mục tiêu số 3 về bình đẳng giới và số 5 về bảo vệ sức khỏe. Tuyên truyền về sự tham gia và những đóng góp của Quốc hội nước ta với vai trò là ủy viên Ban chấp hành IPU trong việc tổ chức Hội nghị, thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao tiếng nói và vị thế của Quốc hội Việt Nam trong hoạt động của IPU.
Về nội dung thông tin, tuyên truyền, Đề án chia công tác tuyên truyền làm 3 giai đoạn chính gồm: Trước Hội nghị, trong Hội nghị và sau Hội nghị. Giai đoạn trước Hội nghị sẽ tổ chức thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị, trong đó cần nêu bật được những nội dung chính của hội nghị là về vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào các mục tiêu về biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và bảo vệ sức khỏe. Thông tin về những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và những thách thức Việt Nam sẽ đối mặt trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian sắp tới. Thông tin, tuyên truyền về sự chuẩn bị của Quốc hội Việt Nam về hội nghị trong đó có sự tham gia chuẩn bị về nội dung của hội nghị cũng như các công tác bảo đảm khác cho việc tổ chức Hội nghị.
Giai đoạn trong Hội nghị sẽ thông tin, phản ánh đầy đủ, kịp thời và sâu sắc các diễn biến của Hội nghị. Tường thuật và phản ánh ý nghĩa của Lễ ban giao chức Chủ tịch APPF 26 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Fiji Jiko Luveni chủ trì. Tường thuật và phản ánh, phân tích ý nghĩa và tác dụng của bộ công cụ tiêu chí dành cho các Nghị viện tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững được công bố tại hội nghị. Tập trung phân tích quá trình thảo luận tại Hội nghị về những khó khăn, thách thức, cơ hội và tác động của biến đổi khí hậu; việc thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu; huy động nguồn lực của các nước phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, IMF hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước nghèo và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với vấn đề này. Thông tin đầy đủ, kịp thời về các hoạt động của Đoàn Việt Nam tại hội nghị trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp các sáng kiến của Quốc hội Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề được thảo luận tại Hội nghị; tập trung phân tích vai trò và những yêu cầu cấp bách đặt ra đối với các cơ quan lập pháp trong việc xây dựng, đổi mới chính sách pháp luật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Phản ánh đầy đủ, kịp thời các hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, đoàn đại biểu của Quốc hội Việt Nam trong các cuộc tiếp xúc song phương với vai trò là chủ nhà của Hội nghị và cuộc họp báo.
Giai đoạn sau Hội nghị sẽ tuyên truyền sâu, rộng về kết quả đạt được của Hội nghị, đặc biệt nhấn mạnh các kiến nghị của Hội nghị về các giải pháp, hành động của Quốc hội, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế nhằm ứng phó với vấn đề này. Thông tin, phân tích, đánh giá những tác động của kết quả hội nghị đối với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững nói chung và việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Thông tin về những đóng góp của Quốc hội Việt Nam đối với thành công của Hội nghị, trong đó có việc nhấn mạnh dấu ấn Việt Nam với sự phát triển của IPU, thúc đẩy IPU ngày càng phát triển.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự cơ bản nhất trí và đánh giá cao các nội dung trong Dự thảo Đề án công tác thông tin, tuyên truyền Hội nghị. Tuy nhiên, theo đại diện Vụ Thông tin Báo chí- Bộ ngoại giao và Cục Báo chí- Bộ Thông tin và Truyền thông, ngoài những mục đã nêu, Dự thảo Đề án cần bổ sung thêm một mục để quy định cụ thể về thời gian tác nghiệp, thẻ nghiệp vụ tác nghiệp, nội dung, thời lượng phỏng vấn…dành cho các nhà báo, phóng viên tham gia tác nghiệp tại Hội nghị. Các đại biểu cho rằng, việc quy định cụ thể, rõ ràng ngay trong Đề án sẽ giúp các cơ quan, các nhà báo, phóng viên chủ động hơn khi thực hiện nghiệp vụ và sẽ góp phần đảm bảo công tác tổ chức phục vụ Hội nghị.
Ngoài ra, để có những thông tin tuyên truyền đầy đủ, sinh động và cụ thể về Hội nghị, đại diện Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, Ban tổ chức cần sớm cung cấp thông tin nền cho các đơn vị thông tấn, báo chí trước Hội nghị. Trong Hội nghị cần cung cấp các bản tham luận, các bài phát biểu của đại biểu. Sau Hội nghị cần bố trí lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại trả lời phỏng vấn về kết quả của Hội nghị. Một số ý kiến khác đề nghị Đề án cần cung cấp thông tin cụ thể về các đầu mối phục vụ tác nghiệp như đầu mối để nhận/cấp thẻ tác nghiệp, tài liệu, nội dung thông tin….; đề nghị quy định cụ thể về việc cung cấp ảnh Hội nghị, việc truyền hình trực tiếp, trực tuyến về Hội nghị…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu của các vị đại biểu tham dự. Về việc cung cấp thông tin, tài liệu, Phó Chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng khẳng định Ban tổ chức sẽ xây dựng các phương án và chủ động cung cấp tài liệu cho các cơ quan thông tấn, báo chí trước, trong và sau Hội nghị. Đồng thời, Ban tổ chức sẽ triển khai tổ chức mô hình Trung tâm báo chí nhằm đảm bảo tốt nhất cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ tác nghiệp. Đây cũng sẽ là đầu mối liên hệ giữa các cơ quan thông tấn, báo chí với Ban tổ chức để xử lý các vấn đề về nghiệp vụ và cũng là nơi để thực hiện một số công tác hành chính, chuyên môn như phát hành thông cáo báo chí, cấp thẻ sự kiện…
Về các nội dung khác, Phó Chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Vụ Thông tin, Vụ Đối ngoại tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu; chủ động phối hợp với các Vụ, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội, với các cơ quan hữu quan để bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Đề án công tác thông tin, tuyên truyền Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương về “Ứng phó với Biến đổi khí hậu- Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” trong thời gian tới.