Theo dự thảo báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 của VPQH, VPQH đã tham gia tổ chức thực hiện hầu hết các quy định của Hiến pháp liên quan đến phương thức hoạt động và chế độ làm việc của QH, các cơ quan của QH. Cụ thể, từ năm 1992 đến nay, hoạt động lập pháp đã được QH quan tâm đẩy mạnh trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đạt được những kết quả quan trọng. Các luật, pháp lệnh được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; trọng tâm hướng vào việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế; thực hiện quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân. Về kỹ thuật lập pháp, QH đã áp dụng hình thức ban hành luật để sửa đổi, bổ sung nội dung của một số luật nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống, tiết kiệm thời gian, đơn giản thủ tục mà vẫn bảo đảm chất lượng của dự án. Đối với hoạt động giám sát, thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 về hoạt động giám sát tối cao của QH, Luật Hoạt động giám của QH được ban hành năm 2003 đã góp phần quan trọng đổi mới nội dung, phương thức giám sát, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của QH, các cơ quan của QH và ĐBQH. Quyền giám sát của QH, các cơ quan của QH đã được thực hiện một cách chủ động, tích cực, có nền nếp và hiệu quả. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc, bao quát hầu hết các lĩnh vực xã hội như kinh tế, ngân sách nhà nước, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, quốc phòng, an ninh... Việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được tiến hành ngày càng dân chủ, thảo luận công khai, nhất là về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quyết định ngân sách nhà nước và các dự án công trình quan trọng quốc gia, việc quyết định nhân sự cấp cao của Nhà nước. Hoạt động của QH tại kỳ họp được thực hiện đúng quy định của pháp luật, tại mỗi kỳ họp, các vấn đề đưa ra thảo luận xem xét ngày càng tăng, chất lượng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu thực tế cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân.
Cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo, các đại biểu dự Hội nghị cũng cho rằng, việc xây dựng luật, pháp lệnh mới chỉ được thiết kế trên cơ sở khả năng thực tế chuẩn bị các dự thảo của các cơ quan quản lý chuyên ngành mà chưa dựa trên cơ sở khoa học của một cơ quan nghiên cứu và phân tích chiến lược chung. Điều này đã dẫn đến tình trạng hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, một số lĩnh vực cần phải có luật điều chỉnh thì lại chưa có. Trong hoạt động giám sát của QH và các cơ quan của QH, việc trao quyền chủ động hơn và những thẩm quyền khác trong việc xử lý kết quả giám sát cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban chưa mạnh mẽ và triệt để nên chưa phát huy được hết vai trò của các cơ quan chuyên môn của QH... Một số ý kiến đề xuất, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này, cần xác định rõ vị trí, vai trò của UBTVQH theo hướng khẳng định rõ đây là cơ quan thường trực của QH, có nhiệm vụ chủ yếu là điều hòa, phối hợp, hoạt động của các cơ quan của QH, ĐBQH và chuẩn bị các kỳ họp QH. Hiếp pháp cần quy định rõ phạm vi, đối tượng giám sát của QH và các cơ quan của QH theo hướng tập trung vào các cá nhân do QH bầu, phê chuẩn thuộc các cơ quan hành pháp, tư pháp. Đồng thời, quy định rõ những vấn đề quan trọng của đất nước cần được QH quyết định và quy định rõ nguyên tắc bảo đảm lợi ích của đông đảo nhân dân lao động, thể hiện tính giai cấp, tính nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân trong việc quyết định các vấn đề quan trọng.