ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH DƯƠNG KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành, địa phương và lãnh đạo các cơ sở GDNN trên địa bàn
Toàn tỉnh hiện có 70 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm: 6 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm GDNN và 36 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN. Trung bình mỗi năm, các cơ sở GDNN đào tạo hơn 30.000 sinh viên, học viên ở các khối ngành, nghề đào tạo. Chất lượng đào tạo ngày càng được tăng cường, gắn với việc làm, nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị
Công tác xã hội hóa trong đào tạo nghề đã thu hút được tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở GDNN có chất lượng, đóng góp tích cực cho thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ về đào tạo nghề nghiệp, góp phần đa dạng hóa hoạt động đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, đại diện các trường cao đẳng, trung cấp và GDNN nêu một số khó khăn đang gặp phải như: cơ sở vật chất xuống cấp cần được đầu tư nguồn tài chính tương đối lớn; chính sách hỗ trợ giảng viên nâng cao trình độ ở các trường đã tự chủ tài chính; việc đào tạo nghề cho đối tượng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về địa phương đang gặp khó vì phải chờ giải quyết kinh phí; một số ngành nghề đào tạo ở các trường đang có mức học phí cao cần được hỗ trợ để thu hút người học; việc liên doanh, liên kết trong đào tào nghề ở các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên...
Lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore cho biết, hiện trường cần hơn 10 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất đào tạo
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc Hà yêu cầu các trường, các cơ sở GDNN và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải phối hợp chặt trong quản lý, đào tạo nghề. Các đơn vị cần rà soát những ngành ngề trọng điểm để bổ sung đào tạo, cũng như các chính sách liên thông ở các trường, chính sách cho người học. Cùng với đó, các đơn vị phải rà soát lại chất lượng kiểm định GDNN ở các trường.
Về đầu tư tài chính để nâng cấp cơ sở vật chất các trường, ông Nguyễn Lộc Hà yêu cầu các sở, ngành phối hợp với các trường, cơ sở GDNN rà soát, tính toán phương án cụ thể để đầu tư theo từng giai đoạn đúng với chính sách của địa phương và trung ương.
Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương góp ý về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho biết, sau hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương sẽ có báo cáo cụ thể những kiến nghị, đề xuất từ các cơ sở GDNN gửi đến Trung ương để có những chính sách phù hợp trong thời gian tới.