Theo Chương trình Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, từ 08h00 đến 10h20, tiếp tục chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Tiếp đó, từ 10h20 đến 11h10, Phó Thủ tướng Chính phủ (được Chính phủ ủy quyền) phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên chất vấn
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Xuân Thống – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.
8h01: Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời chất vấn đại biểu Bùi Xuân Thống liên quan đến vụ việc cụ thể, theo đó đại biểu yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao sau khi xét xử giám đốc thẩm, có thông tin để Công an Đồng Nai khởi tố điều tra vụ án; và chuyển hồ sơ cho Công an Đồng Nai để điều tra truy tố, xét xử.
Về thông tin đến Công an và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau khi xét xử giám đốc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao đã chuyển thông tin, tài liệu và bản án đến Viện kiểm sát và Công an tỉnh Đồng Nai để điều tra. Với thông tin như vậy, phát sinh một vụ án độc lập với bốn hành vi như đại biểu Quốc hội nêu, khi đó Công an tỉnh Đồng Nai hoàn toàn có thể mở cuộc điều tra về những hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với việc chuyển hồ sơ vụ án không thể chuyển được, bởi theo quy định của pháp luật, bản án có hiệu lực pháp luật phải lưu giữ hồ sơ đó tại Trung tâm lưu giữ hồ sơ của Tòa án nhân dân tối cao để đảm bảo thực hiện việc lưu trữ quốc gia. Nếu quá trình điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai thấy cần phải tham khảo tài liệu từ vụ án này hoàn toàn có thể đến Trung tâm lưu giữ để sao trích hồ sơ này phục vụ cho nhu cầu điều tra.
8h04: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu về vụ án gỗ trắc, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, đây là trường hợp hành vi vi phạm của hai vụ án khác nhau ở hai thời điểm khác nhau, nên không có căn cứ lấy kết quả giám định của trường hợp này áp dụng cho trường hợp kia được. Tình huống thực tế này pháp luật chưa bao quát, chưa tiên liệu hết và chưa có quy định nên không thể thực hiện được. Thời gian qua, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trưng cầu định giá với Hội đồng định giá tài sản nhưng các cơ quan này đều trả lời không còn lô gỗ trên thực tế nên không thể định giá được, các cơ quan khác có liên quan về định giá cũng trả lời không đúng thẩm quyền, do đó chưa đầy đủ căn cứ, cơ sở pháp lý.
Viện trưởng nêu rõ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan yêu cầu định giá và sử dụng kết quả định giá, không phải là cơ quan chỉ đạo công tác định giá. Do vậy, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và nghiên cứu khả năng để kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ định bộ chuyên ngành tiến hành định giá theo quy định tại điểm 4 Điều 6 Nghị định 30 ngày 3/7/2018 và điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị định 97 ngày 23/12/2019 của Chính phủ để định giá giá trị lô gỗ này. Nếu kiến nghị được chấp thuận và thực hiện thì cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ có cơ sở để xem xét phục hồi điều tra vụ án theo quy định.
Liên quan đến án hành chính, Viện trưởng cho biết, án hành chính là loại án khó, tính chất phức tạp, việc giải quyết phải áp dụng nhiều văn bản pháp luật khác nhau ở nhiều thời kỳ và thường xuyên thay đổi. Do đó, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật để giải quyết. Trong thực tế, tỷ lệ án hành chính có liên quan đến đất đai chiếm từ 70% đến 80% - đây là lĩnh vực phức tạp nhất, khó giải quyết nhất. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, giải pháp căn cơ là bổ sung, điều chỉnh Luật Tố tụng hành chính đủ mạnh và khả thi hơn trong thực hiện.
8h11: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn
Liên quan đến báo cáo xem xét, thông qua việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ thêm các số liệu về việc trình các dự án Luật. Cụ thể, năm 2021, trình đưa vào Chương trình ban đầu 10 dự án Luật, sau đó bổ sung 1 là thành 11 dự án Luật. Năm 2022, trình 11 dự án Luật, bổ sung thêm 13 dự án Luật, tức là lên 24. Năm 2023, trình ban đầu 14 dự án Luật, bổ sung thêm 12, tức là tăng lên 26. Năm 2024, trình ban đầu 16 dự án Luật, nếu được Quốc hội chấp thuận thì tăng lên 34 dự án Luật. Phó Thủ tướng cho rằng, với số liệu như vậy cho thấy số lượng thay đổi rất lớn; tuy nhiên các đề xuất, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất sát với Kỳ họp.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, có 2 nguyên nhân của tình trạng này là do tình hình kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng và khả năng dự đoán, nắm bắt trước tình hình của chúng ta có hạn, khả năng nhận biết còn lúng túng. Do đó, Phó Thủ tướng đề xuất một số giải pháp khắc phục vấn đề này, trước hết là thực hiện chủ động hơn nữa kỷ luật, kỷ cương. Các Bộ trưởng phải chủ động trong công tác pháp chế. Đồng thời cần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, nếu không có thông tin, không có nguồn nhân lực đủ mạnh thì tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn, do đó cần có chế độ bồi dưỡng thêm… Ngoài ra, cần xem xét sửa đổi, bổ sung pháp luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về Luật Đất đai, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, hiện các Bộ đã ban hành 11/15 văn bản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TNMT và các bộ ngành liên quan theo dõi sát từ ngày 1/8 một số luật có hiệu lực thi hành sớm hơn như thế nào.
Liên quan đến phí và lệ phí trong giám định, Phó Thủ tướng cho biết, hiện theo pháp lệnh về chi phí tố tụng đã trình UBTVQH, TANDTC là cơ quan chủ trì, và Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến về nội dung này. Nếu UBTVQH xem xét, thông qua, quy định cụ thể về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng được rõ hơn thì sẽ có cơ sở về mặt thể chế để xử lý.
8h18: Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trả lời chất vấn
Trả lời chất vấn liên quan đến tội phạm trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, đây là thách thức an ninh phi truyền thống mà mọi quốc gia đang phải đối mặt, không chỉ riêng tại Việt Nam…
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, các đặc điểm của loại tội phạm này là hoạt động không biên giới, tính ẩn danh cao, trình độ công nghệ cao khiến việc phát hiện và xử lý trở nên rất khó khăn. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đấu tranh với tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao. Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, hạn chế tình trạng lừa đảo; ứng dụng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản ngân hàng và thuê bao di động, loại bỏ các tài khoản ảo và sim rác; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao…
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng, việc giải quyết tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành và địa phương. Nếu thực hiện tốt các giải pháp đột phá nêu trên có thể sẽ tạo được chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như: Cảnh giác khi nhận cuộc gọi lạ; kiểm tra và cập nhật tính năng bảo mật trên tài khoản mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân cho người chưa rõ nhân thân; thận trọng khi thực hiện giao dịch điện tử và trực tuyến và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi nghi ngờ về hoạt động tội phạm…
8h22: Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Trách nhiệm của Chính phủ trong việc liên tục sửa đổi luật?
Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu rõ, mấy ngày nay, báo chí liên tục đưa tin về việc Chính phủ đang ráo riết chỉ đạo xây dựng các dự án Luật sửa đổi 13 luật có vướng mắc, bất cập và sẽ đề nghị Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Đại biểu Quốc hội và cử tri rất thắc mắc tại sao đã có định hướng chương trình xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ, công tác rà soát pháp luật cũng được làm tương đối thường xuyên... Các cơ quan từ Chính phủ đến Quốc hội đều rất cố gắng, trách nhiệm nhưng luật vừa mới thi hành đã phải sửa đổi, thậm chí luật chưa thi hành cũng phải sửa. Do đó, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết nguyên nhân của những vấn đề này? Trách nhiệm của Chính phủ như thế nào trong việc các luật liên tục phải sửa đổi? Đồng thời cho biết giải pháp để cân bằng giữa tính thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật với những yêu cầu có tính đặc biệt, đặc thù và có tính thời điểm?
8h23: Đại biểu Nguyễn Công Hoàng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Làm rõ hơn về phiên toà trực tuyến.
Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Công Hoàng cho biết, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một trong những bước đột phá, cải cách trong cải cách tư pháp và hệ thống Tòa án, đặc biệt là xây dựng Tòa án điện tử. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay có những khó khăn, bất cập, đặc biệt là đối với Tòa án nhân dân cấp huyện trong việc xét xử trực tuyến. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chánh án Toà án nhân dân tối cao làm rõ hơn vấn đề này.
8h24: Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Gỡ vướng cho việc định giá trong tố tụng hình sự?
Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Công Long cho biết, vướng mắc tại các địa phương trong công tác định giá tài sản trong các vụ án tố tụng hình sự chủ yếu là khâu định giá. Việc định giá trong tố tụng hình sự không được xếp vào hoạt động bổ trợ tư pháp. Do đó, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết đến khi nào mới sửa đổ, bổ sung Nghị định số 30 năm 2018 để giải quyết vấn đề này?
8h26: Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long: Giải pháp để cán bộ, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng đầy đủ các chế độ khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Trịnh Minh Bình cho biết: Hiện nay, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi thực hiện chế độ thôi việc phụ thuộc vào cái nguồn lực, khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Trong khi đó, đa số các địa phương chưa tự cân đối được nguồn ngân sách và gặp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện.
Trước thực tế trên, đại biểu Trịnh Minh Bình đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết trong thời gian tới có giải pháp gì tham mưu cho Chính phủ để giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng đầy đủ các chế độ khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
8h27: Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Lộ trình hoàn thiện thể chế về tố tụng hành chính thi hành như thế nào?
Chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Trần Văn Tuấn cho biết: Theo Báo cáo của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã rất tích cực tham mưu cho Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc chấp hành quy định pháp luật về tố tụng hành chính. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra việc tham gia tố tụng của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hoặc người được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân ủy quyền theo quy định chưa được thực hiện nghiêm túc. Còn nhiều vụ việc, người bị kiện là cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, cung cấp tài liệu, chứng cứ. Vẫn còn nhiều vụ, bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành xong, trong đó có nhiều vụ tồn đọng từ nhiều năm trước.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tư pháp đã và đang phối hợp tham mưu hoàn thiện thể chế về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết lộ trình hoàn thiện thể chế về tố tụng hành chính thi hành như thế nào. Ngoài ra, trong khi chưa hoàn thiện thể chế thì giải pháp trước mắt là gì?
8h28: Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Đề nghị thông tin về tỷ lệ thu hút sinh viên xuất sắc của cấp Trung ương và các địa phương
Thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tạo nguồn chiến lược cán bộ và theo Kết luận 86 cũng như Nghị định 140 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ra trường, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, chúng ta phấn đấu đến năm 2020 sẽ thu hút 1.000 sinh viên xuất sắc.
Vậy, đến nay việc thu hút sinh viên xuất sắc đạt được kết quả như thế nào và tỷ lệ thu hút sinh viên xuất sắc của cấp Trung ương và các địa phương ra sao?
8h29: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn
Trả lời chất vấn đại biểu về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 19-KL/TW năm 2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh, từ đó Chính phủ đã có định hướng về xây dựng luật, pháp lệnh. Thời gian qua, Chính phủ đề xuất trình bổ sung 17 dự án mới vào định hướng Chương trình, nhưng vẫn chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh. Qua rà soát, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo rà soát, tổng hợp từ các nguồn khác nhau và dự kiến trình Quốc hội thông qua một số luật.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua 02 luật để sửa đổi, bổ sung các luật khác nhau. Dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan để thực hiện Luật Quy hoạch. Nội dung này sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo. Nhóm thứ hai là sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý thuế, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán, Luật Dự trữ quốc gia, Kiểm toán độc lập và chứng khoán. Nội dung này sẽ giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho biết, lý do dẫn tới việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một phần để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; nhưng cũng một phần có nguyên nhân chủ quan là chưa chủ động và nhận thức chưa hết của các bộ, ngành.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến định giá tài sản, tại sao không đưa vào hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó có nguyên nhân do lịch sử hình thành và do quan niệm. Phó Thủ tướng cho rằng, nếu pháp luật chuyên ngành tiến hành đồng bộ, các cơ quan, tổ chức thực hiện tận tâm, ngay tình, việc có hay không đưa vào hoạt động bổ trợ tư pháp chỉ là một vấn đề.
Phó Thủ tướng Lê Thanh Long cũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tố tụng hành chính và phiên tòa trực tuyến…
8h41: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2023-2025, khi dự kiến phương án sắp xếp 47 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 13 đơn vị hành chính cấp huyện và dự kiến sắp xếp 1247 đơn vị hành chính cấp xã thì sẽ giảm 624 đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến có 21.800 cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện và cấp xã, cũng như cán bộ không chuyên trách dôi dư. Trong đó cấp huyện dôi dư khoảng 1200 người, cán bộ, công chức cấp xã dự kiến dôi dư là khoảng 13.100 người, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 7.100 người. Như vậy, số lượng dôi dư này cần được giải quyết dứt điểm cho đến năm 2030.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Nội vụ đã tham mưu Nghị định số 29 về tinh giản biên chế, theo đó, đến thời điểm này, có 46/54 địa phương ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức dôi dư. Nguồn kinh phí để các địa phương giải quyết chế độ, chính sách dôi dư là rất lớn. Đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách, theo phân cấp ngân sách thì các địa phương phải cân đối để bố trí nguồn kinh phí sắp xếp cán bộ dôi dư theo các Nghị định của Chính phủ cũng như Nghị quyết của HĐND tỉnh mình. Đối với các địa phương không cân đối được ngân sách, cần sớm tổng hợp để Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ cấp ngân sách thanh toán nguồn kinh phí giải quyết tinh giản biên chế, trong đó có việc thực hiện chính sách dôi dư cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp huyện, cấp xã.
Về câu hỏi của đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu rõ chiến lược phát triển cán bộ, thu hút sinh viên xuất sắc, người có tài năng vào khu vực công. Cùng với đó, Bộ Chính trị cũng đã có Kết luận số 86, Chính phủ có Nghị định số 140, tuy nhiên, đến thời điểm năm 2021, cả nước ta mới thực hiện việc thu hút sinh viên xuất sắc, các nhà khoa học trẻ đối với 2891 người, trong đó ở trung ương là 1110 người, ở địa phương 1781 người. Trong nội dung này, các địa phương đã xây dựng chính sách đặc thù để thu hút sinh viên xuất sắc, người có tài năng vào khu vực công. Sau khi có Nghị định 140, trong năm 2022 và 2023, cả nước tiếp tục thu hút được 584 người, trong đó ở trung ương 170 người, ở địa phương 414 người. Với mong muốn, yêu cầu đặt ra rất cao trong vấn đề này, thực tế triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tiếp tục tham mưu Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, hướng tới xây dựng không gian rộng hơn, thu hút hiệu quả sinh viên xuất sắc, người có tài năng vào hệ thống chính trị.
8h48: Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội phát biểu tranh luận
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết, nội dung chất vấn liên quan đến việc đảm bảo cân bằng, thống nhất và ổn định của hệ thống pháp luật cần được trả lời rõ hơn. Đại biểu cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã đưa ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc cần sửa đổi luật thời gian qua, trong đó phần nguyên nhân chủ quan được nêu ra là do “anh em chưa chủ động”. Theo đại biểu, rất cần phải nhìn thẳng vào nguyên nhân thực tế này, cụ thể là năng lực và tính chuyên nghiệp của bộ máy tham gia xây dựng pháp luật để có những giải pháp thiết thực…
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tại Kỳ họp thứ 8 tới của Quốc hội, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 25 dự án và thông qua 12 dự án luật. Tuy nhiên cho đến hiện nay, Chính phủ vẫn đang tiếp tục đề nghị bổ sung thêm vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất nhiều dự án luật khác… “Đến thời điểm này, các cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội thậm chí còn chưa biết sẽ sửa đổi, bổ sung những nội dung gì”, đại biểu nói.
Đại biểu bày tỏ quan ngại về chất lượng các dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua với khối lượng công việc lớn như vậy, khi nguyên nhân chủ quan đã được nêu ra có liên quan đến vấn đề về năng lực của bộ máy tham gia xây dựng pháp luật. Đặc biệt, với thông tin Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có thể sẽ đề nghị trình Quốc hội ngay trong năm 2024 này. Đại biểu cho rằng, vấn đề này cần phải được nghiên cứu, đánh giá một cách hết sức kỹ lưỡng, thận trọng để tránh những bất cập, vướng mắc.
8h50: Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tranh luận
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Công Long nêu rõ, vướng mắc hiện nay khi triển khai Nghị định số 30 trong việc thực hiện định giá của nhiều địa phương cho thấy đang có rất nhiều vướng mắc. Đại biểu nhấn mạnh, trong tố tụng hình sự có hai hoạt động thu thập chứng cứ rất quan trọng là giám định tư pháp và định giá tài sản. Tuy nhiên, hoạt động định giá tài sản không được xếp vào hoạt động bổ trợ tư pháp và đây cũng không phải hoạt động dịch vụ. Định giá tài sản là hoạt động rất quan trọng để thu thập chứng cứ, quyết định có tội phạm hay không và định lượng hình phạt. Do đó, đại biểu cho rằng, cùng với việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về Hội đồng định giá thì Chính phủ cũng cần xem xét lại lĩnh vực này.
8h52: Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu tranh luận
Trong phần tranh luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết, tại cuộc trả lời chất vấn chiều 21/8, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc định giá tài sản, vật chứng của vụ án gỗ trắc tại Quảng Trị và dường như ý kiến của Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao vẫn là những vướng mắc về pháp luật, trách nhiệm của các bên có liên quan trong quá trình xử lý vụ việc.
Tuy nhiên, với trình độ, kinh nghiệm chuyên môn và trách nhiệm của mình, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ ý kiến, sáng kiến trong việc giải quyết vụ việc trên nhằm giúp cho vụ việc sớm được giải quyết đúng quy định của pháp luật. Đây cũng là mong đợi của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và Nhân dân.
8h53: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Thủy và đại biểu Nguyễn Công Long về vấn đề định giá tài sản, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, thực tế các vấn đề đại biểu nêu ra đều hoàn toàn chính xác. Trong xây dựng pháp luật, cần dung hòa hai vấn đề là đáp ứng các yêu cầu thực tế và giữ ổn định của hệ thống. Những khó khăn, thách thức, yêu cầu của thực tiễn xảy ra thì cần phải xử lý, do đó bị ảnh hưởng bởi tính ổn định.
Phó Thủ tướng đề xuất giải pháp trong thời gian tới tham mưu Chính phủ tiếp tục duy trì những vấn đề ổn định và nâng cao trình độ, năng lực để đạt chất lượng tốt hơn, qua đó xử lý các vấn đề phát sinh là ngoại lệ. Dự kiến có thể sửa đổi khoản 2, khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề quan trọng là duy trì để đảm bảo cân bằng sự ổn định.
Đi liền với đó, phải có giải pháp để xử lý những vấn đề phát sinh là ngoại lệ (có thể ủy quyền một bước để xử lý những ngoại lệ).
Về vấn đề năng lực, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, tính năng lực và chuyên nghiệp là rất quan trọng, cần đầu tư thêm cho lực lượng xây dựng pháp luật, lực lượng xây dựng chính sách, về cơ bản đội ngũ này phải tâm huyết, trách nhiệm nghề nghiệp để có thể cải thiện, cùng với đó kết hợp với chế độ cho đội ngũ này.
Ghi nhận, chia sẻ với ý kiến của đại biểu về định giá tài sản, Phó Thủ tướng cho biết đã rà soát lại nội dung này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đề nghị các Bộ xúc tiến vấn đề này.
Liên quan đến vụ án buôn lậu gỗ trắc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, về phần tham gia của Bộ Tư pháp, theo đề nghị, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 83 ngày 12/1/2015 trả lời các cơ quan tố tụng, trong đó nêu rõ, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Kiểm lâm vùng 2 (Cục Kiểm lâm) có đủ điều kiện để tổ chức chuyên môn theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh giám định tư pháp để thực hiện trưng cầu theo quy định giám định của cơ quan tố tụng.
9h04: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu
Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ lo lắng, băn khoăn trước những kháng nghị của Viện Kiểm sát mà Tòa án không chấp nhận xét xử.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, trong trường hợp người dân không đồng tình với phán quyết của tòa án, phải gửi giám đốc thẩm tuy nhiên thời gian chờ giám đốc thẩm phải mất từ 1-2 năm, khi đó nhiều bản án đã thi hành. “Nếu Viện Kiểm sát vẫn kháng nghị nhưng không có thẩm quyền làm gì khác hơn, tôi cho rằng đây là vấn đề bất cập của Luật”, đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ.
9h06: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với nhóm lĩnh vực này có tổng số 39 đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 36 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận.
Đối với nhóm nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực thứ hai, người trực tiếp trả lời chất vấn là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và Phó Thủ tướng –Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, nhìn chung phiên chất vấn đã diễn ra khẩn trương, sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Các vị đại biểu Quốc hội với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình đã bám sát các nội dung chất vấn, đặt các câu hỏi rất cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng, tập trung vào những vấn đề trong việc thực hiện các nghị quyết đã chất vấn và mong muốn có những giải pháp tốt hơn để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong thời gian tới; nâng cao hơn nữa chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có hiệu quả hơn của các bộ, ngành.
Các Bộ trưởng, Thành viên Chính phủ, Trưởng ngành với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực quản lý, đã trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm các câu hỏi của đại biểu, giải trình cụ thể những vấn đề đại biểu quan tâm và tranh luận. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cũng nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và những vấn đề phát sinh đang cần phải nghiên cứu giải quyết; đề ra những giải pháp để có thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Bộ, ngành trong thời gian tới.
Về các nội dung cụ thể, cuối phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội sẽ có kết luận chung và sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện.
9h10: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã cơ bản đồng tình, quan tâm đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về các báo cáo của Chính phủ đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn. Hầu hết các ý kiến đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của Quốc hội, nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức.
Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, những kết quả đạt được đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tình hình kinh tế, xã hội 7 tháng đầu năm 2024 tiếp tục có xu hướng phát triển tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, tình hình tài chính ngân sách của nhà nước tiếp tục được cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vị đại biểu Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, đóng góp, gợi mở cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương những định hướng, giải pháp quan trọng, khả thi, sát thực tiễn trên các lĩnh vực. Trong ngày 21/8 và sáng 22/8, đã có 9 thành viên Chính phủ tham gia giải trình, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Cung cấp thêm thông tin về một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, về nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, sửa đổi bổ sung các Nghị định quy định chi tiết trong lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản; đã phê duyệt và đang tập trung chỉ đạo triển khai đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Đã tập trung đàm phán, giải quyết rào cản kỹ thuật nhằm tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, theo dõi sát diễn biến, nâng cao chất lượng dự báo cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu để điều hành sản xuất phù hợp, cân đối cung cầu, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nông nghiệp đã cơ bản phát triển ổn định, khẳng định được vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và duy trì xuất khẩu.
Về lĩnh vực công thương, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhằm đa dạng hóa các nguồn điện xanh, sạch như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối. Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch.
Để bảo đảm đủ xăng, dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, bám sát thị trường xăng dầu thế giới để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, sát thực tiễn, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp tục hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu, ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về xăng dầu.
Về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền hơn 20 văn bản để cụ thể hóa Nghị quyết số 08 ngày 6/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cụ thể hóa Luật Du lịch năm 2017 và nhiệm vụ được Quốc hội giao về phục hồi phát triển ngành Du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19, đến nay, cơ bản hệ thống pháp luật về du lịch và các chính sách trong lĩnh vực này đã đảm bảo minh bạch, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng, làm mới, phát triển các loại hình du lịch đa dạng, độc đáo với 4 dòng sản phẩm du lịch: du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch văn hóa di sản, du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn và du lịch đô thị. Phát huy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, khí hậu, bản sắc văn hóa của từng vùng, miền theo phương châm: Mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đề án phát triển du lịch đêm, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Trong thực tế, nhiều địa phương đã có những cách làm mới, sáng tạo, gắn với giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố, văn hóa nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố, tạo ấn tượng với khách du lịch. Du lịch Việt Nam đã phục hồi tích cực sau đại dịch, được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, xã hội của đất nước. Năm 2023, chúng ta đã đón 12,6 triệu khách quốc tế, tăng 57,5% so với mục tiêu đề ra, tổng thu đạt 672 nghìn tỷ đồng, lần thứ 5 liên tiếp nhận giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu ước đạt 513,3 nghìn tỷ đồng.
Về lĩnh vực tư pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành quyết liệt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Xác định các điểm nghẽn về thể chế trên các lĩnh vực, nỗ lực tháo gỡ những quy định mâu thuẫn, bất cập, kìm hãm sự phát triển, góp phần khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, thông qua hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua 41 luật, đang xây dựng 40 dự án luật, đã ban hành trên 390 Nghị định.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, một số nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài đang được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, cần tiếp tục chỉ đạo để hoàn thành, như các đại biểu Quốc hội đã nêu trong phiên chất vấn. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Chính phủ trân trọng đề nghị và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, để nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội.
9h46: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản hoàn thành chương trình đề ra; trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn
9h47: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, đến thời điểm này, đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đã có 75 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt đại biểu tranh luận; còn 11 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội gửi câu hỏi qua Tổng Thư ký Quốc hội để gửi đến các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành trả lời bằng văn bản theo quy định.
Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua các báo cáo đã gửi đại biểu Quốc hội và qua phiên chất vấn cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải sớm được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nêu một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm liên quan trực tiếp đến trách nhiệm chính của các Bộ, ngành để tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhiều lần đề cập đến vai trò quan trọng, yêu cầu cấp bách trong việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Phiên chất vấn hôm nay cũng là góp phần tích cực trong việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu rất quan trọng đó.
“Phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin trân trọng cảm ơn đồng bào, cử tri cả nước đã quan tâm theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội; cảm ơn các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các vị Trưởng ngành đã chuẩn bị chu đáo, trả lời các đại biểu Quốc hội. Cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tham gia chất vấn với nhiều ý kiến thẳng thắn, thiết thực”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.