GIÁM SÁT ĐỂ BẢO ĐẢM TỔ CHỨC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ ĐƯỜNG LỐI, CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC

23/11/2022

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động giám sát; hầu hết các phiên họp có nội dung giám sát được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi. Điều này cho thấy Quốc hội ngày càng chú trọng thực hiện quyền giám sát tối cao đã được Hiến định, góp phần kiểm soát quyền lực, bảo đảm việc tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn cuộc sống.

TỔNG THUẬT CHIỀU 05/11: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TRỰC TIẾP TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

TỔNG THUẬT SÁNG 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-2021

Kỳ họp thứ 4: Giám sát tối cao ngày càng hiệu quả, thực chất và đổi mới.

Giám sát là một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội. Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ Quốc hội giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Đây là hoạt động mang tính chất chính trị, thể hiện ý chí của cử tri và là một trong những tiêu chí để đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Thực hiện quyền Hiến định này, thời gian qua hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng hiệu quả, thực chất, với nhiều đổi mới trong phương thức tiến hành. Là cơ quan nhà nước duy nhất được Nhân dân giao thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước nhằm góp phần kiểm soát quyền lực, bảo đảm việc tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thông qua hoạt động giám sát, đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, cũng như kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, từ đó, các cơ quan hữu quan nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe và thảo luận các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án. 

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đây là chuyên đề giám sát được cử tri, Nhân dân cả nước và dư luận đặc biệt quan tâm, có quy mô và lực lượng huy động tham gia rất lớn, tất cả 63 đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ:

- 580 báo cáo, văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương;

- Khoảng 100.000 trang phụ lục kèm theo; 

- 93 trang báo cáo kết quả giám sát, 42 phụ lục;

- 30 báo cáo giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương, với tổng số 1.685 trang…

Những con số trên phần nào cho thấy hoạt động giám sát tối cao được tiến hành công phu, bài bản và thực sự là cuộc tổng rà soát khá toàn diện về thực trạng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi toàn quốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

“Kết quả hoạt động giám sát bước đầu đã làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành; qua đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và đang tập trung rà soát tổng thể tình hình và các thông tin, số liệu có liên quan; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời, ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của đoàn giám sát”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh điều này tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Giám sát thông qua hoạt động chất vấn, giải trình là hình thức giám sát quan trọng của Quốc hội, thể hiện trực tiếp quyền giám sát của Quốc hội, thể hiện rõ nét tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Hoạt động chất vấn cũng ngày càng được đổi mới, thực chất, sôi động và hiệu quả hơn.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nhận xét, một trong những điểm đổi mới tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là Quốc hội đã xin ý kiến và thông báo các nội dung chất vấn cũng như các Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn từ sớm. Điều này cũng thể hiện tinh thần đổi mới của Quốc hội, tiếp tục đổi mới về nội dung cũng như là phương thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả của Kỳ họp.

Đại biểu cho rằng việc lựa chọn các vấn đề cũng như thông báo các nội dung để các vị Bộ trưởng chuẩn bị đăng đàn trong kỳ họp này từ sớm giúp đại biểu Quốc hội có thời gian cũng như lựa chọn những vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm để chất vấn Bộ trưởng.

Cử tri Lê Thị Hồng Linh, thành phố Hà Nội.

Như thường lệ, hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 tiếp tục được cử tri, Nhân dân cả nước và các vị ĐBQH quan tâm. 4 tư lệnh ngành và người đứng đầu Chính phủ tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan và đưa ra cam kết, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Tại mỗi Kỳ họp Quốc hội, Nhân dân, cử tri, đặc biệt là đại biểu Quốc hội đều rất mong chờ đến phiên chất vấn. Cử tri Lê Thị Hồng Linh, thành phố Hà Nội mong muốn đại biểu Quốc hội sẽ thực sư tâm huyết và trách nhiệm trước Nhân dân, đặt nhiều câu hỏi chất vấn thẳng thắn, bám sát thực tiễn, trúng các vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm, tháo gỡ các khó khăn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.

Với tư cách là đại biểu dân cử, Giáo sư Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, điều quan trọng nhất của hoạt động chất vấn không phải chỉ hỏi cho xong, mà qua quá trình giám sát và với tư cách đại biểu Quốc hội đã phát hiện rất nhiều vấn đề cần được điều chỉnh. Vì vậy, chất vấn là cơ hội tốt để đại biểu Quốc hội trao đổi với các tư lệnh ngành và người đứng đầu Chính phủ.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.

“Điều mong muốn nhất sau khi chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành điều chỉnh những vấn đề đang tồn tại và thực tế cho thấy có tiến bộ, nhiều vấn đề đã được giải quyết sau chất vấn. Đây là lý do khiến các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng thu hút sự quan tâm của đại biểu, cử tri và Nhân dân cả nước. Tuy nhiên vai trò của đại biểu, Quốc hội trong giám sát hậu chất vấn rất quan trọng, nếu lơ là giám sát sau chất vấn thì hoạt động chất vấn không có nhiều ý nghĩa”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

Giám sát đến cùng để cử tri và Nhân dân thấy được kết quả và chuyển biến trên thực tế.

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội là nội dung quan trọng trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát, hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.

Đánh giá cao hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, nhất là hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tuy nhiên theo đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nếu chỉ dừng lại ở chất vấn mà không tiến hành giám sát tại kỳ họp tiếp theo để đánh giá lại, thì hoạt động chất vấn sẽ không thực sự hiệu quả. Đại biểu cho rằng, tất cả nội dung được đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ dành thời gian thích hợp tại Kỳ họp thứ 5 để xem xét lại các nội dung chất vấn để thấy được vấn đề nào đã được giải quyết, vấn đề bào chưa được xử lý để tìm ra nguyên nhân. Vì vậy, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu quan điểm sau kỳ chất vấn phải có giám sát và sơ kết, đánh giá ngay tại kỳ họp tiếp theo.

Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí đã được phát hiện; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các giải pháp khắc phục các khuyết điểm, tồn tại, hạn chế trong báo cáo của đoàn giám sát.

Trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị các cơ quan nghiêm túc thực hiện nghị quyết về giám sát, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững, tạo chuyển biến rõ rệt, căn bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để song hành với những kết quả quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Quan điểm giám sát đến cùng các vấn đề đã được Quốc hội kết luận, ban hành nghị quyết cũng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan và việc thực hiện các kiến nghị trong nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch giám sát năm 2023 và các năm tiếp theo.

“Quốc hội trân trọng đề nghị cử tri và Nhân dân cả nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, HĐND các cấp tích cực tham gia cùng với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện nghị quyết giám sát, các cam kết, lời hứa của Chính phủ và các bộ, ngành tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 4, tạo nên sức mạnh cộng hưởng để đồng hành, thúc đẩy, tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước”.

Có thể khẳng định, thời gian qua, hoạt động giám sát rất được quan tâm, Quốc hội, đại biểu Quốc hội luôn theo dõi, giám sát đến cùng việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, nâng cao trách nhiệm của người bị chất vấn, đặc biệt là người đứng đầu. Từ đó giúp cử tri và Nhân dân thấy rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của đại biểu trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội. Qua các kỳ họp cho thấy, Quốc hội luôn tự đổi mới, thay đổi trong tư duy và cách thức thực hiện giám sát, nhằm góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước. Đặc biệt, quán triệt giám sát trên tinh thần xây dựng; giữa “xây” và “chống”, phát huy những mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để triển khai, nhân rộng.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên.

Chia sẻ với Cổng TTĐT Quốc hội sau khi Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV khép lại, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên khẳng định, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết, luật đã được Quốc hội ban hành và triển khai trong thực tế.

Còn đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu quan điểm: “Chất vấn là hình thức giám sát rất quan trọng của Quốc hội. Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng sẽ giám sát đến cùng các câu hỏi cũng như các giải pháp mà các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đã nêu trước Quốc hội, nhằm nâng cao chất lượng hơn nữa công tác giám sát, giúp Bộ trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và tham mưu cho Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành”./.

Lan Hương

Các bài viết khác