ỦY BAN TÀI CHÍNH- NGÂN SÁCH ĐỀ XUẤT 07 GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2023

27/09/2022

Phát biểu tham luận tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, đại diện Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phạm Thúy Chinh đã đề xuất 07 giải pháp nhằm nâng cao hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023.

Tổng thuật sáng 27/9: Hội nghị triển khai kế hoạch giám sát của Quốc hội năm 2023

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội

Sáng ngày 27/9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát, sau thành công của Hội nghị đầu tiên diễn ra vào ngày 04/11/2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 49 điểm cầu các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.


Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Thường trực Chính phủ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các đại biểu Quốc hội chuyên trách Trung ương, đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận  cấp tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy, Thanh tra cấp tỉnh,…

Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 nhằm thực hiện Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06/6/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 ngày 04/8/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh: Bước vào nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước với tinh thần “chủ động, từ sớm, từ xa”, hoạt động giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và có nhiều đổi mới quan trọng, đạt được nhiều kết quả, đem hơi thở cuộc sống vào hoạt động nghị trường, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Quyết định chương trình giám sát chuyên đề năm 2022, Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” là một trong những nội dung tập trung giám sát và giao Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách là cơ quan thường trực thực hiện. Sau 1 năm triển khai, đến nay, Đoàn giám sát cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đặt ra và chuẩn bị trình Báo cáo kết quả giám sát tại Kỳ họp thứ 4 tới đây.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phạm Thúy Chinh phát biểu tại Hội nghị.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phạm Thúy Chinh, từ thực tiễn triển khai chuyên đề giám sát cho thấy, những đổi mới trong công tác giám sát thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Thông qua báo cáo, thông qua các cuộc làm việc khi giám sát trực tiếp tại địa phương, đơn vị có thể nhận thấy các cuộc giám sát được tổ chức trong năm 2022 và cuộc giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021” là những lựa chọn đúng và trúng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tiến hành giám sát, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan, sự đổi mới mạnh về cách thức tổ chức giám sát nhưng cũng hết sức kỹ lưỡng, thận trọng. Nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành thay đổi tích cực ngay trong quá trình giám sát.

Từ việc rà soát, đánh giá những mặt làm được, những mặt chưa làm được trong ban hành, cụ thể hóa cũng như tổ chức thực hiện chính sách pháp luật đến việc đánh giá đầy đủ hơn, rõ hơn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của cơ quan, đơn vị để từ đó kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục (ngay cả khi việc giám sát chưa kết thúc).

Để phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm của hoạt động giám sát năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, Uỷ ban tiếp tục được Quốc hội tin tưởng giao nhiệm vụ Thường trực của Đoàn giám sát “Việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch Covid-19; chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” trong năm 2023 xin đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề sau:

Một là, lựa chọn nội dung giám sát là các lĩnh vực kinh tế, xã hội quan trọng, tác động sâu, rộng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân; lĩnh vực còn có nhiều điểm nghẽn, vướng mắc; lĩnh vực đòi hỏi trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội của cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng giám sát và quan trọng nhất là phải có trọng tâm, trọng điểm.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công tác lập kế hoạch giám sát trong tổng thể kế hoạch hoạt động chung của Quốc hội. Theo đó tính toán, đảm bảo cân đối thời gian giám sát hợp lý để Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đủ thời gian, nhân lực thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác.

Ba là, giao Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tổ chức giám sát và có báo cáo chung. Khuyến khích Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát riêng, tùy thuộc vào tình hình thực tiễn và điều kiện của mỗi địa phương. Việc chủ động tổ chức chuyên đề giám sát của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cách làm hữu hiệu, là cơ sở để tái giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn.

Bốn là, khai thác tối đa thông tin, dữ liệu từ kết quả Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán; thông tin quản lý của các Bộ, ngành (kinh nghiệm cho thấy, việc các Bộ, ngành, địa phương báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo tiến độ kế hoạch và chất lượng giám sát); ý kiến phản biện, kiến nghị giám sát của UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể; tăng cường huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn trong quá trình giám sát.

Nghiên cứu, khai thác thông tin từ kết quả các cuộc giám sát, các báo cáo thẩm tra trước đó của các cơ quan của Quốc hội để có giới hạn phạm vi, nội dung giám sát phù hợp. Xây dựng Kế hoạch giám sát chi tiết khoa học, đồng bộ để giải quyết triệt để những trùng chéo trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; hạn chế tối đa, không để việc giám sát làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị được giám sát.

Năm là, khi tiến hành giám sát, cùng với việc xác định nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, cần phải làm rõ trách nhiệm giải trình, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự…của tổ chức, cá nhân; đề xuất được các giải pháp phù hợp để hoàn thiện cơ chế, chính sách và đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức thực hiện.

Bảy là, việc tổ chức làm việc trực tiếp với các bộ, ngành cơ quan trung ương nên có lựa chọn cách làm phù hợp theo từng thời điểm; có thể kết hợp phương thức làm việc trực tuyến; làm việc với một số bộ, ngành khi có cùng nhóm nội dung giám sát; báo cáo của các bộ, ngành, địa phương xây dựng theo đề cương chi tiết, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và theo yêu cầu cụ thể của Đoàn giám sát (khi làm việc trực tiếp).

Khi tổ chức làm việc tại các địa phương cần lựa chọn để bảo đảm tính đại diện vùng, miền; bao gồm địa phương thực hiện tốt, địa phương thực hiện chưa tốt, còn có những vấn đề nổi cộm, vướng mắc; thời gian làm việc tại địa phương chỉ khoáng 1-2 ngày; số lượng, thành phần đoàn giám sát gọn, chương trình làm việc khoa học. Bên cạnh đó, việc tổ chức các đoàn giám sát trực tiếp cũng phải đảm bảo sự điều hòa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở kiến nghị của Tổng Thư ký Quốc hội để tránh trùng lắp, việc này cũng nhằm hướng tới hoạt động giám sát không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các bộ, ngành, địa phương./.

Bích Lan

Các bài viết khác