GIÁM SÁT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ: ĐIỂM XUẤT PHÁT ĐỂ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ HIỆU QUẢ LÀ GIÁO DỤC

02/08/2022

Chiều ngày 02/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Quốc hội về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí: Thất thoát, lãng phí từ khâu xây dựng chính sách

Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Lượng hóa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường (Phó Trưởng Đoàn thường trực); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh (Phó Trưởng Đoàn giám sát); các Ủy viên, đại biểu và chuyên gia tham gia Đoàn giám sát. Về phía cơ quan báo cáo có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Tổ công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điểm xuất phát để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả là giáo dục.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát yêu cầu các thành viên tập trung đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016-2021; việc ban hành văn bản thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nội bộ đơn vị. Phát hiện cách làm hiệu quả trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí, biểu dương, nhân rộng trong quá trình thực hiện. Đánh giá đúng tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trong đó tập trung nguyên vào nhân chủ quan ở tầm vĩ mô, quản lý nhà nước; quy rõ trách nhiệm của các ngành, cơ quan, tổ chức, người đứng đầu. Xem xét việc ban hành văn bản pháp luật và quy phạm pháp luật có vướng mắc, bất cập gì để đề xuất sửa đổi bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các quy định pháp luật về giáo dục đào tạo, như Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục Đại học 2012, Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh 2013, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật 2012 và các luật liên quan.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu mở đầu buổi giám sát.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cũng đề nghị các thành viên đoàn giám sát cho ý kiến về việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí dưới góc độ giáo dục đào tạo. Hiện nay, trong 5 luật trong lĩnh vực giáo dục chưa thấy có cụm từ nào về “tiết kiệm”, “chống lãng phí”. Thời gian qua, giáo dục về thực hành tiết kiệm chống lãng phí được tích hợp vào các chương trình giáo dục hoặc nằm trong các môn học về giáo dục công dân. Tuy nhiên, cần làm rõ việc tích hợp như thế nào, đã thành hệ thống bài bản, căn cơ chưa; mục tiêu, yêu cầu như thế nào từ cấp mầm non tới sau đại học; Việc giáo dục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống dân tộc; Việc thể chế hóa quy định tại Điều 56, Hiến pháp 2013 trong pháp luật về lĩnh vực giáo dục đào tạo; Việc luật hóa tiết kiệm, chống lãng phí cũng cần gắn chặt không tách rời với giáo dục về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Bởi vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xét đến cùng là ý thức, nhận thức, tư tưởng, tinh thần trách nhiệm và lối sống để không lãng phí bất cứ thứ gì xung quanh ta. Vì vậy, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả từ phạm vi cá nhân đến toàn xã hội, điểm xuất phát vẫn là giáo dục, để mỗi công dân khi sinh ra được giáo dục bài bản về truyền thống, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đánh giá đầy đủ việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Báo cáo tại buổi giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách giáo dục đào tạo. Nhiều chính sách được ban hành giai đoạn 2016-2021 đã tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, như Luật Giáo dục năm 2019 thay thế Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Bộ cũng tham mưu Chính phủ ban hành 8 nghị định, 1 nghị quyết về tăng cường nguồn lực xã hội cho giáo dục, chính sách học phí đối với học sinh, sinh viên, nhà giáo…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng báo cáo với Đoàn giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động trong khu vực nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Báo cáo kết quả làm việc bước đầu về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại Bộ Giáo dục nhận định: Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra những hạn chế trong việc thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động của Bộ và lĩnh vực giáo dục, đào tạo; trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn đầu tư công, việc xử lý các vấn đề còn tồn động về quản lý tài sản công. Tuy nhiên, Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đánh giá đầy đủ vướng mắc trong triển khai thực hiện các văn bản Luật, nghị định được ban hành thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo; Vẫn còn sự buông lỏng quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Chậm ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm và hướng dẫn xác định định mức biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xác định biên chế giai đoạn theo vị trí việc làm; Có tình trạng lãng phí xảy ra ở nhiều dự án trong việc mua sắm thiết bị dạy và học; Việc xử lý hoặc kiến nghị cụ thể hình thức xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được làm rõ…

Trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí còn mờ nhạt.

Cho ý kiến tại buổi giám sát, nhiều đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rút kinh nghiệm trong chuẩn bị báo cáo công phu, kỹ lưỡng hơn về mặt thể thức văn bản. Đây là báo cáo gửi tới Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội nhưng vẫn còn nhiều sai sót về lỗi chính tả, một số số liệu chưa được tích hợp và trong báo cáo. Có ý kiến cho rằng, báo cáo của Bộ thiên về tổng kết chuyên môn của ngành hơn là báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí phục vụ Đoàn giám sát của Quốc hội.

Các ý kiến tại buổi giám sát đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình rõ hơn về những thất thoát, lãng phí trong chồng chéo, vướng mắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bất cập quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên dịp hè; thất thoát, lãng phí từ các gói thầu mua sắm công trong lĩnh vực giáo dục; vấn đề sách giáo khoa; chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên; chậm giải ngân vốn đầu tư công…

Góp ý vào các nội dung cụ thể về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại ngành giáo dục, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nêu những bất cập trong các quy định về quản lý đội ngũ viên chức trong ngành giáo dục. Bồi dưỡng chứng chỉ đối với đội ngũ giáo viên đang được quy định tản mạn ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu nêu ví dụ về tiêu chuẩn đối với hiệu trưởng, qua phản ánh các địa phương việc thực hiện quy định này không thống nhất. Quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiêp, chứng chỉ hạng giáo viên cũng không thống nhất tại các địa phương. Theo đại biểu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đây cũng là sự lãng phí. 

Ngoài ra, đại biểu cũng cho biết, qua giám sát tại các địa phương cho thấy, việc tinh giảm biên chế cơ học đã dẫn tới tình trạng thừa thiếu giáo viên. Hiện cả nước đang tuyển 27.000 giáo viên mầm non và tiểu học, trong khi đó đang thừa cục bộ hơn 10.000 giáo viên. Đại biểu cho rằng, tính chủ động của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ trong việc tham mưu quyết định về biên chế ở các địa phương chưa hiệu quả.

Vấn đề lãng phí sách giáo khoa là điều mà lâu nay dư luận bức xúc, đại biểu quan tâm, Quốc hội nhiều lần cho ý kiến. Nếu như tính mẫu mực, tính khoa học, tính ổn định, cập nhật, tính kế thừa là những tiêu chuẩn mà quốc tế khẳng định, thì tại nước ta điều này lại khó đạt được. Một số ý kiến tại buổi giám sát cho rằng, hiện có quá nhiều bộ sách, nhiều loại sách; có địa phương năm nay dùng loại sách này, sang năm dùng loại sách khác; sách chỉ dùng một năm, không tái sử dụng được gây ra lãng phí vô cùng lớn. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề nghị “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn hóa lại vấn đề sách giáo khoa, nhiều đầu sách qua, không phải năm nào cũng cần thay đổi, anh học xong không thể đưa lại cho em, tôi cho rằng lãng phí vô cùng”.

 Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường phát biểu tại buổi giám sát.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, bất cập hiện nay là tính kế thừa và ổn định của sách giáo khoa, mỗi năm in sách một lần, thậm chí in cả bài tập vào sách giáo khoa. “Khổ lớn, giấy tốt hơn thì chất lượng giáo dục có tốt hơn không, có đè nặng lên các gia đình nghèo?”, đại biểu Lê Thanh Vân đặt câu hỏi.

Một số đại biểu cũng nêu thực trạng thất thoát, lãng phí từ các gói thầu mua sắm thiết bị trong lĩnh vực giáo dục, nhiều vụ việc được xử lý hình sự, trong đó một số lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo đã bị bắt, nhưng báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa nêu đầy đủ để rút ra bài học kinh nghiệm.

Theo quy định, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ban hành chương trình hành động về tiết kiệm, chống lãng phí nhưng trong báo cáo vẫn chưa đề cập; chưa rõ việc phân cấp trong quản lý đầu tư; cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chậm được ban hành; việc sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước chưa có số lượng cụ thể, chưa có phương án sắp xếp cụ thể… là những vấn đề được thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình làm rõ.

Đối với việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho biết, báo cáo kiểm toán lĩnh vực này tại Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, còn nhiều bất cập trong quản lý sử dụng nguồn vốn ODA trong giai đoạn 2016-2020, điển hình như tiến độ giải ngân dự án nâng cấp Đại học Cần Thơ và Đại học Việt Đức đạt 0% kế hoạch giao. Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về có sự thất thoát, lãng phí, nguyên nhân, trách nhiệm của ngành. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cũng đề nghị Bộ giải trình làm rõ việc thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán về hoạt động cho thuê, liên doanh, liên kết chưa đúng quy định.

Nhiều ý kiến thành viên Đoàn giám sát cũng nêu thực trạng giải ngân đầu tư công chậm gây lãng phí lớn trong bối cảnh ngân sách có hạn. Cụ thể, đối với Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đề xuất huy động nguồn vốn trái phiếu, nguồn vốn của các địa phương và các nguồn lực khác. Thời gian qua việc huy động vốn của các địa phương và các nguồn lực khác không hiệu quả, vì vậy Chính phủ đã nhiều lần trình Quốc hội bổ sung vốn cho chương trình này. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng: "Mặc dù Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến chương trình nhân văn này nhưng bức tranh hiệu quả đầu ra chưa rõ ràng. Vì vậy, để có căn cứ đánh giá hiệu quả của chương trình này, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp chi tiết về số lượng, diện tích, nguồn vốn đã phân bổ thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đến thời điểm này".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường của Quốc hội đồng tình với một số ý kiến thành viên Đoàn Giám sát và Tổ công tác đánh giá trong Báo cáo bước đầu về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, nhiều nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, như: sách giáo khoa, các đề án đổi mới giáo dục, ngân hàng đề thi, đào tạo chứng chỉ, đầu tư thiết bị dạy và học chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu trong báo cáo… "Trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn nguyên nhân không có địa chỉ và số liệu cụ thể, mặc dù nhận định rất đúng với thực tế. Đại biểu đề nghị với những nhận định nêu trong báo cáo cần được minh chứng cụ thể bằng các con số để làm rõ vấn đề", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội 

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, đối với những tồn tại nêu trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thấy trách nhiệm của các cơ quan để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, không hiệu quả như các phương tiện truyền thông đại chúng đã nêu; đối với các kết luận của kiểm toán, thanh tra cũng chưa làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, mà chủ yếu nêu nguyên nhân khách quan.

Phát biểu giải trình tại buổi giám sát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận khuyết điểm với Đoàn giám sát về những thiếu sót về hình thức văn bản, cho biết sẽ hoàn thiện báo cáo trên cơ sở ý kiến thành viên Đoàn giám sát và kết luận của Trưởng Đoàn, tiếp tục bổ sung thông tin, số liệu cụ thể minh chứng cho các nhận định đã nêu trong báo cáo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng giải trình một số vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu, trong đó khẳng định thời gian qua hiếm ngành nào có sự thay đổi sâu sắc, toàn diện như ngành giáo dục, trong đó có giáo dục phổ thông. Trả lời câu hỏi tại sao năm nào cũng phải sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết, mỗi năm sẽ thay sách giáo khoa của một lớp học, như vậy với 12 lớp học ở bậc phổ thông sẽ tiến hành thay sách trong 12 năm. Đây cũng là lý do năm nào ngành giáo dục cũng phải tổ chức tập huấn cho giáo viên và được thực hiện theo dự án và có lộ trình triển khai cụ thể từ cấp trung ương tới địa phương.

Đối với vấn đề thừa, thiếu giáo viên, căn cứ vào yêu cầu thực tế, Bộ Giáo dục đề xuất nhu cầu với từng môn học chuyển sang ngành nội vụ. Bộ Giáo dục chỉ phối hợp, còn ngành nội vụ chịu trách nhiệm tuyển dụng đội ngũ giáo viên. Đối với tình trạng thừa 10 nghìn giáo viên như đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết, trung bình 3 trường thừa 1 giáo viên, so với tỷ lệ hơn 1,6 triệu giáo viên trên cả nước là không nhiều. Tuy nhiên, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ nghiên cứu, tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên trong các cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng giải trình vấn đề đại biểu nêu về lãng phí ký túc xá sinh viên, chậm ban hành chính sách, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA…

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát khẳng định, các ý kiến, nhận định có cơ sở pháp lý, thực tiễn; cùng với các thông tin, số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, làm việc với Chính phủ và tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, đây là chuyên đề khó, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng, then chốt, xương sống của nền kinh tế và cũng liên quan đến mọi mặt đời sống, xã hội. Đặc biệt, trước yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để sử dụng hiệu quả, tối ưu các nguồn lực của cả nước cho phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh, đặc biệt là nguồn nhân lực (sản phẩm của ngành giáo dục và đào tạo). Theo đó, quá trình giám sát cần có sự tập trung đầu tư lớn về công sức, trí tuệ để nghiên cứu, phân tích, đánh giá, cần có sự vào, hợp tác và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học. Đoàn giám sát chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục và đào tạo, trong đó một số quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chồng chéo, bất cập. Việc triển khai thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn khó định lượng, định tính để đánh giá, nhận định.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu theo đề xuất của Tổ công tác và ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát. Đánh giá rõ hơn về ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm tại từng nội dung. Báo cáo cũng cần lượng hóa tối đa kết quả thực hiện, bổ sung đầy đủ các phụ lục, phụ biểu kèm theo, các số liệu, chi tiết đầy đủ, rõ rang, chính xác, làm rõ và phù hợp với số liệu báo cáo. Trong quá trình đánh giá, nhận định tránh trùng lặp, mâu thuẫn giữa ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân chủ quan, khách quan; không rõ trách nhiệm từng cấp; mâu thuẫn giữa số liệu báo cáo, chuẩn hóa và chịu trách nhiệm về tính không chính xác, thống nhất của hệ thống số liệu. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật cụ thể, rõ ràng, trước hết là đối với Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật liên quan. Đối với các cơ quan thanh tra, kiểm toán tiếp tục tăng cường tái thanh tra, tái kiểm, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện các kết luận tại Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cũng lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ, đã được kiểm nghiệm đúng cần tập trung chỉ đạo quyết liệt để khắc phục mà không đợi Quốc hội ban hành Nghị quyết về chuyên đề này mới triển khai. Đối với vấn đề vượt quá thẩm quyền kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ, trong đó tập trung ban hành chiến lược giáo dục đào tạo 2021-2030, hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục và đào tạo, chấn chỉnh việc quản lý, giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA…

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi giám sát:

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu khai mạc buổi giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng, các quy định về tiêu chuẩn giáo viên, hiệu trưởng còn chồng chéo, bất cập nên mỗi địa phương áp dụng khác nhau.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình về sự lãng phí trong sử dụng vốn ODA. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại buổi giám sát.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình việc thực hiện kết luận của thanh tra, kiểm toán.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình các vấn đề đại biểu nêu tại buổi giám sát.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc 

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác