CẦN CHÍNH SÁCH CHUNG CHO CÁN BỘ TRẺ, CÁN BỘ DÔI DƯ SAU SÁP NHẬP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

06/05/2022

Nêu rõ việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư sau sáp nhập là vấn đề mấu chốt tạo sự ổn định cho đơn vị hành chính, do đó, tại các buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Trị vừa qua, thành viên Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các địa phương cần chú trọng đến giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư, đồng thời rà soát lại nguồn nhân lực trẻ để có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

 

Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh

Trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp, sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã, hình thành 34 đơn vị mới, giảm 46 đơn vị hành chính cấp xã; đối chiếu quy định sẽ có trên 700 cán bộ, công chức, 500 người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ phải giảm do dôi dư. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết chế độ, chính sách đối với gần 600 cán bộ, công chức; hơn 400 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; còn lại 152 cán bộ, công chức và 52 người hoạt động không chuyên trách cấp xã đang được tiếp tục giải quyết.

Cho biết Hà Tĩnh là một trong những địa phương thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã lớn nhất trong cả nước, thành viên Đoàn Giám sát đánh giá cao quyết tâm chính trị của cấp uỷ, chính quyền địa phương tỉnh Hà Tĩnh trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật về sắp xếp đơn vị hành chính. Thành viên Đoàn Giám sát cho rằng, sắp xếp đơn vị hành chính là cơ hội để lựa chọn được cán bộ giỏi, có năng lực trình độ, có trách nhiệm với cán bộ, tuy nhiên đây là vấn đề khó bởi sẽ tác động đến tâm tư tình cảm của cán bộ, do đó tỉnh Hà Tĩnh cần làm rõ phương án sắp xếp đối với 152 cán bộ dôi dư, cũng như có lộ trình kéo dài việc thực hiện cơ chế hỗ trợ của tỉnh cho đội ngũ cán bộ này.

Đại biểu Phạm Văn Hoà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị tỉnh Hà Tĩnh làm rõ phương án sắp xếp cho đội ngũ cán bộ dôi dư

Đại biểu Phạm Văn Hoà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, hiện nay tỉnh Hà Tĩnh còn 152 còn bộ dôi dư chưa được sắp xếp. Trong khi đó, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ đội ngũ cán bộ dôi dư đã hết hiệu lực. Do đó đại biểu đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cần làm rõ phương án nếu tiếp tục sắp xếp cho đội ngũ cán bộ dôi dư trong tình hình không có Nghị quyết hỗ trợ; đồng thời đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu ban hành thêm chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ này.

Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Tố Hoa cho biết, hiện nay Sở đang đề xuất các giải pháp và thực hiện các giải pháp như điều chuyển công tác cán bộ sang các vị trí phù hợp khi có người nghỉ hưu hoặc thực hiện điều chuyển cân đối, bố trí cán bộ từ xã đang sắp xếp sang xã còn thiếu. Nhấn mạnh chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã là chủ trương đúng đắn của Đảng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, Bí thư tỉnh Uỷ tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng mong muốn thời gian tới, Trung ương có hướng dẫn cụ thể nhằm khắc phục những bất cập trong quy định hiện hành.

Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị

Bên cạnh đó, tại tỉnh Quảng Trị, tổng số cán bộ, công chức 33 xã, thị trấn trước khi sắp xếp là 612 người; số lượng sắp xếp, bố trí 17 xã, thị trấn mới theo quy định 354 người, dôi dư 258 người. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã giải quyết dôi dư được 137 người, còn 121 người dôi dư tiếp tục giải quyết theo lộ trình. Tuy nhiên, số cán bộ công chức dôi dư hầu hết tuổi đời còn trẻ, có trình độ chuyên môn, có năng lực công tác nên việc giải quyết tinh giản gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Quảng Trị trong giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư, các thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Quảng Trị làm rõ lộ trình bố trí nhân sự, cũng như những đề xuất rõ các chế độ chính sách đối với cán bộ. Nêu rõ hiện nay có Nghị định 108 /2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các chính sách hiện hành chưa đủ khuyến khích cán bộ, công chức nghỉ việc. Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật Tô Văn Tám đề nghị tỉnh Quảng Trị có kiến nghị cụ thể, tránh chung chung để có cơ sở giải quyết.

Cùng với đó, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị Ngô Quang Chiến kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, ban hành chính sách riêng đối với đội ngũ cán bộ dôi dư do sắp xếp các đơn vị hành chính để áp dụng chung cho cả  nước. Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, trong số đội ngũ cán bộ dôi dư đa số là cán bộ trẻ đủ tiêu chuẩn, có trách nhiệm, tâm huyết và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nên việc vận động đội ngũ này nghỉ việc là hết sức khó khăn. Do đó cần có chính sách chung đối với đối tượng này trên toàn quốc.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận nội dung làm việc

Về vấn đề này, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, công tác nhân sự là công tác ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của con người do đó, các địa phương cần chú trọng quan tâm đến giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư đảm bảo có lý, có tình. Cùng với đó cần rà soát lại nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo bài bản để có cơ chế hỗ trợ, sắp xếp công việc phù hợp. Bên cạnh đó cần tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ một cách tích cực nhất và nhanh nhất theo hướng “thiếu cái gì, bồi dưỡng cái đó” nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra./.

Minh Thành