
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. Ảnh Phạm Thắng
Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề "Quốc hội số và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số của Quốc hội" vào chiều 19/3, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, Nghị quyết số 57- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia giống như "Nghị quyết khoán 10" cho nông nghiệp cách đây 40 năm. Với Nghị quyết số 57 từ chỗ thiếu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa để xuất khẩu lớn về lĩnh vực này.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã thông tin về những điểm nhấn đáng chú ý liên quan đến Nghị quyết số 57 - NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia - những khuyến nghị cho Quốc hội trong xây dựng và phát triển Quốc hội số.
Với nghị quyết 57, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa để xuất khẩu khoa học, công nghệ
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về nhận thức, "bộ ba" khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những yếu tố quyết định sự phát triển của một quốc gia. Khoa học, công nghệ là nền tảng, tạo ra tri thức, công cụ. Khoa học là nghiên cứu cơ bản tạo ra tri thức mới. Công nghệ là phát triển công cụ dựa trên tri thức mới. Đổi mới sáng tạo là động lực, chuyển hóa tri thức, công cụ thành ý tưởng, giải pháp. Chuyển đổi số tạo ra môi trường và công cụ để đẩy nhanh việc hiện thực hóa ý tưởng, giải pháp thành sản phẩm, dịch vụ và phổ cập, tạo ra những giá trị thiết thực để phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng nhấn mạnh, "bộ ba" này phải đi cùng nhau trong một hệ sinh thái và lần đầu tiên đi cùng nhau trong một Nghị quyết (Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia). Với nước ta, bộ ba này là điều kiện tiên quyết, là thời cơ để nước ta giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. Đây là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế- xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu.
Nhấn mạnh cần có những giải pháp đột phá mang tính cách mạng, Bộ trưởng cho rằng người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực và là động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt. Nhà nước dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất; tạo ra liên kết: Nhà nước - Viện/trường - Doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh Phạm Thắng
Bộ trưởng cho biết, thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược cũng là những nội dung trọng tâm, cốt lõi. Trong đó, thể chế phải trở thành lợi thế cạnh tranh về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thể chế giải phóng sức lao động, sáng tạo của con người. Thể chế không phải vật chất, nhưng tạo ra vật chất. Thể chế, dù đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhưng là tư duy nên dễ làm, có thể làm nhanh, hiệu quả cao.
Hoàn thiện thể chế phải quyết liệt, khẩn trương, nhất là đầu tư mua sắm công cho chuyển đổi số, cơ chế chi tiêu cho nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, ứng dụng, kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản. Cụ thể, tập trung hoàn thiện các quy định để tháo gỡ mọi điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực. Cải cách phương thức quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, cơ chế tài chính, đơn giản thủ tục hành chính, giao tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, cần thí điểm cái mới để nhân rộng; đồng thời chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm, độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, Sandbox; với Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số, thì cơ chế là chấp nhận “có cái được, có cái mất”. Cùng với đó, cần tiếp tục thu hút có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ngân sách cho nghiên cứu khoa học, công nghệ thực hiện theo cơ chế Quỹ, bảo đảm chi tiêu tập trung, có trọng tâm, trọng điểm…
Tinh thần của Nghị quyết số 57- NQ/TW là quản lý theo mục tiêu, không quản lý theo cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, chấp nhận rủi ro và đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể, là người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo.
“Giống như Nghị quyết khoán 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này với Nghị quyết số 57- NQ/TW của Bộ Chính trị, từ chỗ thiếu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giống như chúng ta đã làm được đối với nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh Phạm Thắng
Trong năm 2025 Quốc hội tiếp tục triển khai các ứng dụng, nền tảng mới
Trình bày tham luận Triển khai Quốc hội số tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng đã nhấn mạnh 6 trụ cột trong chuyển đổi số Quốc hội.
Thứ nhất, trong công tác lập pháp, ứng dụng công nghệ để hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật dựa trên dữ liệu và khoa học.
Thứ hai, trong công tác giám sát, sử dụng AI, dữ liệu lớn để theo dõi, phân tích việc thực thi chính sách.
Thứ ba, trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tích hợp hệ thống phân tích dữ liệu để hỗ trợ quyết định dựa trên bằng chứng.
Thứ tư, trong hoạt động đối ngoại, quản lý việc tham gia điều ước quốc tế liên quan, tham gia các tổ chức quốc tế và hỗ trợ các hoạt động đối ngoại thường xuyên của Quốc hội.
Thứ năm, ứng dụng công nghệ phục vụ công tác hỗ trợ, quản lý hồ sơ, đào tạo nâng cao năng lực... của các đại biểu Quốc hội.
Thứ sáu, tích hợp công nghệ trong việc thu thập, rà soát thông tin dư luận; xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh Phạm Thắng
Về kết quả và tiến độ thực hiện chuyển đổi số Quốc hội, ông Tào Đức Thắng cho biết, đã thực hiện khảo sát nghiệp vụ hơn 300 quy trình vật lý và chuẩn hóa thành 25 quy trình chung trên môi trường số; hoàn thiện Đề án và khung kiến trúc Quốc hội số; ban hành quy định về sử dụng hệ thống Quản lý văn bản điều hành tác nghiệp cho các đơn vị của Quốc hội; ban hành hướng dẫn, tập huấn về hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống Quản lý ý kiến cử tri và khiếu nại tố cáo, cơ sở dữ liệu cán bộ công chức. Đồng thời, tiến hành tư vấn về chiến lược dữ liệu Quốc hội số; tổ chức khảo sát dữ liệu, phân loại dữ liệu tại các cơ quan của Quốc hội.
Triển khai thí điểm 6 hệ thống dùng chung theo phương thức “vừa chạy vừa xếp hàng”: hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử; hệ thống Quản lý ý kiến cử tri và khiếu nại, tố cáo; hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức; hệ thống xác thực tập trung; hệ thống kết nối VPN M-suite; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống máy chủ và mạng nội bộ.
Trong năm 2025, tiếp tục triển khai các ứng dụng, nền tảng mới như: nâng cấp phiên bản mobile của hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử; hệ thống App Quốc hội; hệ thống báo cáo trình diễn dữ liệu từ hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia; hệ thống gỡ băng ghi âm; hệ thống lưu trữ điện tử; 3 hệ thống của Ủy ban Công tác đại biểu...

Giám đốc điều hành GenAI Fund Laura Nguyễn phát biểu. Ảnh Phạm Thắng
AI và chuyển đổi số là xu thế tất yếu
Trình bày tham luận về đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Quốc hội bằng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), bà Laura Nguyễn, Giám đốc điều hành GenAI Fund nhấn mạnh, AI và chuyển đổi số không còn là một sự lựa chọn mà là xu thế tất yếu, không chỉ đối với Quốc hội Việt Nam mà với tất cả các quốc gia trên thế giới. Bà Laura Nguyễn nêu 3 giải pháp lớn:
Thứ nhất, chuyển đổi và tóm tắt văn bản bằng AI. Cụ thể, chuyển đổi, tóm tắt và dịch thuật các phiên họp bằng AI; giới thiệu các giải pháp xử lý tài liệu dựa trên AI.
Thứ hai, tương tác với công dân bằng Chatbot AI, trong đó, trợ lý ảo hỗ trợ các thành viên Quốc hội; các ứng dụng AI để xử lý phản hồi của công dân, phản hồi theo thời gian thực và phân tích dữ liệu.
Thứ ba, sử dụng AI để phân tích tác động chính sách và ra quyết định.
Nêu ra một số đề xuất quá trình chuyển đổi số của Quốc hội bằng AI, Giám đốc điều hành GenAI Fund cho rằng, cần tổ chức cuộc thi đổi mới AI nội bộ cho các thành viên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Quốc hội; xác định các dự án AI thực tế để triển khai ngay lập tức.
Bên cạnh đó, thành lập lực lượng đặc nhiệm AI của Quốc hội; tạo một nhóm chuyên trách để giám sát chiến lược và quản trị AI; phát triển cơ sở dữ liệu kiến thức AI cho các ứng dụng lập pháp. Thực hiện mô hình đổi mới mở và tài trợ AI; hợp tác với các startup AI để tăng tốc áp dụng AI trong Quốc hội; khởi động quỹ đổi mới AI được Chính phủ hậu thuẫn để hỗ trợ AI trong quản lý công và doanh nghiệp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng phát biểu kết luận. Ảnh Phạm Thắng
Phât biểu kết luận Hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cho thấy, để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của Quốc hội trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức mới để hoàn thiện thể chế pháp lý cho Quốc hội số. Xây dựng hạ tầng số và phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hoạt động Quốc hội bao gồm: Triển khai trợ lý ảo giúp đại biểu Quốc hội tra cứu tài liệu, nghiên cứu chính sách, xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo phân tích chính sách, đánh giá tác động dự án luật...

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh Phạm Thắng
Cùng với đó cần đào tạo nhân lực số, nâng cao kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo cho đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, viên chức của Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng nhấn mạnh.