Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 31
Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
![](/content/tintuc/New2024/duchn/100220250544-dsc_3436_1.jpg)
Phiên họp toàn thể lần thứ 31 của Ủy ban Pháp luật
Tham dự có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Nguyễn Phương Thủy, Ngô Trung Thành, Trần Hồng Nguyên, Nguyễn Thị Mai Phương, Nguyễn Trường Giang và các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội.
Cùng dự phiên họp còn có: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; đại diện các bộ, ngành có liên quan.
Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật
Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, trên cơ sở kế thừa Điều 1 Luật hiện hành, dự thảo Luật quy định khái quát hơn và bổ sung nội dung, trách nhiệm tổ chức thi hành bên cạnh nội dung về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như sau: “Luật này quy định việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật”, đồng thời, giữ quy định Luật này không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.
![](/content/tintuc/New2024/duchn/100220250717-dsc_4072.jpg)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh
Theo đó, dự thảo Luật được bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương tương ứng với 53% số chương, 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật năm 2015).
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 119-KL/TW, dự thảo Luật quy định ngắn gọn và chỉ quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và văn bản liên tịch. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật còn lại sẽ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành.
![](/content/tintuc/New2024/duchn/100220250543-dsc_3477.jpg)
Thành viên Ủy ban Pháp luật tham gia phiên họp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, nội dung dự thảo Luật tập trung quy định 07 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật, cụ thể: Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; Phân định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và văn bản dưới luật; Bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; Đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo; Quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật; Hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quán triệt thời gian qua; đồng thởi, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
![](/content/tintuc/New2024/duchn/100220250534-dsc_4016.jpg)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành
Dự thảo Luật đã cơ bản bám sát, thể chế hóa đầy đủ định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật theo Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/01/2025 của Bộ Chính trị và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Dự thảo Luật có 08 chương, 72 điều, gọn hơn, giảm 101 điều so với Luật hiện hành mặc dù phạm vi điều chỉnh được mở rộng bao hàm cả một số nội dung về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với các dự án luật, nghị quyết khác được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại cùng Kỳ họp như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi);...
![](/content/tintuc/New2024/duchn/100220250546-dsc_3490.jpg)
Các đại biểu tham gia phiên họp
Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể tại dự thảo Luật liên quan tới quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; phản biện xã hội và tham vấn chính sách; thông qua và điều chỉnh Chương trình lập pháp hằng năm; mối quan hệ giữa quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản; quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết;...
Trong đó, về tham vấn chính sách, một số ý kiến đại biểu cho rằng, quy định này giúp các cơ quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tuy nhiên, đề nghị cần nghiên cứu mở rộng hơn đối tượng được tham vấn chính sách.
Về thông qua và điều chỉnh Chương trình lập pháp hằng năm, các ý kiến cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật, theo đó, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, tổ chức về dự án cần đưa vào Chương trình, Thường trực Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan trình, các cơ quan khác của Quốc hội “rà soát, đề xuất” ý kiến về dự kiến Chương trình báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Quy định như vậy vừa bảo đảm tính linh hoạt, chủ động cho cơ quan trình, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ và thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc quyết định Chương trình lập pháp của Quốc hội.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị để bảo đảm tính chuyên nghiệp, chặt chẽ của quy trình thì nên quy định việc “thẩm tra” thay cho việc “rà soát, đề xuất” ý kiến đối với các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; đồng thời, nên tiếp tục kế thừa Luật hiện hành, bổ sung quy định trách nhiệm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc triển khai Chương trình lập pháp hằng năm để làm cơ sở cho các cơ quan tổ chức thực hiện.
Hồ sơ dự án Luật đáp ứng đủ điều kiện trình Quốc hội
![](/content/tintuc/New2024/duchn/100220250518-dsc_3944.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận phiên họp
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật đầy đủ, đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng. Hồ sơ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đáp ứng đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý một số nội dung cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện tại dự thảo Luật như: quy định về tham vấn chính sách; xác định rõ hơn vai trò của các cơ quan trong thực hiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, thiết kế phương án để các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có thể tham gia nhiều lần vào dự án Luật; vấn đề xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đối với các vấn đề lớn của hồ sơ chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;... Đồng thời, đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý tại phiên họp, khẩn trương hoàn thiện Báo cáo thẩm tra theo đúng quy định./.