Ủy ban Pháp luật thẩm tra 02 dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri

19/09/2024

Trong khuôn khổ Chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 26, sáng 19/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đồng chủ trì phiên họp.

Phiên họp toàn thể lần thứ 26 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công nêu rõ, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để ĐBQH, Đoàn ĐBQH, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tiếp xúc cử tri; tổ chức thực hiện tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri… được thực hiện thuận lợi, chất lượng, hiệu quả, thống nhất trong phạm vi cả nước.

Dự thảo Nghị quyết dự kiến gồm 07 chương, 49 điều, quy định một số nội dung, chính sách mới như: Khái niệm “Tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội”, “Kiến nghị của cử tri”,…; Quy định cụ thể hóa nguyên tắc tiếp xúc cử tri và hình thức tiếp xúc cử tri;

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công 

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết đã quy định cụ thể theo hướng tăng cường vai trò chủ động, tích cực của đại biểu Quốc hội trong tiếp xúc cử tri; gợi mở, khuyến khích cử tri bày tỏ kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề mà cử tri quan tâm; thông tin đầy đủ về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, kịp thời giải đáp những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị. Đồng thời, bổ sung nội dung, kiến nghị về các vấn đề cử tri chủ động đề nghị đại biểu Quốc hội lắng nghe, ghi nhận, trao đổi, thông tin, báo cáo trong nội dung tiếp xúc cử tri; bổ sung, làm rõ trường hợp quy định về trách nhiệm tiếp xúc cử tri ở địa phương mà đại biểu Quốc hội chuyển sinh hoạt đến, bên cạnh tiếp xúc cử tri ở địa phương đại biểu Quốc hội ứng cử;…

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu và chỉnh sửa gồm 06 chương, 43 điều.

Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu Tạ Thị Yên 

Tại dự thảo Nghị quyết, để bảo đảm việc thực hiện thống nhất đúng theo quy định của pháp luật, dự thảo quy định về nội dung tiếp xúc cử tri (TXCT) sau kỳ họp thường lệ của HĐND và các nội dung liên quan đến TXCT sau kỳ họp HĐND. Để đảm bảo dự thảo Nghị quyết không quy định cứng về việc bắt buộc phải TXCT sau kỳ họp HĐND, mà có thể đa dạng bằng các hình thức báo cáo với cử tri. Việc lựa chọn hình thức báo cáo với cử tri sau kỳ họp HĐND do Thường trực HĐND quyết định như đã quy định linh hoạt tại Điều 19 dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, có quy định về trình tự thủ tục để đại biểu HĐND TXCT ngoài đơn vị ứng cử; Quy định về trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận tại thôn, tổ dân phố trong việc phối hợp với đại biểu HĐND và trách nhiệm tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành 02 dự thảo Nghị quyết nhằm thể chế hóa yêu cầu của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tổ chức Quốc hội,…; khắc phục những vướng mắc, bất cập thời gian vừa qua trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Hồ sơ 02 dự thảo Nghị quyết bảo đảm đầy đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, nội dung một số tài liệu cụ thể trong Hồ sơ cần tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện.

Đồng thời, đa số ý kiến lưu ý 02 dự thảo Nghị quyết cần tập trung quy định về việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân để thực hiện đúng nội dung đã được Quốc hội giao tại khoản 3, Điều 16 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đối với nội dung giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri cần quy định thống nhất với nghị quyết về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Nội dung giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cũng cần rà soát, quy định thống nhất trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh

Về việc hợp nhất 02 dự thảo Nghị quyết liên tịch, nhiều ý kiến tán thành việc giữ 02 dự thảo Nghị quyết để kế thừa cách thức quy định trước đây; việc ban hành 02 Nghị quyết riêng biệt điều chỉnh công tác tiếp xúc cử tri cho 02 đối tượng khác nhau sẽ thuận lợi hơn cho việc nghiên cứu, tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, 02 dự thảo Nghị quyết có nhiều nội dung quy định có tính chất tương đồng, do đó, việc hợp nhất giúp giảm bớt văn bản quy phạm pháp luật, dễ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục duy trì việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thường lệ. Đây là hoạt động thời gian qua đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, thể hiện sự liên hệ gắn bó giữa đại biểu Quốc hội với cử tri. Để đảm bảo hiệu quả, đề nghị làm tốt công tác tổ chức thực hiện, sắp xếp đối tượng tiếp xúc, địa điểm tiếp xúc tại các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp khác nhau;…

Các đại biểu tham dự phiên họp

Về tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp bất thường của Quốc hội, đề nghị cân nhắc không nên quy định cứng là “trước và sau kỳ họp bất thường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri” như tại dự thảo Nghị quyết. Bởi vì, các kỳ họp bất thường của Quốc hội được quyết định đột xuất, diễn ra trong thời gian ngắn,… Do đó, việc tổ chức tiếp xúc cửu tri trước và sau kỳ họp bất thường phải được cân nhắc nhiều yếu tố đảm bảo phù hợp với nội dung, bối cảnh từng kỳ họp bất thường. Để đảm bảo linh hoạt, đề nghị quy định theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền quyết định việc tổ chức hay không tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp bất thường.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm các hình thức tiếp xúc cử tri mới, như tiếp xúc cử tri trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến; tăng cường vai trò chủ động, tích cực của đại biểu Quốc hội. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền vận dụng linh hoạt, sáng tạo các quy định của pháp luật để bảo đảm cử tri phản ánh được tâm tư nguyện vọng, đề xuất ý kiến, kiến nghị của mình; đồng thời, chú trọng đổi mới hình thức tổ chức, nội dung và địa điểm tiếp xúc, công tác truyền thông, đa dạng thành phần cử tri tham gia.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang

Đối với dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các đại biểu cơ bản tán thành nội dung tại nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc không quy định nội dung tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em trong dự thảo Nghị quyết; bổ sung, quy định rõ về chương trình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri ngoài đơn vị ứng cử của đại biểu Hội đồng nhân dân;…

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát về kỹ thuật văn bản đảm bảo sử dụng thuật ngữ phổ thông, dễ hiểu; sử dụng thống nhất các khái niệm; tránh quy định nội dung trùng lặp với các văn bản khác có liên quan;…

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành 

Kết thúc phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, phiên họp thẩm tra đã hoàn thành chương trình đề ra với rất nhiều ý kiến sâu sắc, toàn diện; góp ý trực tiếp vào những vấn đề còn ý kiến khác nhau tại 02 dự thảo Nghị quyết.

Nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp tới hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, Ủy ban Pháp luật sẽ tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, các phương án được nêu tại phiên họp nhằm hoàn thiện các báo cáo thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại đợt 2 – Phiên họp thứ 37 tới đây.

***Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đồng chủ trì phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành chủ trì và điều hành phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công báo cáo tại phiên họp

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên báo cáo tại phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung trình bày dự thảo báo cáo 

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tham dự phiên họp

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An góp ý tại phiên họp

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu tại phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh tham gia ý kiến tại phiên họp

Ông Nguyễn Hoàng Giáp - Phó Chủ tịch HĐND quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh 

Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu kết thúc phiên họp./.

Lê Anh - Nghĩa Đức