LUẬT SƯ PHAN CÔNG TIẾN: CẦN TĂNG CƯỜNG HƠN NỮA CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI TỚI NGƯỜI DÂN

14/04/2024

Theo chương trình lập pháp, tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Giám đốc Công ty Luật Equity Law cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến về chính sách bảo hiểm xã hội cũng như có chính sách hướng dẫn thực hiện, từ đó tạo sự đồng bộ trong việc sử dụng số hóa điện tử bảo hiểm xã hội, qua đó đảm bảo được việc tính thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người dân.

TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN TÍNH ƯU VIỆT CỦA CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

HOÀN THIỆN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG TAI NẠN LAO ĐỘNG

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Giám đốc Công ty Luật Equity Law

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2014. Sau hơn 7 năm thi hành (kể từ ngày Luật có hiệu lực 01/01/2016 đến nay), Luật đã góp phần tích cực trong việc quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, mặt khác Luật còn là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động thông qua các chế độ bảo hiểm xã hội. Song, trước sự thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế, Luật đã và đang bộc lộ ra những hạn chế nhất định trong việc thực hiện trên thực tiễn. Trước đòi hỏi này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 23/11/2023, dự thảo đã có những sửa đổi căn bản, tác động lớn đến việc đảm bảo an sinh xã hội, quyền, nghĩa vụ của hàng chục triệu người lao động, người sử dụng lao động trên cả nước.

Phóng viên: Theo chương trình lập pháp, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Luật sư có đánh giá như thế nào qua hơn 7 năm triển khai thi hành Luật?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Giám đốc Công ty Luật Equity Law: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và sắp tới sẽ được tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Đây được xem là một trong những hoạt động của Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng của mình – chức năng lập pháp. Tại lần lấy ý kiến đầu tiên, dự thảo Luật đã nhận được 175 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu cho ý kiến, 08 đại biểu tranh luận và 07 đại biểu góp ý bằng văn bản. Từ số liệu này cho thấy, dự thảo Luật nhận được rất nhiều lượt quan tâm, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cử tri trên cả nước.

Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đang có hiệu lực điều chỉnh, từ thực tế cho thấy sau hơn 07 năm thi hành, Luật đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan, qua đó tạo ra đảm bảo và sự ổn định về an sinh xã hội. Từ thực tiễn quan sát, tôi có một số đánh giá về việc triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:

Thứ nhất, việc triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đảm bảo được sự kịp thời với thực tiễn đất nước. Từ khi có Luật, các quan hệ phát sinh liên quan tới bảo hiểm xã hội được xử lý và điều chỉnh một cách hiệu quả, qua đó tạo ra sự thuận lợi đối với người dân trong việc thụ hưởng bảo hiểm xã hội và nâng cao công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, việc triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 không chỉ đáp ứng được mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị  đã đề ra mà còn đảm bảo được về an sinh xã hội, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tới đông đảo người lao động. Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có những quy định, chính sách trong việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong việc thụ hưởng bảo hiểm xã hội như: Không khống chế tuổi trần của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (khoản 4 Điều 2); hỗ trợ và khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội (Điều 6); đảm bảo việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động bằng nhiều biện pháp khác nhau, như quy định về trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động; (khoản 2 Điều 21); và có các quy định về việc giảm dần sự chênh lệch về mức hưởng bảo hiểm xã hội giữa các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thuộc khu vực tư và khu vực nhà nước…Thực tế cho thấy, từ khi có các quy định này đã giúp cho người dân tiếp cận bảo hiểm xã hội một cách dễ dàng và hiệu quả hơn, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của các văn bản pháp luật về bảo hiểm xã hội trước đây.

Ngoài ra, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã giúp nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, cụ thể đã có các quy định về việc bổ sung, hoàn thiện các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội và phân định rạch ròi về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan này. Thông qua đó giúp cho việc quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội được tốt và hiệu quả hơn, tránh trường hợp chồng chéo thẩm quyền trên thực tế.

Tuy nhiên, qua việc triển khai thi hành trên thực tế, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bộc lộ ra những hạn chế, bất cập nhất định, liên quan tới nhiều vấn đề khác nhau, như độ bao phủ của bảo hiểm xã hội đối với người dân chưa cao; sự thiếu sót trong các quy định pháp luật cụ thể; việc triển khai thi hành, thực hiện luật chưa đạt hiệu quả cao… đòi hỏi cần có những nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện về các vấn đề này.

Dưới góc nhìn của một người hành nghề luật, tôi có đánh giá khái quát về việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau: (i) về cơ bản Luật Bảo hiểm xã hội đã đáp ứng được một số yêu cầu đối với việc cải cách, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; đã có những quy định đảm bảo được quyền và lợi ích của người dân trong việc thụ hưởng bảo hiểm xã hội; (ii) tuy nhiên trước sự biến động, thay đổi của thực tiễn trong nước và tình hình quốc tế thì một số quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã không còn phù hợp, đòi hỏi cần có sự sửa đổi, chỉnh lý cho phù hợp.

Phóng viên: Qua thực tiễn hành nghề, theo Luật sư, đâu là những vướng mắc, bất cập trong thực tế?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Giám đốc Công ty Luật Equity Law: Sự không phù hợp, thiếu sót của pháp luật là nguyên nhân dẫn tới những vướng mắc và bất cập trong thực tiễn. Đối với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, qua xử lý, giải quyết một số vụ việc liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm xã hội, tôi nhận thấy có một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn như sau:

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có các quy định theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, điều này nhằm thực hiện chính sách bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành nhận thấy, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội từ khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành tới nay mới đạt 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy có thể thấy rằng, tuy Luật hiện hành đã có những quy định bắt buộc, thúc đẩy và tạo điều kiện người dân tham gia bảo hiểm xã hội nhưng trên thực tế thì lệ bao phủ bảo hiểm xã hội trên thực tế còn thấp.

Hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn, quy định chi tiết còn hạn chế, trong khi đây được xem là một Luật có nhiều vấn đề mang tính phức tạp, khó hiểu cần được hướng dẫn và làm rõ. Nhưng trên thực tiễn, công tác hướng dẫn và cụ thể hóa chưa được thực hiện một cách đầy đủ, khiến cho việc tổ chức và thực hiện Luật gặp nhiều khó khăn, lúng túng nhất định.

Các quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa có sự liên kết với pháp luật của các quốc gia khác về bảo hiểm xã hội. Điều này dẫn tới trường hợp có rất nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đóng bảo hiểm xã hội hai lần (ở nước bản địa và tại Việt Nam). Từ thực tế cho thấy, người lao động từ nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam đã và đang ngày càng gia tăng, vì vậy nếu Luật Bảo hiểm xã hội không có những quy định về việc đảm bảo lợi ích của những người lao động này thì sẽ không thu hút được họ tham gia và lao động tại nước ta. Qua đây đòi hỏi cần phải có các hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia mà có lực lượng lao động đông đảo, thường xuyên và ổn định tại Việt Nam.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đang chưa thật sự tạo ra sự hứng thú và thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội, đây là một trong những lý dẫn tới tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm xã hội ở nước ta hiện nay còn thấp. Mặt khác trên thực tế công tác triển khai thi hành Luật còn nhiều hạn chế, vẫn chưa có sự tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội một cách sâu rộng và toàn diện. Chính vì vậy đã tạo ra hệ lụy là nhiều người dân không biết hoặc không nắm được các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm xã hội, mà trước hết là các quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Phóng viên: Theo Luật sư, cần có quy định cũng như giải pháp nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, giúp người lao động được ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Giám đốc Công ty Luật Equity Law: Theo Tổng cục Thống kê, tính tới cuối năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở nước ta đạt 52,4 triệu người/100,3 triệu dân. Có thể thấy rằng, số lực lượng lao động ở nước ta chiếm hơn 50% trên tổng dân số. Với lực lượng lao động hùng hậu, đông đảo và trẻ khỏe đã góp phần tạo ra sự phát triển kinh tế một cách ngoạn mục ở nước ta trong những năm vừa qua.

Cũng không nói quá khi cho rằng, việc bảo vệ người lao động cũng chính là đang bảo vệ nền kinh tế của đất nước. Người lao động được xem là bên yếu thế trong quan hệ lao động, điều này đã được khẳng định xuyên suốt trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc bảo vệ người lao động được thể hiện bằng nhiều giải pháp, cách thức khác nhau, trong đó có giải pháp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong việc tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội. Dưới góc nhìn của một Luật sư, tôi có một số đề xuất trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động như sau:

Thứ nhất, pháp luật về bảo hiểm xã hội cần có những quy định về việc ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội. Theo quy định hiện hành, thời gian tính bảo hiểm xã hội “được tính bắt đầu từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội và kết thúc khi người lao động dừng đóng bảo hiểm xã hội. Đối với trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”. Tuy đã có quy định như vậy, nhưng trên thực tế việc tính thời gian tham gia bảo hiểm xã hội gặp nhiều khó khăn, nhất là việc số hóa điện tử việc đóng bảo hiểm xã hội còn gặp phải nhiều bất cập, nhiều người dân không biết sử dụng và thậm chí là không dùng, điều này dẫn tới việc tính sai, không đúng thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Mặt khác, ở một số địa phương chưa phổ quát về số hóa bảo hiểm xã hội, qua đây gây nhiều phiền lụy đối với người dân trong việc tham gia đóng và làm các thủ tục về bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy, cần có các giải pháp theo hướng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến về chính sách bảo hiểm xã hội như số hóa điện tử,.. và có chính sách hướng dẫn thực hiện, để từ đó tạo sự đồng bộ trong việc sử dụng số hóa điện tử bảo hiểm xã hội, qua đó đảm bảo được việc tính thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người dân. Mặt khác ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa cũng cần đảm bảo việc sử dụng hình thức đóng bảo hiểm xã hội một cách linh hoạt, tránh gây khó khăn cho người dân trong việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian tham gia bảo hiểm xã hội cần đảm bảo sự chính xác, đầy đủ và khách quan.

Thứ hai, thực tế cho thấy tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, nhiều người dân chưa tham gia và không được hưởng thụ cách chính sách bảo hiểm xã hội của nhà nước. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể kể tới như: (i) người dân không biết về chính sách bảo hiểm xã hội của nhà nước; (ii) chính sách bảo hiểm xã hội không thu hút và tạo ra sự hấp dẫn đối với người dân. Trên cơ sở này, cần tăng cường hơn nữa công tác phổ biến các chính sách, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước về bảo hiểm xã hội, điều này có thể được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo… qua đó sẽ tiếp cận được số lượng lớn người dân theo dõi. Cùng với đó cũng cần đặt ra tầm quan trọng và các lợi ích mà người dân sẽ nhận được khi tham gia bảo hiểm xã hội, các lợi ích này sẽ được thực hiện theo hướng hạn chế thấp nhất các điều kiện để được hưởng bảo hiểm xã hội, và lợi ích cần mang tính ngắn hạn.

Phóng viên: Để bảo đảm an sinh xã hội, theo Luật sư, đâu là những nội dung trọng tâm cần chú trọng trong dự thảo Luật?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Giám đốc Công ty Luật Equity Law: Bảo đảm về an sinh xã hội được xem là một trong những mục tiêu và là quyền của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 . Để có thể biết được các nội dung trọng tâm cần chú trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội thì cần biết được các chính sách của Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể các chính sách này bao gồm: Bảo hiểm xã hội bao gồm các chế độ lương hưu, thai sản, ốm đau, thất nghiệp dành cho người lao động; Chu cấp an sinh xã hội do Chính phủ thực hiện như về nhu yếu phẩm, y tế…

Như vậy, có thể xác định được một số vấn đề cần trọng tâm như sau: (i) chế độ lương hưu; (ii) thai sản, ốm đau và thất nghiệp. Cụ thể như sau:

Về chế độ lương hưu: Theo Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định người lao động khi nghỉ việc nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Nếu người lao động nghỉ hưu sớm thì sẽ không được hưởng nguyên lương hưu.

Từ quy định nêu trên nhận thấy, các quy định về hưởng lương hưu là khá khó khăn, theo đó cần đáp ứng điều kiện về độ tuổi (nam đủ 60, nữ đủ 55) và phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Thực tế cho thấy, độ tuổi nêu trên đang được xem là chưa có sự linh hoạt, mặt khác điều kiện phải đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội đã gây ra nhiều khó khăn đối với người dân trong việc tiếp cận bảo hiểm xã hội. Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới mức độ phủ bảo hiểm xã hội ở nước ta còn thấp.

Theo đó, dự thảo Luật cần tập trung quan tâm, nghiên cứu về vấn đề độ tuổi hưởng lương hưu. Cần đặt ra sự đa dạng về độ tuổi tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn, đối với trường hợp người lao động hoạt động trong môi trường độc hại, nặng nhọc thì có thể giảm độ tuổi hưởng lương hưu từ 1 – 3 tuổi… điều này sẽ giúp tạo ra sự linh hoạt trong việc áp dụng pháp luật và đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của các chủ thể có liên quan. Đồng thời, thời gian về điều kiện đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm cũng cần được nghiên cứu và xem xét kỹ càng. Mức số năm này được xem là khá lớn, việc rút ngắn khoảng thời gian và đặt ra các trường hợp đóng bảo hiểm xã hội không liên tục để xem xét được hưởng lương hưu là điều cần thiết.

Về thai sản, ốm đau và thất nghiệp: Đây được xem là ba trường hợp đặc thù, trong trường hợp này người lao động không tham gia trực tiếp vào quan hệ lao động. Chính vì lẽ đó cũng cần phải có sự nghiên cứu về các quy định đối với các trường hợp này. Về vấn đề thai sản, đây được xem là trường hợp diễn ra phổ biến, theo đó chế độ bảo hiểm xã hội đối với người phụ nữ sinh con khi đáp ứng điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng mức trợ cấp là 2.000.000 VND cho một con. Theo quan điểm của tôi, đây được xem là mức trợ cấp thấp, thậm chí là không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cơ bản của một đứa trẻ trong một tháng. Thực tế cho thấy, các sản phẩm, nhu yếu phẩm nói chung và của trẻ em, phụ nữ sinh con là rất cao… cho nên mức trợ cấp 2.000.000 VND sẽ khó có thể đảm bảo được sự ổn định về vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó, đối với phụ nữ sinh con ở thành phố, thì mức chi phí này lại càng trở lên ít ỏi. Vì vậy, dự thảo Luật cần tập trung nghiên cứu vấn đề này theo hướng tăng mức trợ cấp (xác định theo từng vùng) và giảm đi các điều kiện để được hưởng bảo hiểm xã hội.

Vấn đề ốm đau cũng cần được quan tâm, và cũng có thể theo hướng đối với chế độ thai sản. Từ thực tiễn trong những năm dịch bệnh cho thấy, việc có những điều chỉnh về chế độ hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp ốm đau và thất nghiệp cần được quan tâm. Đây được xem là các trường hợp mà người dân trực tiếp phải gánh chịu các thiệt hại nhất định như thiệt hại về sức khỏe, tinh thần và thiệt hại về kinh tế. Cho nên việc giảm bớt các điều kiện để được hưởng bảo hiểm xã hội cần được quan tâm, tập trung nghiên cứu; cũng cần đặt ra các trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội đa tầng đối với các trường hợp nêu trên. Cụ thể sẽ tùy vào từng trường hợp, hoàn cảnh và thời gian sẽ có các mức hưởng bảo hiểm xã hội khác nhau.

Theo quan điểm của tôi, đây là một số nội dung cần được quan tâm, chú trọng trong việc sửa đổi luật lần này. Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được xem là nhu cầu cấp thiết để phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, cụ thể là Nghị quyết 28  và phù hợp với tình hình thế giới. Qua đó sẽ giúp cho việc đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của người dân được tốt nhất, nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, tiến tới toàn dân thụ hưởng bảo hiểm xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Minh Thành