TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 07/3: HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT KỲ HỌP THỨ 6 VÀ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV
Luật Đất đai năm 2024 đã sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013 nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Với 12 triệu lượt ý kiến góp ý của cử tri và thảo luận qua 04 kỳ họp, 02 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 08 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai với tỷ lệ tán thành cao.
Chia sẻ về dự luật, PGS. TS Doãn Hồng Nhung cho rằng, trên cơ sở thể chế hóa 05 quan điểm, xác định 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp, 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp lật về đất đai của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 Chương, 260 điều có những nội dung mới quan trọng đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Điểm lại một số điểm mới nổi bật phải của Luật Đất đai 2024, PGS. TS Doãn Hồng Nhung cho biết: Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư…; Bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; bảo đảm thống nhất giữa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan; Hoàn thiện quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;…
PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Đồng thời, Luật Đất đai 2024 cũng quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; Hoàn thiện các quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Luật hóa và bổ sung, hoàn thiện các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất nhằm giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn; Hoàn thiện các quy định về phương pháp xác định giá đất, chính sách tài chính về đất đai; Hoàn thiện quy định về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất; quy định rõ ràng hơn về tập trung; tích tụ; chuyển nhượng đất nông nghiệp;…
Trong đó, liên quan đến nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, luật lần này sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường: được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở.
Luật Đất đai năm 2024 mở rộng thành phần hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đại diện của người sử dụng đất có đất bị thu hồi… nhằm đảm bảo sự khách quan, minh bạch, sự tham gia của các bên liên quan. Cùng đó, các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo sự tham gia của người dân ở các giai đoạn, đảm bảo nguyên tắc người có đất bị thu hồi được bồi thường, tái định cư trước khi thu hồi đất.
Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5
Nhấn mạnh Luật Đất đai năm 2024 có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 09 nội dung giao các Bộ hướng dẫn thi hành, PGS. TS Doãn Hồng Nhung lưu ý, để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống thì các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật; tránh việc tạo ra "khoảng trống" về chính sách. Bên cạnh đó, công tác thông tin, phổ biến, tuyên truyền cần đặc biệt được quan tâm và chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, nhằm phổ biến hiệu quả nhất tới các tầng lớp Nhân dân về nội dung trọng tâm, điểm mới cơ bản của dự luật quan trọng này.
Cùng với đó, tổ chức thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng trong đó vai trò chủ đạo là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thực hiện hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai; rà soát, trình sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi).
Kỳ vọng Luật Đất đai 2024 khi có hiệu lực sẽ thúc đẩy quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với giải quyết vướng mắc, tồn tại thực tế, PGS. TS Doãn Hồng Nhung cho rằng, trong quá trình triển khai luật vào cuộc sống, các bộ, ngành, địa phương cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai để nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Luật Đất đai (sửa đổi)./.