CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ CHÚC TẾT NGÂN HÀNG HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM

15/02/2024

Sáng 15/2, tại Hà Nội, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, tới thăm, chúc Tết Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh; Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương, cơ quan của Quốc hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: 2024 LÀ NĂM ĐỂ TĂNG TỐC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI CÁC KẾ HOẠCH, MỤC TIÊU ĐÃ ĐỀ RA

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, chúc Tết cán bộ, người lao động Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Phát biểu tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp và tình cảm thân ái đến toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Nhắc lại những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 khá toàn diện, tích cực của đất nước ta trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng trong thành tựu chung ấy có sự đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cùng những khó khăn trong nước đã khiến nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp xuống thấp, nhiều ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất gây áp lực không nhỏ tới sự điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; giữ vững ổn định, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có tiền thân là Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, được thành lập từ năm 1993 nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển mô hình tín dụng Hợp tác kiểu mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trực tiếp phục vụ tam nông, đối tượng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình và nông dân. Do tính đặc thù nên không có nhiều người biết đến Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, nhưng vẫn có những bước phát triển rất tích cực.

Ngân hàngHợp tác xã Việt Nam đã phát huy vai trò là Ngân hàng đầu mối phục vụ gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân với tổng tài sản là 181.734 tỷ đồng, vốn điều lệ 6.995 tỷ đồng; hoạt động trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố với hơn 1,7 triệu thành viên.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, chúc Tết cán bộ, người lao động Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm cao và những kết quả tích cực của ngành ngân hàng nói chung và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói riêng đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Nhấn mạnh rằng Trung ương rất quan tâm tới tam nông, hợp tác xã, ban hành nhiều chủ trương, chính sách về lĩnh vực này; Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng.

Năm 2024 là năm rất quan trọng, là năm "tăng tốc" để "về đích" thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả nhiệm kỳ. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là thách thức rất lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. 

Trong đó, vai trò của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia là hết sức quan trọng, đóng vai trò là huyết mạch của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu, cán bộ, người lao động Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành ngân hàng tăng cường năng lực phân tích dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới, khu vực, nhất là diễn biến giá năng lượng để hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ phù hợp; cân đối hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỷ giá.

Đồng thời, ngành ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm tối đa; tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn, quan trọng là không hạ chuẩn tín dụng nhưng vẫn đưa được vốn vào sản xuất, kinh doanh.

Riêng với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao.

Đặng Linh - Lâm Hiển