DẤU ẤN VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP NĂM 2023: ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN TRÊN CÁC MẶT CÔNG TÁC, TĂNG HÀM LƯỢNG KHOA HỌC TRONG CÁC QUYẾT SÁCH CỦA QUỐC HỘI

06/02/2024

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, năm 2023, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có bước tiến mạnh mẽ, toàn diện trên các mặt công tác. Qua đó, góp phần tăng hàm lượng khoa học trong các quyết sách của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP: NHIỀU ĐỔI MỚI, CẢI TIẾN TRONG CÔNG TÁC THAM MƯU, GIÚP VIỆC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA UBTVQH

Trong năm 2023, Viện Nghiên cứu lập pháp (Viện NCLP) triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Dân tộc (HĐDT), các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH và Văn phòng Quốc hội (VPQH); với sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực phấn đấu của cả tập thể, Viện NCLP đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, góp phần vào thành công chung của Quốc hội.

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học, thông tin khoa học lập pháp: Nhiều đổi mới, đi vào thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực

Trong suốt quá trình hoạt động, Viện NCLP luôn xác định rõ việc thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, thông tin khoa học lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, trên cơ sở Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và qua theo dõi quá trình xây dựng, cho ý kiến về dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; theo yêu cầu của lãnh đạo Quốc hội, trước mỗi kỳ họp/phiên họp, Viện NCLP luôn chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ cho phù hợp.

Chủ đề nội dung nghiên cứu được xác định rõ ràng, tập trung vào những vấn đề lớn đang còn có nhiều ý kiến khác nhau trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết hoặc những chủ đề kinh tế - xã hội đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, đại biểu Quốc hội. Các nội dung được triển khai nghiên cứu dưới nhiều hình thức tham vấn như hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu chuyên đề chuyên sâu nhằm phục vụ kịp thời tới Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thảo luận, thẩm tra, cho ý kiến, xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTVQH. Số lượng, chất lượng các chuyên đề, sản phẩm nghiên cứu trong năm 2023 được nâng lên, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu trong phục vụ hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH. Các sản phẩm nghiên cứu của Viện NCLP được sử dụng để phục công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phiên họp, công tác thẩm tra, phát biểu góp ý tại kỳ họp, tạo tác động tích cực đến hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Việc triển khai nghiên cứu các chuyên đề chuyên sâu, bên cạnh nòng cốt là cán bộ nghiên cứu của Viện NCLP, Viện NCLP còn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo, các chuyên gia, cán bộ quản lý, nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực hiện đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, tổ chức tư vấn pháp luật, Trường đại học và Viện nghiên cứu trong và ngoài nước cùng tham gia. Sản phẩm nghiên cứu được đưa ra cung cấp, phục vụ là những kết quả được nghiên cứu nghiêm túc, có giá trị tham khảo về cả lý luận lẫn thực tiễn, được tổ chức kiểm tra, thẩm định chặt chẽ từ chất lượng, đến hình thức trình bày, từng bước đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của lãnh đạo Quốc hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và đại biểu Quốc hội quá trình cho ý kiến chỉnh lý, hoàn thiện, thông qua dự án Luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và phục vụ hoạt động của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Qua đó, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, VPQH đều có những đánh giá ghi nhận tích cực. Bên cạnh việc sử dụng phương thức cung cấp các sản phẩm ở dạng bản giấy truyền thống, Viện NCLP đã kết hợp cung cấp tài liệu cho đại biểu Quốc hội bằng bản điện tử trên môi trường mạng (qua App Quốc hội điện tử).

Năm 2023, Viện NCLP đã có nhiều chuyên đề góp ý trực tiếp vào 25 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6 và nhiều dự thảo pháp lệnh, nghị quyết, quy phạm pháp luật khác. Cụ thể,  Viện NCLP tổ chức 57 cuộc hội thảo, tọa đàm, xây dựng báo cáo nghiên cứu chuyên sâu (27 cuộc hội thảo/tọa đàm, 30 chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu). Trên cơ sở đó, Viện NCLP đã tổng hợp, nghiên cứu xây dựng, cung cấp 43 văn bản đến các cơ quan của Quốc hội, phục vụ công tác thẩm tra, hoàn thiện dự thảo Luật, Nghị quyết, Đề án...; 26 chuyên đề/tài liệu thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Kỳ họp thứ 5 và thứ 6; 56 văn bản phục vụ lãnh đạo Quốc hội trong hoạt động chỉ đạo, điều hành tại các phiên họp của UBTVQH.

Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong đó, tập trung nhiều vào những dự án luật lớn, phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước như các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); v.v…; thực hiện góp ý về nội dung và rà soát, hoàn thiện kỹ thuật của các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đối với 07 dự án Luật, 01 Nghị quyết quy phạm.

2. Hoạt động quản lý khoa học: Ngày càng cải tiến, nâng cao chất lượng

Được sự quan tâm, chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học (HĐKH) của UBTVQH, công tác quản lý khoa học của Viện NCLP đã được đổi mới, chuẩn hóa, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, phát huy được vai trò, trách nhiệm là cơ quan chủ quản, chủ trì; đề cao tính công khai, minh bạch, thống nhất; bố trí kinh phí, sử dụng kinh phí đúng quy định, hiệu quả; nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu, phục vụ thiết thực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Cụ thể:

- Công tác của Cơ quan chủ quản: Công tác quản lý khoa học của Viện NCLP luôn được đổi mới, bài bản, đúng quy định pháp luật, đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao. Viện NCLP luôn thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm vừa là Cơ quan chủ quản, vừa thực hiện nhiệm vụ của Tổ chức chủ trì đối với các nhiệm vụ khoa học, bảo đảm tính công khai, minh bạch, thống nhất từ việc xây dựng kế hoạch, đề xuất nhiệm vụ khoa học, tổ chức tuyển chọn giao nhiệm vụ, thẩm định nội dung; bố trí kinh phí, ký hợp đồng, tổ chức đánh giá giữa kỳ và nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học, Viện NCLP đã tổ chức các Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ, các Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu, Viện NCLP đều mời đủ 09 thành viên Hội đồng là các nhà khoa học (thành viên HĐKH của UBTVQH, các ĐBQH, các chuyên gia có uy tín công tác lâu năm tại Quốc hội…) có kinh nghiệm, chuyên môn sâu liên quan các lĩnh vực của đề tài đến dự Hội đồng. Các phiên họp các thành viên Hội đồng đều góp ý thẳng thắn chỉ rõ các hạn chế của đề tài qua đó nâng cao chất lượng đề tài.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp thứ V Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

- Công tác tham mưu, phục vụ HĐKH của UBTVQH có những chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp, ổn định, đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học (NVKH) triển khai thực hiện đúng định hướng nghiên cứu, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Viện NCLP đã tham mưu, phục vụ các phiên họp của HĐKH theo Chương trình công tác của HĐKH của UBTVQH.  Bên cạnh đó, Viện NCLP đã tham mưu trình HĐKH ban hành 01 Nghị quyết số 11/NQ-HĐKH15 ngày 18/5/2023 của HĐKH của UBTVQH về Danh mục NVKH năm 2024 và Viện NCLP đã phê duyệt Danh mục NVKH năm 2024 với tổng số 11 đề tài cấp Bộ  và 02 đề tài cấp cơ sở.

Công tác xây dựng kế hoạch nghiên cứu cho giai đoạn 2025-2026 đã được Viện NCLP thực hiện chủ động, từ sớm. Ngày 04/12/2023, HĐKH của UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐKH15 về định hướng nghiên cứu khoa học năm 2025. Trên cơ sở đề xuất các nhiệm vụ gửi về, Viện NCLP sẽ tổng hợp, xây dựng danh mục các NVKH đề xuất năm 2025 trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến và triển khai các bước tiếp theo định.

- Công tác của Tổ chức chủ trì: Năm 2023, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch HĐKH của UBTVQH, Viện NCLP đã tích cực đôn đốc các tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học thực hiện theo đúng thời hạn đã ký kết, đảm bảo chất lượng. Cụ thể:

(i) Đối với đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, Viện NCLP tham mưu, phục vụ Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức 01 tọa đàm xin ý kiến chuyên gia, tổng hợp ý kiến chuyên gia về đề cương đề tài; 01 phiên họp thứ nhất của Ban Chủ nhiệm đề tài; phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ban Công tác đại biểu, VPQH tổ chức 03 hội thảo khoa học trong kế hoạch năm 2023; đầu mối đôn đốc các cơ quan thực hiện các chuyên đề nhánh theo phân công. Tính đến 10/12/2023, có 06/07 cơ quan được phân công hoàn thiện báo cáo trong năm 2023 đã gửi Báo cáo về Viện NCLP đúng thời hạn.

Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Quốc hội Việt Nam – 80 năm đổi mới và phát triển về tổ chức, phương thức hoạt động”.

(ii) Đối với nhóm NVKH thực hiện từ năm 2023, Viện NCLP đã tổ chức 01 Hội nghị triển khai các NVKH thực hiện từ năm 2023; tổ chức ký kết hợp đồng triển khai NVKH thực hiện từ năm 2023 cho 06 NVKH cấp Bộ và 01 NVKH cấp cơ sở, đăng công khai Thông báo về việc ký kết hợp đồng thực hiện NVKH năm 2023; tổ chức 06 hội thảo khoa học của NVKH cấp Bộ  và tổ chức 01 hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài cấp cơ sở;

(iii) Đối với nhóm NVKH thực hiện từ năm 2021, 2022, Viện NCLP phối hợp với các Ban Chủ nhiệm tổ chức 27 hội thảo trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu; tổ chức 19 Hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và 19 Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu NVKH cấp Bộ và 01 NVKH cấp cơ sở. Tính đến 30/11/2023, toàn bộ các đề tài thực hiện từ năm 2021, 2022 được gia hạn thời gian nghiên cứu đều đã được nghiệm thu chính thức và đang tiến hành các thủ tục thanh quyết toán tài chính trong năm 2023 .

3. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế: Góp phần nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu

Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế đã góp phần nhất định vào việc nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu phục vụ Quốc hội. Viện NCLP đã phối hợp chặt chẽ với Quỹ Rosa Luxemburg, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Luật gia... đồng tổ chức các hội thảo/tọa đàm đóng góp ý kiến đối với một số dự án luật quan trọng, như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi). Căn cứ Nghị quyết triển khai đoàn ra đã phê duyệt của UBTVQH, Viện NCLP đã tổ chức 01 đoàn đi nghiên cứu tại Vương quốc Anh; theo sự phân công của Đảng đoàn Quốc hội, đề nghị của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Ban Tổ chức Trung ương, lãnh đạo Viện NCLP tham gia là thành viên của 03 đoàn công tác đi nghiên cứu kinh nghiệm tại các nước: Úc, Nhật Bản và Trung Quốc. Đón tiếp 04 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc với Viện NCLP.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển làm việc với Đoàn Chuyên gia Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Hoa Kỳ (CRS).

4. Hoạt động của Tạp chí NCLP: Dữ liệu phong phú, đáp ứng yêu cầu của độc giả

Công tác biên tập, xuất bản Tạp chí NCLP được triển khai theo đúng tôn chỉ, mục đích, chất lượng các bài viết, nghiên cứu từng bước được nâng cao. Từ năm 2023, các bài viết đăng trên Tạp chí NCLP đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước phê duyệt tăng điểm khoa học từ 0,5 điểm lên 0,75 điểm .

Công tác biên tập, xuất bản: trong năm 2023, Viện NCLP đã biên tập được 24 số Tạp chí; xuất bản được 15 số Tạp chí (02 số/tháng); biên tập, xuất bản 01 số đặc biệt theo đặt hàng của Ban Dân nguyện.

Công tác hiệu đính, đăng tải trên Trang thông tin điện tử: để có dữ liệu phong phú phục vụ độc giả, Viện NCLP tiến hành hiệu đính những bài viết đã đăng tải trên trang website từ số 01 đến số 12 của năm 2010 và các số từ 15 đến 24 của năm 2009; cập nhật các văn bản pháp luật lên Trang thông tin điện tử của Tạp chí và bài viết trên các số ấn phẩm Tạp chí NCLP bản in xuất bản theo định kỳ của năm 2023.

Có thể nói, năm 2023, bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, Viện NCLP được giao nhiều nhiệm vụ đột xuất từ Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, yêu cầu thời gian phải xử lý gấp, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu khoa học và cung cấp thông tin khoa học lập pháp. Song được sự quan tâm, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp từ Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; sự đoàn kết, quyết tâm, chủ động của tập thể lãnh đạo Viện NCLP, công chức, viên chức và người lao động, Viện NCLP đã đạt được những kết quả tích cực theo đúng kế hoạch, được các cấp lãnh đạo ghi nhận./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác