GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG CƠ CHẾ TỰ CHỦ CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
HƠN 99% KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT, TRẢ LỜI
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 20/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Năm 2023, trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình khiếu nại, tố cáo tăng so với cùng kỳ năm 2022, nhưng dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt những kết quả tích cực, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bám sát sự chỉ đạo của Đảng, triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, mặc dù tình hình công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng so với năm 2022 nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo, các cấp, các ngành đã cố gắng, nỗ lực, có các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thực hiện các kiến nghị, chỉ đạo tại Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp hằng tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm triển khai, thực hiện các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, những vấn đề bức xúc trong xã hội được cử tri và nhân dân quan tâm.
Triển khai Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các kiến nghị của Đoàn giám sát tại Báo cáo số 334/BC-ĐGS trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện, trong đó đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết và các kiến nghị của Đoàn Giám sát.
Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát pháp luật về lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Thanh tra Chính phủ, trong đó có pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Trên cơ sở kết quả rà soát, Thanh tra Chính phủ đã có Báo cáo số 1946/BC-TTCP ngày 29/8/2023 gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó qua rà soát thấy chưa cần thiết phải đề xuất sửa đổi Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Về nghiên cứu, tham mưu ban hành Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thống kê các hành vi vi phạm đề xuất bị xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tổ chức họp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an để phân tích, đánh giá, qua đó nhận thấy các hành vi vi phạm được các Bộ, ngành, địa phương đề nghị bị xử phạt trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đều có thể áp dụng các các quy định hiện hành của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính để xử lý. Do đó Thanh tra Chính phủ báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ không xây dựng Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, tích cực thực hiện và báo cáo kết quả theo yêu cầu đối với những nội dung, vụ việc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận tại phiên họp hằng tháng về công tác dân nguyện.
Việc xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong kỳ báo cáo đã xem xét xử lý, giải quyết 307/425 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến, đạt 72,2%; 118 vụ việc còn lại đang tiếp tục xem xét xử lý, giải quyết.
Kết quả giám sát cho thấy, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiến hành 1.531 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm (tăng 20,7%) thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2.408 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã ban hành 1.283 kết luận thanh tra. Qua thanh tra kiến nghị xử lý hành chính đối với 233 tổ chức, 520 cá nhân; đã xử lý 190 tổ chức, 460 cá nhân.
Trong công tác tiếp công dân, việc tiếp công dân của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp tục có chuyển biến tích cực, đa số đều nhận thức rõ về trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, phần lớn Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đã quan tâm và thực hiện tốt hơn việc tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trong đó hầu hết các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm túc việc công khai lịch tiếp và trực tiếp tiếp công dân định kỳ hằng tháng. Tại các buổi tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu thường gắn liền với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc đông người, phức tạp có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; qua đó nhiều vụ việc đã được giải quyết dứt điểm. Nhiều địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế đối thoại của người đứng đầu; đầu tư đồng bộ các điều kiện phục vụ công tác tiếp công dân, xử lý đơn; đa số cán bộ làm công tác tiếp công dân có tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc, có trình độ nghiệp vụ phù hợp. Việc tổ chức và thực hiện tiếp công dân thường xuyên ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, đã bố trí người có năng lực, trình độ chuyên môn về pháp luật và có trách nhiệm để thực hiện việc tiếp công dân, quá trình tiếp có thái độ đúng mực, tôn trọng, lắng nghe, ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người dân trình bày; giải thích đầy đủ về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người dân đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết; việc tiếp nhận, xử lý đơn của các cơ quan, đơn vị cơ bản theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Về tiếp công dân
Một số tồn tại, hạn chế
Trong công tác tiếp công dân, mặc dù đã chuyển biến tốt hơn so với giai đoạn trước nhưng việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu một số cơ quan hành chính chưa đảm bảo so với quy định của luật; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn ở một số nơi chưa cao, còn sai sót, nhầm lẫn, hướng dẫn, chuyển đơn không đúng nơi có thẩm quyền giải quyết, một số vụ việc chưa được chính quyền địa phương quan tâm, xem xét xử lý ngay từ cơ sở dẫn đến có nguy cơ diễn biến phức tạp.
Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp ở một số cơ quan, địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật. Theo thống kê cho thấy, tiếp công dân của người đứng đầu cấp xã ít, cấp huyện có nhiều hơn, cấp tỉnh không cao, cấp bộ thì thấp. Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu chủ yếu ủy quyền cho cấp phó. Việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đều chưa bảo đảm so với quy định của luật (tỷ lệ bình quân Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp đạt 38%, Chủ tịch tỉnh đạt 56%, Chủ tịch huyện đạt 94%, Chủ tịch xã đạt 49% so với quy định). Thủ trưởng một số cơ quan còn ủy quyền hoặc giao cho cấp phó tiếp thay còn khá phổ biến.
Một số địa phương trong quá trình tổ chức, thực hiện công tác tiếp công dân cho rằng mô hình tiếp công dân cấp huyện hiện nay chưa thực sự hiệu quả, chưa gắn được trách nhiệm của cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo với hoạt động tiếp công dân. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, cần nghiên cứu, đánh giá về mô hình Ban tiếp công dân cấp huyện để có giải pháp toàn diện, bảo đảm tính hiệu quả và cơ sở pháp lý.
- Việc quy định tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với thực tiễn do đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của mỗi cơ quan có sự khác nhau nên có nhiều cơ quan số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc lĩnh vực phụ trách không nhiều nên cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, tránh hình thức và bảo đảm khả thi trong thực tiễn.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
Nguyên nhân về thể chế: Một số quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những bất cập nhất định trong thực tiễn, cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện, như: quy định về mô hình tiếp công dân cấp huyện; việc thực hiện tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan không có chức năng quản lý nhà nước hoặc có nhưng thực tế không phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân của đơn vị sự nghiệp công lập…
Nguyên nhân về tổ chức thực hiện:
+ Trách nhiệm tiếp công dân của một số cán bộ, người đứng đầu chưa cao, tỷ lệ ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ còn nhiều, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, ngại tiếp dân của một bộ phận người đứng đầu cơ quan (không bố trí tiếp công dân đầy đủ, tiếp bù nếu bận lịch đột xuất...).
+ Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu về số lượng; trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm của một số cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số cơ quan, địa phương, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, trong khi khối lượng đơn thư lớn, phức tạp, kéo dài qua nhiều thời kỳ.
+ Chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân chưa được quan tâm đúng mức, nên chưa khuyến khích được cán bộ nâng cao trách nhiệm và yên tâm công tác.
+ Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng dù đã có nhiều cố gắng xong còn mang nặng tính hình thức, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả chưa cao.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình chủ trì tiếp công dân định kỳ tháng 7/2023. Ảnh minh họa
Về giải quyết khiếu nại
Một số tồn tại, hạn chế
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tỷ lệ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước thấp hơn so với năm 2022 và thấp hơn mục tiêu chung phấn đấu (85%); chất lượng giải quyết ở một số địa phương còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo có nơi còn chậm, chưa triệt để. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo có 17,2% khiếu nại có yếu tố đúng, 23,2% tố cáo có yếu tố đúng cho thấy công tác quản lý hành chính nhà nước ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế, bất cập, thiếu sót và cá nhân cán bộ, công chức có vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư còn hạn chế, vẫn còn có sự nhầm lẫn trong việc phân loại đơn, giữa đơn khiếu nại với đơn kiến nghị, phản ánh dẫn đến việc tham mưu, áp dụng pháp luật trong xử lý đơn, giải quyết khiếu nại của công dân có trường hợp còn thiếu chính xác hoặc sai sót nhất định
Chất lượng công tác thẩm tra, xác minh trong quá trình giải quyết, nhất là lần đầu của cấp huyện có nơi còn làm chưa kỹ, có sai sót nên dẫn đến nhiều vụ việc phải xem xét, giải quyết nhiều lần. Vẫn còn một số ngành, một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết, cử cán bộ tham gia đối thoại không đúng thành phần; chậm triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, chậm cung cấp thông tin, tài liệu khi có yêu cầu của cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh; chậm có ý kiến về lĩnh vực chuyên môn khi được hỏi ý kiến.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
Nguyên nhân về thể chế:
+ Văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực, nhất là các vụ việc liên quan đến cơ chế chính sách về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư có sự thay đổi qua nhiều giai đoạn, mỗi địa phương quy định khác nhau nên khi giải quyết không bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý hoặc gây lúng túng trong việc áp dụng pháp luật.
+ Một số quy định của pháp luật nội dung còn bất cập, hạn chế, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể gây khó khăn cho công tác giải quyết khiếu nại và phát sinh vụ việc đông người, phức tạp như: (i) Quy định việc phân cấp điều chỉnh quy hoạch nhưng thiếu hoặc coi nhẹ quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh quy hoạch nên dẫn đến nhiều vụ việc khiếu nại phát sinh do việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị ảnh hưởng đến các quy hoạch khác đã được phê duyệt trước đó ; (ii) Quy định liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi của cư dân sinh sống tại chung cư đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội chưa được quan tâm nên dẫn đến nhiều sai phạm của chủ đầu tư về trật tự xây dựng, chiếm dụng trái phép quỹ bảo trì...;
Việc công bố, công khai thông tin quy hoạch ở một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên liên tục. (Ảnh minh họa: Người dân xem trưng bày Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc).
Nguyên nhân về tổ chức thực hiện:
+ Nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài qua các thời kỳ, quá trình giải quyết phải xác minh, thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ, trong khi việc lưu trữ tài liệu trong 31 lĩnh vực quản lý đất đai ở cấp cơ sở còn hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và chất lượng giải quyết.
+ Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu một số đơn vị còn chưa quyết liệt để giải quyết dứt điểm các vụ việc, các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật do còn nể nang, ngại va chạm khi tổ chức thực hiện; chưa tích cực chủ động tham mưu, đề xuất, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
+ Việc triển khai lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng sau khi có quy hoạch chung xây dựng của các huyện đạt tỉ lệ thấp dẫn đến việc cấp giấy phép xây dựng các công trình, nhà ở riêng lẻ và quản lý trật tự xây dựng gặp khó khăn. Nội dung một số đồ án quy hoạch chất lượng chưa tốt, một số định hướng quy hoạch thiếu tính khả thi hoặc chưa phù hợp với điều kiện thực tế, phải rà soát, điều chỉnh cục bộ nhiều lần. Việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch xây dựng còn tùy tiện, chưa được công bố, công khai theo quy định, vi phạm trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Sự phối hợp giữa các ngành còn bất cập trong việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch chuyên ngành dẫn đến sự chưa thống nhất giữa các quy hoạch nên phải điều chỉnh. Việc lấy ý kiến đối với quy hoạch của các cá nhân, tổ chức cộng đồng dân cư vào nội dung quy hoạch còn mang tính hình thức; thời gian lấy ý kiến chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật.
+ Việc công bố, công khai thông tin quy hoạch ở một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trong việc thực hiện quy hoạch và việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quản lý trật tự xây dựng đô thị chưa được các cấp chính quyền quan tâm, thực hiện tốt.
+ Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, nhất là công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng và quản lý đô thị, quản lý nhà chung cư; xác nhận nguồn gốc đất và việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện các dự án. Một số nơi còn buông lỏng trong công tác quản lý nhà đất dẫn đến người dân lấn chiếm cải tạo, mở rộng diện tích, khi phát sinh khiếu nại hiện trạng không còn như ban đầu; công tác đo đạc, lập, chỉnh lý, xây dựng bản đồ địa chính chưa kịp thời, chậm được thực hiện dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc xác minh giải quyết khiếu nại.
+ Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại còn thiếu về số lượng; trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm của một số cán bộ, công chức làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; kinh phí đào tạo chưa được quan tâm đúng mức, nên việc đào tạo bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức làm công tác này chưa được thường xuyên, trong khi khối lượng đơn thư lớn, phức tạp, kéo dài qua nhiều thời kỳ.
+ Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý về đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa được quan tâm đúng mức, chưa được triển khai, thực hiện đồng bộ.
+ Nhận thức của một số công dân về những quy định của pháp luật về đất đai, về khiếu nại còn hạn chế; còn có tâm lý khiếu nại cầu may; một số công dân cố tình khiếu nại kéo dài, có những yêu cầu không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, trong năm 2023, có hơn 390.000 lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 37,5% so với năm 2022). Số đoàn đông người, số đơn khiếu nại, số đơn tố cáo đều tăng, lần lượt là 26,6%; 20,5%, 23,5%.
So với năm 2022, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2023 tăng ở hầu hết các chỉ số thống kê (số lượt tiếp công dân, số đoàn đông người, số đơn, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết), nguyên nhân chủ yếu là do:
+ Do năm 2022 có khoảng thời gian phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên công dân ít đến các cơ quan nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
+ Năm 2023, sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, Chính phủ ban hành các chương trình, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, do vậy có nhiều dự án đầu tư hơn trước, trong đó có những dự án đầu tư phải thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng diện tích đất đai lớn, dẫn đến phát sinh thêm khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
+ Cuối năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, bất động sản, xuất - nhập khẩu … gặp nhiều khó khăn, bất cập, thậm chí có tình trạng đổ vỡ nên đã phát sinh đơn thư liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động, của chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, ...
Về giải quyết tố cáo
Một số tồn tại, hạn chế
Vẫn còn nhiều lúng túng, thiếu thống nhất trong việc xử lý đơn tố cáo, nhất là đơn tố cáo hành vi hành chính với đơn tố cáo có nội dung tố giác tội phạm. Công tác thẩm tra, xác minh giải quyết vụ việc tố cáo nhiều nơi chưa kỹ, thiếu chủ động, đánh giá chứng cứ, còn có một số vụ việc người được giao xác minh chỉ lấy thông tin trên hồ sơ, tài liệu, không xác minh thực tế, không trực tiếp làm việc với người tố cáo, dẫn đến phát sinh một số ý kiến phản ánh của người dân liên quan đến việc cán bộ chưa công khai, minh bạch trong kiểm tra, xác minh tham mưu giải quyết tố cáo.
Tình trạng ban hành thông báo thay thế cho kết luận tố cáo còn xảy ra ở một số nơi; có biểu hiện né tránh nhất là trong trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đối với những trường hợp này, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo còn thiếu chủ động và thường trông chờ vào việc giải quyết của cấp ủy đảng.
Ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở, vẫn còn tình trạng giải quyết một số vụ việc chưa đúng, thiếu khách quan, để kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm; chất lượng giải quyết còn sai sót cả về căn cứ áp dụng pháp luật, vi phạm về trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết; việc tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo nhiều trường hợp còn chậm, chưa triệt để.
Một số cán bộ, công chức nhà nước sách nhiễu, đòi hỏi nhận hối lộ của người dân, doanh nghiệp. Sự tồn tại của cơ chế “xin - cho” vẫn còn hiện hữu trong một số ngành, lĩnh vực.
Chế độ, chính sách đãi ngộ, nhất là vấn đề tiền lương còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm để đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm công tác nên có trường hợp không giữ được đạo đức công vụ, tìm mọi cách để kiếm thêm thu nhập từ chính công việc, chức vụ được giao.
Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết tố cáo còn thiếu về số lượng; năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế của cán bộ còn hạn chế, ở nhiều nơi, nhất là cấp cơ sở cán bộ, công chức làm công tác giải quyết tố cáo còn nhầm lẫn giữa tố cáo với khiếu nại, kiến nghị, không nắm vững các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo nên việc thực hiện nhiệm vụ còn nhiều lúng túng. Nhận thức pháp luật của một bộ phận công dân còn hạn chế, nhiều trường hợp lợi dụng quyền tự do dân chủ tố cáo sai sự thật; cá biệt có kẻ xấu đã lợi dụng, lôi kéo, kích động, xúi giục những người tố cáo đến các cơ quan nhà nước tạo áp lực nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là những công việc khó khăn, có tính chất phức tạp. Ảnh minh họa.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
Công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn có trường hợp một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, thiếu sâu sát để có biện pháp hữu hiệu thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trong việc giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; còn tình trạng người đứng đầu ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ; một số nơi người đứng đầu chưa quyết liệt, sát sao lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, chưa tổ chức thực hiện có hiệu quả quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Nhiều vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài qua các thời kỳ có nhiều sự thay đổi về chính sách, pháp luật dẫn đến lúng túng, vướng mắc trong áp dụng pháp luật để giải quyết; một số vụ việc phải xác minh, thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ, trong khi việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan trong những năm trước đây còn hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và chất lượng giải quyết.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là những công việc khó khăn, có tính chất phức tạp, thiếu hấp dẫn đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu về số lượng so với khối lượng và tính chất phức tạp của công việc phải thực hiện; trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm của một số cán bộ, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp. Khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai tiếp tục là một điểm nóng, nhất là ở các địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công lớn, có tốc độ đô thị hóa cao và có nhiều dự án đầu tư liên quan đến thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là tình hình khiếu kiện đông người liên quan đến việc giao khoán đất nông, lâm trường tại một số tỉnh, thành phố phía Nam và khu vực Tây Nguyên, nếu không được xử lý dứt điểm có thể diễn biến phức tạp, hình thành những đoàn khiếu kiện đông người vượt cấp lên trung ương trong thời gian tới.
Năm 2024 là năm cao điểm thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 theo quy định của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; đồng thời là năm quan trọng chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 nên có thể có thể phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách, nhân sự... nếu không được tổ chức thực hiện bài bản, đúng quy định.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các cấp, các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các dự án Luật dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua năm 2023, 2024, nhất là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để tổ chức triển khai thực hiện.
- Thanh tra Chính phủ cần chủ động trong việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là ở những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp để chủ động đôn đốc, phối hợp với địa phương giải quyết, xử lý; phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương xử lý tình trạng khiếu kiện đông người tại các cơ quan trung ương; rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các kế hoạch của Thanh tra Chính phủ. Tập trung thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm và phát sinh khiếu nại, tố cáo, thanh tra công vụ, cải cách hành chính để chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, yếu kém, vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.
- Các bộ, ngành trung ương cần rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành quản lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, đảm bảo nguyên tắc tháo gỡ những vướng mắc, bất cập và khắc phục nguyên nhân dẫn đến phát sinh tình trạng khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với dự án Luật có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, quan tâm phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
- Chính quyền, các cơ quan chức năng tại các địa phương phải nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, có kế hoạch tổ chức tiếp công dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền mới phát sinh; rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Một số kiến nghị, đề xuất
Kiến nghị về hoàn thiện thể chế
- Các cơ quan thuộc Chính phủ cần có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu xây dựng pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, nội dung quy định chung chung, thiếu cụ thể, rõ ràng, khó thực hiện, đánh giá tác động chính sách sơ sài, hình thức, không rõ định lượng. Đồng thời, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản; phát huy cơ chế phản biện, cơ chế phối hợp và huy động hiệu quả các nguồn lực; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật.
- Các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố cần tổ chức rà soát, đánh giá lại toàn bộ các quy định về tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, của ngành và địa phương mình, nhất là quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo; quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản luật cơ quan cấp trên và phù hợp với thực tiễn của cơ quan, ngành và địa phương mình.
- Cơ quan Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, hướng dẫn, quy định cụ thể hơn việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp; sớm nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn bổ sung quy định về trường hợp người có thẩm quyền tự mình rà soát, sửa đổi quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có sai sót; quy định hướng dẫn thực hiện việc tiếp công dân trực tuyến...
Kiến nghị về tổ chức thực hiện
Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo bộ ngành và UBND tỉnh, thành phố:
- Nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là đối với trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; quan tâm hơn nữa và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức, thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, nhất là sự phối hợp giữa cơ quan hành chính với cơ quan tư pháp, triển khai rộng rãi mô hình luật sư tư vấn miễn phí tại Ban tiếp công dân của các địa phương.
- Tăng cường hoạt động thanh tra công vụ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và coi đây là kênh thông tin quan trọng để kiểm tra, đánh giá tính khả thi của chính sách, pháp luật, hiệu quả quản lý nhà nước và cũng là phương thức hữu hiệu nhằm tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực quản lý về đất đai, môi trường; về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, quản lý đô thị và quản lý, vận hành chung cư và các vấn đề mới nảy sinh được dư luận và nhân dân quan tâm, nhằm hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu nại, tố cáo.
- Công an các địa phương tăng cường tham gia vào việc giải quyết khiếu kiện, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các đơn vị có liên quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời những trường hợp lợi dụng quyền tự do dân chủ để lôi kéo, kích động người khiếu kiện gây mất trật tự công cộng.
- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thi hành kết luận giải quyết tố cáo và xử lý nghiêm minh đối với cán bộ có vi phạm được phát hiện qua công tác giải quyết tố cáo.
- Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài để cập nhật, bổ sung đưa vào danh sách những vụ việc thuộc tiêu chí cần rà soát và có lộ trình giải quyết dứt điểm từng vụ việc. Qua hoạt động rà soát, cần chú trọng hơn nữa việc đề xuất cấp có thẩm quyền có giải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc do chính sách, pháp luật.
- Đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên làm việc, tiếp xúc với người dân; đổi mới hình thức, nội dung và lựa chọn vấn đề tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; bố trí nguồn kinh phí có định hướng tập trung vào nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đã được xây dựng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu kết nối dữ liệu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên phạm vi toàn quốc và trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
|
TS.Bùi Thị Quỳnh Thơ
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
|