CẦN PHÂN ĐỊNH RÕ HƠN PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ LUẬT ĐƯỜNG BỘ

10/11/2023

Sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 10/11: QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) được ban hành năm 2008, sau 15 năm thực hiện cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này.

Luật GTĐB năm 2008 điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng GTĐB, vận tải đường bộ và lĩnh vực TTATGTĐB, nên không bao quát hết các nội dung về lĩnh vực TTATGTĐB, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Việc ban hành Luật này là cần thiết phù hợp với chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Về hồ sơ dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 7/2023 và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này. 

Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tính khả thi của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013; cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm TTATGTĐB, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế và khắc phục những vướng mắc, bất cập thời gian qua. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cho rằng, Luật này điều chỉnh về các vấn đề liên quan đến quy tắc giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; còn Luật Đường bộ điều chỉnh về các vấn đề quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ.

Đối với lĩnh vực vận tải đường bộ thì Luật này chỉ điều chỉnh đối với một số hoạt động liên quan đến TTATGT trong hoạt động vận tải đường bộ như quy định về nguyên tắc, điều kiện an toàn đối với người lái xe và phương tiện vận tải là phù hợp; còn Luật Đường bộ quy định các nội dung liên quan đến yếu tố kỹ thuật của vận tải đường bộ. Để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, Ủy ban QPAN đề nghị tiếp tục rà soát để tách bạch rõ hơn nữa các nội dung liên quan đến vận tải đường bộ được điều chỉnh trong dự thảo Luật TTATGTĐB và dự thảo Luật Đường bộ để điều chỉnh cho phù hợp.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 1). Một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm; khi có điều kiện mà cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông…

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu cho phù hợp; tiếp tục rà soát, sắp xếp các quy định cấm liên quan đến TTATGTĐB để bảo đảm tính thống nhất, logic, tránh trùng lặp với các quy định khác trong dự thảo Luật hoặc trùng lặp với quy định của các luật chuyên ngành khác; nghiên cứu, sắp xếp các hành vi bị nghiêm cấm theo nhóm chủ thể, nội dung cho dễ theo dõi.

Về quy tắc giao thông đường bộ (Chương II), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật GTĐB năm 2008, dự thảo Luật TTATGTĐB đã bổ sung nhiều quy định về quy tắc giao thông liên quan đến ưu tiên, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người khuyết tật; điều chỉnh, bổ sung các quy tắc giao thông cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và sự phát triển của các loại hình giao thông mới hiện nay. Đây là nội dung lớn, điều chỉnh chung về GTĐB, đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu các ý kiến trên và quy định của Công ước Viên 1968 để hoàn thiện Chương này, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Về phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Chương III), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định” vì cho rằng việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là rộng và khó bảo đảm tính khả thi.

Các đại biểu tại phiên họp

Về đấu giá biển số xe ô tô, một số ý kiến cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, tuy thời gian thực hiện thí điểm chưa nhiều nhưng bước đầu đã chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này; do đó, đề nghị sớm được quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. Một số ý kiến khác đề nghị phải thực hiện đủ thời gian thí điểm để có đầy đủ cơ sở đánh giá, tổng kết và báo cáo, đề xuất Quốc hội hoàn thiện pháp luật tại kỳ họp đầu năm 2026.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung các quy định về: vận chuyển hàng hóa nguy hiểm tại Điều 42; sử dụng xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích để vận chuyển hàng hoá trên đường bộ tại điểm a khoản 3 Điều 47; quy định cụ thể về niên hạn sử dụng xe cơ giới theo nguyên tắc tính về thời gian sử dụng hoặc đến số lượng km nhất định (Điều 37);

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp. Đối với ý kiến về luật hóa nội dung đấu giá biển số xe ô tô, đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội để các vị đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

Minh Hùng