NGHIÊN CỨU, THẨM TRA VỀ VIỆC RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI 1 LẦN

20/09/2023

Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng 20/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, cơ quan thẩm tra dự án Luật tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, thẩm tra về việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần…

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN (LẦN 2) VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

THIẾT KẾ CHÍNH SÁCH LINH HOẠT VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG THUỘC DIỆN MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

Toàn cảnh Phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Sáng 20/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Tại Phiên họp thứ 25 (ngày 17/8/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trên cơ sở Tờ trình số 361/TTr-CP ngày 31/7/2023 của Chính phủ (Tờ trình số 361), Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 1888/BC-UBXH15 ngày 13/8/2023 của Thường trực Ủy ban Xã hội (Báo cáo số 1888) và giao Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra, Chính phủ báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Ngay sau phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã tiếp tục tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, chuyên gia về dự án Luật.

Trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật, Chính phủ đã có Báo cáo số 442/BC-CP ngày 11/9/2023 (Báo cáo số 442) báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đối với dự án Luật.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp.

Ngày 14/9/2023, Ủy ban Xã hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10 để thẩm tra dự án Luật này trên cơ sở Tờ trình số 361 và Báo cáo số 442. Đến 17h ngày 19/9/2023, Ủy ban nhận được Tờ trình số 457/TTr-CP của Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (Tờ trình số 457), kèm theo dự thảo Luật. Nội dung của Tờ trình số 457 về cơ bản là nội dung của Báo cáo số 442 (06 nhóm nội dung đã tiếp thu và 15 nhóm nội dung giải trình). Thường trực Ủy ban Xã hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số ý kiến về việc hoàn thiện, tiếp thu, giải trình các ý kiến đối với dự án Luật này.

Thường trực Ủy ban Xã hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã có Báo cáo số 442 tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đối với dự án Luật. Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian gần một tháng từ khi có Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực sự chủ động thực hiện việc tiếp thu các ý kiến của Cơ quan chủ trì thẩm tra tại Báo cáo số 1888, đặc biệt việc tiếp tục lấy ý kiến, bổ sung Báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, bổ sung các nội dung đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành… Do đó, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có Hồ sơ dự án Luật hoàn thiện theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp lần thứ 25.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Ủy ban Xã hội còn băn khoăn về việc còn nhiều nội dung góp ý đối với dự án Luật chưa được Chính phủ làm rõ hoặc có những nội dung đã được giải trình nhưng chưa thuyết phục. Ban soạn thảo chưa cung cấp bổ sung thông tin, dữ liệu làm rõ căn cứ khoa học, thực tiễn, chưa so sánh đầy đủ lợi ích, chi phí để xác định giải pháp phù hợp hoặc tối ưu để định hướng quy định, sửa đổi, bổ sung và tăng tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận đối với các chính sách, quy định cụ thể được sửa đổi.

Có ý kiến trong Ủy ban Xã hội cho rằng, để trình Quốc hội cho ý kiến thì với việc chỉ bổ sung Báo cáo số 442 cũng như Tờ trình số 457 của Chính phủ là chưa tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tính minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khó theo dõi, xem xét cho ý kiến tại Phiên họp này. Ví dụ, khi Ủy ban Xã hội thẩm tra tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 thì trên cơ sở Tờ trình số 361 và Báo cáo số 442, dẫn điều thì theo dự thảo Luật đã trình Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tờ trình số 457 cũng dẫn chiếu theo dự thảo Luật Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khác so với dự thảo Luật kèm theo Tờ trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Luật Bảo hiểm xã hội là một luật rất quan trọng, có đối tượng chịu sự tác động rất lớn và lâu dài, có tính chất xương sống, cốt lõi và bảo đảm để bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều quy định được sửa đổi trong dự thảo Luật chưa có căn cứ thuyết phục, cần phải tiếp tục đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, lấy ý kiến rộng rãi các chủ thể áp dụng, đối tượng chịu sự tác động để bảo đảm sự đồng thuận, tính khả thi.

Ngoài những vấn đề Chính phủ tiếp thu, giải trình tại Báo cáo số 442 và Tờ trình số 457, còn nhiều nội dung và ý kiến tại Báo cáo số 1888, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được Chính phủ giải trình, làm rõ. Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đã rà soát và tiếp tục đề cập tại Báo cáo thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp này và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc hoàn thiện Hồ sơ trên cơ sở tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Ủy ban ban Thường vụ Quốc hội, của Cơ quan chủ trì thẩm tra, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Văn phòng Quốc hội các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết và thể hiện tinh thần cầu thị, phối hợp chặt chẽ giữa các bên với tinh thần “từ sớm, từ xa”, đồng thời, cũng nhằm bảo đảm Hồ sơ dự án Luật khi trình Quốc hội được đầy đủ, chặt chẽ hơn, bảo đảm chất lượng, tạo được sự đồng thuận cao. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nỗ lực, quyết tâm cao, nghiên cứu thấu đáo, tiếp thu nghiêm túc, giải trình thuyết phục đối với các ý kiến góp ý, cũng như có kế hoạch chi tiết đối với việc tiếp thu và quá trình phối hợp sau này.

Tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau phiên họp Thường vụ cho ý kiến báo cáo thẩm tra sơ bộ, Bộ cũng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ định hướng, những ý kiến ban đầu của Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến các đồng chí Chủ tịch Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ giao cho Ban soạn thảo lắng nghe, tiếp thu. Trên cơ sở đó hoàn thiện một bước nữa để báo cáo Ủy ban Xã hội để thẩm tra chính thức và báo cáo với Thường vụ tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Trước hết, về tổng thể chung trong phiên họp Thường vụ lần trước cho ý kiến thì Chính phủ đã tiếp thu căn bản, đặc biệt là 6 nhóm vấn đề, 13 nội dung đã được tiếp thu, trước đó đã báo cáo sơ bộ với Ủy ban Xã hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ngày 19/9, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng ký tiếp thu các nội dung đó, kèm theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Hiện chỉ còn một nội dung là các phương án cho rút bảo hiểm 1 lần. Đây là vấn đề rất hệ trọng, nếu chúng ta công bố sớm các phương án ra có thể tạo hiệu ứng nhất định với xã hội. Đặc biệt, nếu như số đang được hưởng quyền lợi theo Nghị quyết 93, nếu thời điểm này chúng ta tung ra về phương án sẽ tạo phản ứng nhất định về vấn đề này. Mặt khác, theo nguyên tắc làm việc của Chính phủ khi thay đổi những chính sách lớn thì phải báo cáo với Chính phủ để xin ý kiến. Do đó, những vấn đề này, trước mắt Thủ tướng và các đồng chí cũng cho ý kiến đề xuất với Thường vụ, lắng nghe thêm ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội định hướng.

Tại Phiên họp, liên quan đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội 1 lần, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này. Trong dự án Luật có đưa ra rút thời gian đóng và hưởng bảo hiểm xã hội từ 20 xuống 15 năm và tới đây theo nghị quyết Trung ương hướng tới lộ trình là 10 năm. Người dân, người lao động có quyền rút hay không rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Chúng ta xử lý ở đây tức là vẫn đảm bảo quyền này. Phương án có nhiều nhưng trên cơ sở ý kiến, hồ sơ hoàn thiện của Chính phủ, Ủy ban Xã hội và các cơ quan tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, thẩm tra để tạo được sự đồng thuận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm tại Phiên họp.

Đề cập về trợ cấp hưu trí xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành bảo hiểm xã hội đa tầng là theo nghị quyết Trung ương. Do đó sẽ phải điều chỉnh lại Luật Người cao tuổi. Chính phủ và cơ quan thẩm tra dự án Luật nghiên cứu thêm có đặt vấn đề sửa đổi một khoản hay điều nào của Luật Người cao tuổi trong dự án luật này để tương thích giữa hai luật.

Riêng nội dung liên quan đến trợ cấp cho người cao tuổi sẽ thành ra một cấu phần trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, gọi là Quỹ trợ cấp hưu trí xã hội. Đây là bảo hiểm nhưng từ thuế chứ không phải là nguyên tắc đóng hưởng. Vấn đề này thế giới đã thực hiện và chúng ta đã học tập, nghị quyết Trung ương đã báo cáo, chứ không thể quay lại tư duy là của trợ cấp người cao tuổi. Chúng ta muốn hình thành mạng lưới xã hội bảo hiểm bao trùm, Ủy ban Xã hội và các đơn vị liên quan lưu ý về việc này. Đây là vấn đề liên quan đến quán triệt nghị quyết của Trung ương về hệ thống pháp luật nên phải có điều chỉnh. Luật Người cao tuổi vẫn tồn tại và quy định rất nhiều nội dung khác cho người cao tuổi, chứ không phải chỉ có mỗi vấn đề này. Riêng nội dung điều chỉnh về vấn đề trợ cấp, tuổi được hưởng bao nhiêu, mức thế nào, các cơ quan nghiên cứu thêm là có hay không có một điều khoản sửa nội dung trong Luật Người cao tuổi.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Như tinh thần của cuộc họp lần trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý là luật này sẽ báo cáo lần thứ hai để Thường vụ nghe và cho ý kiến. Qua Tờ trình của Chính phủ và qua Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, ý kiến của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị sẽ không có thông báo kết luận mà đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban Xã hội tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.

Về phía Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện luật cũng như là các văn bản để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Ủy ban Xã hội tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 như tinh thần Chủ tịch Quốc hội đề cập đây là luật khó, còn thảo luận nhiều lần. Do đó, Chính phủ phải có một bước hoàn chỉnh trình Quốc hội, phía Ủy ban Xã hội cũng sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ trì tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội nghị lấy ý kiến rộng rãi dự án luật này, nắm bắt dư luận xã hội, đảm bảo trình Quốc hội dự án luật có chất lượng. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thẩm tra.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên thảo luận.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp.

Đại diện các cơ quan của Chính phủ, ban ngành tham dự Phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm tại Phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp./.

Bích Lan - Nghĩa Đức