DƯ ĐỊA CỦA CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, NỀN TẢNG ĐỂ THÚC ĐẨY NỘI LỰC NỀN KINH TẾ

19/09/2023

Đóng góp ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023, các chuyên gia đánh giá, các chính sách tài khoá hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua ở mức lớn chưa từng có, chiếm khoảng 8,3% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế. Dư địa của chính sách này sẽ là một trong nền tảng để thúc đẩy nội lực nền kinh tế.

PGS.TS. VŨ SỸ CƯỜNG: CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA CẦN LINH HOẠT TRONG NGẮN HẠN, TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC TRONG DÀI HẠN

TS. LÊ ĐĂNG DOANH: THÔNG TIN TẠI DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI 2023 GÓP PHẦN QUAN TRỌNG TRONG VIỆC HOẠCH ĐỊNH, BAN HÀNH CHÍNH SÁCH

Chính sách hỗ trợ của Việt Nam cao hơn nhiều các nước cùng quy mô kinh tế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Chia sẻ tại diễn dàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tổng số gói hỗ trợ tài chính tiền tệ theo tính toán lên đến 8,3% tổng GDP của Việt Nam năm 2022, cao hơn mức bình quân của thế giới. Theo Chủ tịch Quốc hội, trên thế giới, các nước có thu nhập như chúng ta hỗ trợ khoảng 4% GDP thì chúng ta bỏ ra 8,3% GDP. Ngoài ra, năm nay, chúng ta thực hiện cải cách tiền lương, tăng cường đầu tư cho hạ tầng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022… Những quyết sách này là động lực rất quan trọng cho kinh tế phục hồi, phát triển sau đại dịch và là tiền đề dài hạn cho giai đoạn tới.

Phân tích cụ thể hơn về các chính sách tài khoá linh hoạt và thực sự có trọng tâm, trọng điểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, thời gian qua trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 và những biến động kinh tế, tài chính của thế giới và khu vực, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, chúng ta đã thực hiện được nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, nới lỏng, có trọng tâm, trọng điểm...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng

Cụ thể, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua ở mức lớn chưa từng có, chiếm khoảng 8,3% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế. Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng. Chúng ta đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách. Riêng từ năm 2021 đến nay, tổng số miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí… lên đến 530.000 tỷ đồng. Năm 2023, tổng số thuế, phí được miễn, giãn, giảm ước khoảng 200.000 tỷ đồng, đến nay, đã thực hiện trên 130.000 tỷ đồng.

Cùng với việc miễn, giảm thuế phí, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện nhiều giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như triển khai hóa đơn điện tử, các biện pháp cải cách thủ tục trong lĩnh vực thuế, hải quan. Chẳng hạn như trong hoàn thuế, hiện các thủ tục thực hiện qua hệ thống điện tử chiếm khoảng 90%. 80% hồ sơ hoàn thuế đang được hoàn trước kiểm sau, thực hiện thủ tục trong vòng 6 ngày kể từ khi nhận được đủ hồ sơ của doanh nghiệp

Trong lĩnh vực chi, nhiều biện pháp tăng chi, kích cầu được triển khai. Như trong năm 2023, chúng ta đã thực hiện cải cách tiền lương, tăng trợ cấp người có công và các chế độ an sinh xã hội khác đến gần 80.000 tỷ đồng. Ngoài ra, thời gian tới sẽ có 65.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 được bổ sung cho các hoạt động đầu tư.

Ngoài lĩnh vực ngân sách, thời gian qua Bộ Tài chính cũng thực hiện nhiều biện pháp cải cách thể chế đối với các thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08 sửa Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thực hiện các biện pháp củng cố niềm tin thị trường, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp phát hành và các nhà đầu tư thỏa thuận các giải pháp giãn nợ, thay đổi hình thức thanh toán phù hợp.

Tháng 7 vừa qua, hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ đã được đưa vào hoạt động. Đến nay, đã có khoảng 1.600 mã trái phiếu riêng lẻ được giao dịch trên kênh này, giá trị giao dịch mỗi phiên ước khoảng vài nghìn tỷ đồng, tạo thêm thanh khoản cho thị trường, tăng tính công khai, minh bạch.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện tài chính

Chính sách tài khóa góp phần giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Bàn về chính sách tài khóa ở góc độ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, PGS.TS Vũ Sỹ Cường đánh giá chính sách tài khóa giai đoạn 2021-2023 của Việt Nam qua một loạt nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giai đoạn này được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp lý của Chính phủ, đã góp phần giúp Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, trước hết, các gói hỗ trợ giảm thuế, nhất là giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã có tác dụng tốt với việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam giai đoạn 2021-2023, trung bình vẫn ở mức 4% trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao.

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ tài khóa đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, góp phần vào tăng trưởng năm 2022 ước đạt hơn 8%.

Một vấn đề quan trọng nữa là nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh vẫn ở mức bền vững, ổn định quanh khoảng 36% GDP trong năm 2023 trước khi giảm xuống khoảng 34,4% vào năm 2025. Nợ Chính phủ và được nợ Chính phủ bảo lãnh giảm liên tục từ năm 2016 là thời điểm nợ ở mức 47,5%, đồng thời thấp hơn nhiều so với ngưỡng 60% được Quốc hội đề ra và vẫn ở mức bền vững, qua đó cho thấy dư địa tài khóa còn dồi dào để thực hiện chính sách tài khóa ứng phó với biến động chu kỳ.

Tuy nhiên, phân tích chính sách tài khóa năm 2021-2023 và giai đoạn gần đây, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết cả trong ngắn và dài hạn. Cụ thể là, trong khi chính sách miễn giảm thuế có tác dụng rõ rệt thì các chính sách khác còn khá mờ nhạt, như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất hay chương trình mua máy tính cho học sinh. Gói hỗ trợ nhà ở mặc dù được coi là rất có ý nghĩa về mặt xã hội nhưng triển khai trên thực tế chưa được như kỳ vọng. Gói hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội gần như chưa giải ngân được.

Về chi đầu tư, mặc dù đầu tư giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khóa song tiến độ giải ngân rất chậm. Nhiều khoản chi đầu tư từ chương trình phục hồi kinh tế xã hội vẫn chưa thể giải ngân. Mặc dù UBTVQH đã có nhiều giải pháp như ban hành nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương cho các bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, tình trạng “no dồn, đói góp” của chi đầu tư ít thay đổi. Điều này sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2023-2025.

Ngoài ra, cần phải có những điều chỉnh với Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành, trước những biến động của bối cảnh mới.

Hải Yến