KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TẠI NHÀ HÁT CẢI LƯƠNG VIỆT NAM

14/09/2023

Chiều ngày 14/9, tiếp tục hoạt động khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa thể thao tại thành phố Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Nhà hát Cải lương Việt Nam.

KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TẠI BẢO TÀNG DÂN TỘC HỌC VIỆT NAM

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn khảo sát tại buổi làm việc, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Triệu Trung Kiên cho biết, Nhà hát Cải lương Việt Nam là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, có tiền thân là Liên đoàn Ca kịch Kháng chiến Liên khu IV, được thành lập vào ngày 17/4/1951 tại vùng kháng chiến tỉnh Thanh Hóa, với vị thế là ngọn cờ đầu của ngành sân khấu Cải lương Việt Nam.

Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, các thế hệ lãnh đạo, nghệ sỹ, nhân viên kỹ thuật Nhà hát đã đóng góp cho nền sân khấu Việt Nam hàng trăm tác phẩm sân khấu chất lượng cao, phong phú về đề tài, bám sát hiện thực cuộc sống. Hòa trộn nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc và hiện đại, khẳng định một phong cách chuẩn mực, kinh viện của sân khấu Cải lương Bắc, vốn được hình thành chỉ sau khoảng 10 năm khi nghệ thuật Cải lương xuất hiện tại Nam Bộ.

Hàng năm Nhà hát đã tiến hành hàng trăm buổi biểu diễn, phục vụ hàng vạn lượt khán giả trong nước và quốc tế. Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng là cái nôi sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ sỹ, nhạc công có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp văn hóa, văn nghệ. Tiêu biểu phải kể đến các nghệ sỹ: NSND Ái Liên, NSƯT Sỹ Hùng, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Tiêu Lang, NSƯT Lê Thọ, NSƯT Trần Mão, NSƯT Thúy Ngần, NSƯT Khôi Nguyên, NSƯT Bạch Diện, NSƯT Linh Dược, NSƯT Vinh Dụ…

Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Triệu Trung Kiên

Từ hơn chục năm trở lại đây, với mô hình hoạt động gồm 02 đoàn biểu diễn hoạt động độc lập: Đoàn Cải lương Thể nghiệm (tìm tòi, thử nghiệm, đổi mới nhằm phát huy những giá trị truyền thống) và Đoàn Cải lương Truyền thống (Bảo tồn những giá trị truyền thống), Nhà hát Cải lương Việt Nam luôn luôn tiên phong trong các thử nghiệm nghệ thuật, tiếp thu tinh hoa của sân khấu Thế giới đương đại, để tìm kiếm xu hướng phát triển mới, đồng thời thu hút các tầng lớp khán giả mới tạo nguồn lực nuôi dưỡng sân khấu Cải lương trong tương lai. Nhà hát Cải lương Việt Nam còn tiên phong trong việc quy tụ nghệ sỹ Cải lương hai miền Nam – Bắc để xây dựng những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật cao. Điển hình là các vở diễn “Thầy Ba Đợi” kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của sân khấu Cải lương Việt Nam; Vở “Chuyện tình Khau Vai” và 04 phần của sử thi nghệ thuật “Nước non vạn dặm” kể về cuộc đời, sự nghiệp và công lao to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục được dàn dựng trong thời gian tới.

Với những thành tích đạt được, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Triệu Trung Kiên cho biết, Nhà hát đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Chính phủ…

Tuy nhiên, thời gian qua, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Cụ thể, Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn chưa có rạp đạt tiêu chuẩn để biểu diễn. Hiện nay, hoạt động biểu diễn nghệ thuật của đơn vị chủ yếu chỉ tập trung theo tính chất “mùa, vụ” vào những sinh hoạt văn hoá lớn như Tết nguyên đán, các dịp lễ hội, những ngày lễ kỷ niệm các sự kiện lớn, phục vụ chính trị, ngoại giao trong nước và quốc tế... theo hình thức lưu động về các địa phương, vùng sâu, vùng xa, bộ đội biên giới, vùng dân tộc thiểu số ...

Bên cạnh đó, vài năm gần đây, Nhà hát Cải lương Việt Nam luôn rơi vào tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, dẫn đến sự hạn chế chi tiêu đối với tác phẩm nghệ thuật, ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật cũng như định hướng phát triển của đơn vị. Cùng với đó, chưa có chế độ chính sách đủ sức thu hút người tài, khó giữ được họ ở lại, cống hiến cho nghệ thuật truyền thống của nước nhà…

Trong thời gian tới, Nhà hát Cải lương Việt Nam mong muốn Nhà nước có chính sách để xây dựng môi trường đời sống xã hội mà trong đó các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống luôn được giới thiêu, quảng bá, tôn vinh giúp cho các thế hệ trẻ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn các giá trị truyền thống, tiến tới hiểu, gắn bó và có trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, đề nghị đưa các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống vào giảng dậy trong nhà trường theo các giáo trình hợp lý.

Bên cạnh đó, đề nghị xây dựng và đầu tư thích đáng cho mô hình các Nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp các loại hình theo vùng miền, khu vực để có được lực lượng nghệ sỹ biểu diễn chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó là việc đầu tư thích đáng để xây dựng các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, đảm bảo tiêu chí tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút khán giả trong và ngoài nước, tham gia có hiệu quả vào nền công nghiệp văn hóa Việt Nam…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục  Phan Viết Lượng - Đoàn khảo sát phát biểu

Qua nghe các ý kiến, Đoàn khảo sát cho rằng, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do xu thế hội nhập và cơ chế thị trường, nhưng những kết quả đạt được của Nhà hát Cải lương Việt Nam thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Dù các sản phẩm giá trị vật chất thu về không nhiều, nhưng lan tỏa giá trị tinh thần là rất lớn.

Trong thời gian tới, Đoàn khảo sát đề nghị Nhà hát Cải lương Việt Nam tiếp tục bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tiếp tục hoạt động, xây dựng và công diễn những tác phẩm chất lượng đến đông đảo công chúng; vừa triển khai xây dựng các sản phẩm mang tính truyền thống vừa thử nghiệm, kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác để đáp ứng nhu cầu của công chúng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong giai đoạn mới.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

 Tiếp tục hoạt động khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa thể thao tại thành phố Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Nhà hát Cải lương Việt Nam

Báo cáo với Đoàn khảo sát tại buổi làm việc, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Triệu Trung Kiên cho biết, Nhà hát Cải lương Việt Nam luôn luôn tiên phong trong các thử nghiệm nghệ thuật, tiếp thu tinh hoa của sân khấu Thế giới đương đại, để tìm kiếm xu hướng phát triển mới

Tuy nhiên, thời gian qua, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động...

Qua nghe các ý kiến, Đoàn khảo sát cho rằng, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do xu thế hội nhập và cơ chế thị trường, nhưng những kết quả đạt được của Nhà hát Cải lương Việt Nam thời gian qua là rất đáng ghi nhận

Trong thời gian tới, Đoàn khảo sát đề nghị Nhà hát Cải lương Việt Nam tiếp tục bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tiếp tục hoạt động, xây dựng và công diễn những tác phẩm chất lượng đến đông đảo công chúng

Đồng thời, triển khai xây dựng các sản phẩm mang tính truyền thống và  thử nghiệm, kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác để đáp ứng nhu cầu của công chúng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong giai đoạn mới

 

Thu Phương