Thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát, chiếm đoạt bất hợp pháp được coi là biện pháp góp phần giảm thiểu tác hại của hành vi tham nhũng, triệt tiêu động cơ của tội phạm tham nhũng qua đó góp phần tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và liêm chính của các chính phủ. Chế định thu hồi tài sản đã được thể chế hóa trong một số văn kiện quốc tế trong đó sâu, rộng và toàn diện nhất là Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Trên cơ sở quy định của Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng, nhiều quốc gia đã có cách tiếp cận khác nhau hoặc áp dụng trực tiếp hoặc nội luật hóa và tiến hành nhiều biện pháp để thu hồi tài sản. Một trong những biện pháp đó là thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội.
Thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là quy trình đặc biệt của cơ quan nhà nước, không xét xử bị cáo hay hành vi phạm tội mà tập trung vào xử lý tài sản được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến tội phạm với mục đích thu hồi về cho ngân sách nhà nước hoặc trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp.
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật KTXH – Viện Nghiên cứu lập pháp Đặng Minh Đạo
Nghiên cứu về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật KTXH – Viện Nghiên cứu lập pháp Đặng Minh Đạo cho biết, kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy cơ chế tịch thu tài sản không qua kết tội chỉ bảo đảm hiệu quả khi có các thiết chế thực thi rõ ràng, cụ thể và phải đồng bộ với các cơ chế, thiết chế khác như kiểm soát tài sản, thu nhập; kiểm soát giao dịch; hệ thống thanh toán; phòng, chống rửa tiền,…
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật KTXH – Viện Nghiên cứu lập pháp Đặng Minh Đạo cơ chế này chỉ được áp dụng: Với tính chất là một biện pháp bổ sung khi việc tịch thu tài sản bằng biện pháp hình sự không đem lại kết quả (do nhiều lý do như có sự can thiệp bất hợp pháp; bị cáo chết, bỏ trốn hoặc không xác định được người phạm tội; bị cáo được tuyên trắng án; tài sản đã bị tẩu tán hết; xác định được tội phạm nhưng không thể dẫn độ tội phạm về nước do yêu cầu về tương trợ tư pháp không được nước bạn đáp ứng; tài sản không chứng minh được nguồn gốc;...) hoặc chi phí phục vụ điều tra, truy tìm dấu vết tài sản, kết án và tịch thu ước tính lớn hơn giá trị tài sản được tịch thu;...
Ngoài ra, cơ chế này chỉ áp dụng đối với một số đối tượng có khả năng sở hữu tài sản bất minh trong các trường hợp cụ thể; áp dụng khi có các cơ chế giải quyết khiếu nại và bồi thường cho những cá nhân, tổ chức ngay tình có liên quan hoặc không liên quan nhưng chứng minh được quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm bởi quyết định tịch thu tài sản không dựa trên kết án hoặc tài sản bị phong toả, tạm giữ sau đó được tuyên không phải tài sản liên quan đến tội phạm.
Thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là cách tiếp cận mới trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án về kinh tế, tham nhũng. Biện pháp này đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Đây là giải pháp phát sinh từ yêu cầu thực tiễn khi những biện pháp thu hồi tài sản theo cách thức truyền thống không giải quyết được các vấn đề bất cập của thực tiễn do gặp khó khăn trong xác minh, thu thập chứng cứ và chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội. Thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là quy trình đặc biệt của cơ quan nhà nước, không xét xử bị cáo hay hành vi phạm tội mà tập trung vào xử lý tài sản được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến tội phạm, với mục đích thu hồi về cho ngân sách nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản.
Phân tích về ưu điểm của các biện pháp tịch thu tài sản không qua kết tội, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật KTXH – Viện Nghiên cứu lập pháp Đặng Minh Đạo cho biết, là yêu cầu tiêu chuẩn về chứng cứ tại các phiên toà dân sự thấp hơn so với các phiên toà hình sự, qua đó tạo thuận lợi cho việc thu hồi tài sản. Nói cách khác, biện pháp thu hồi không thông qua thủ tục kết tội giúp khắc phục được một trong những khó khăn lớn nhất là việc phải chứng minh tội phạm và nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản được cho là do phạm tội mà có.
Ngoài ra, ưu điểm của biện pháp này còn thể hiện ở chỗ, việc khởi kiện dân sự có thể được mở rộng tới các bên thứ ba, có thể là bất kỳ ai đã hỗ trợ cho bị đơn chính, các thành viên gia đình, đồng nghiệp thân thiết, các bên trung gian, các định chế tài chính, luật sư, kế toán.. và trong khởi kiện dân sự, các quan chức hoặc cựu quan chức và tài sản của họ không được hưởng quyền miễn trừ. Tuy nhiên, thực hiện cơ chế này cũng đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải quyết như phạm vi và mục tiêu của cơ chế này nhằm vào nhóm tội phạm nào, các trường hợp nào cần thiết sử dụng cơ chế, phương thức tịch thu ra sao…
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật KTXH – Viện Nghiên cứu lập pháp Đặng Minh Đạo nhấn mạnh, việc tiếp cận với trình tự thu hồi tài sản không qua kết tội như thế nào là phù hợp còn phụ thuộc vào truyền thống, chính sách pháp luật của từng quốc gia đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như Việt Nam. Nếu áp dụng có tính thí điểm ở Việt Nam thì cần tính đến vấn đề gì, công đoạn, cách thức nào để đạt mục tiêu của chính sách, bảo đảm phù hợp, khả thi trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay.
Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Nguyễn Hà Thanh - Ban Nội chính Trung ương
Bàn về nội dung này, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Nguyễn Hà Thanh - Ban Nội chính Trung ương chia sẻ, theo các tài liệu nghiên cứu, tổng số các quốc gia quy định chế định tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội là chưa được xác định. Tuy nhiên, theo một báo cáo thực hiện vào năm 2021 về thực thi Điều 54 (1)(c) của UNCAC, câu hỏi về những thách thức, thực tiễn tốt và bài học kinh nghiệm trong áp dụng tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội được gửi cho các quốc gia thành viên của UNCAC thì Nhóm công tác đã nhận được trả lời của 44 quốc gia. Trong đó, phần lớn các quốc gia này báo cáo họ có một hoặc nhiều hơn quy định cho phép tịch thu tài sản liên quan đến tội phạm mà không cần kết tội .
Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Nguyễn Hà Thanh cho biết, để có thể tịch thu tài sản một cách hiệu quả, cần phải có những bước đi mang tính đột phá, mà một trong những biện pháp được pháp luật của nhiều quốc gia ghi nhận gần đây là việc tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội. Tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội dựa trên quan điểm coi tịch thu tài sản là biện pháp để phục hồi, khắc phục hậu quả của hành vi tội phạm. Ưu điểm của hình thức này là vẫn có thể tiến hành tịch thu tài sản ngay cả khi người phạm tội không bị kết án. Quá trình tịch thu tài sản không dựa trên kết án đòi hỏi tòa án phải xem xét và chấp nhận các bằng chứng được cho là có ưu thế về mức độ tin cậy, có tính thuyết phục hơn về nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản khi chủ sở hữu không thể chứng minh nguồn gốc hợp pháp; tuy nhiên, yêu cầu tiêu chuẩn về chứng cứ tại các phiên toà dân sự thấp hơn so với tố tụng hình sự.
Phó Vụ ttưởng Vụ pháp luật Nguyễn Hà Thanh cũng lưu ý, tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội là một biện pháp hiệu quả trong nhiều bối cảnh, nhất là khi tịch thu hình sự là không thể hoặc không có, chẳng hạn như khi: Người phạm tội đã chết, bỏ trốn ra nước ngoài hoặc được hưởng quyền miễn trừ truy tố; Tài sản được tìm thấy còn người chủ sở hữu không xác định được; hoặc không có đủ chứng cứ để có thể buộc tội hình sự hoặc kết quả của quá trình tố tụng hình sự là trắng án (áp dụng ở những nền tài phán áp dụng tiêu chuẩn chứng cứ thấp hơn). Phương thức tịch thu này có thể là hữu hiệu đối với những vụ việc lớn và phức tạp khi điều tra hình sự đang tiến triển và cần phải phong toả và tịch thu tài sản trước khi có buộc tội hình sự chính thức./.