TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI VỀ ĐẤT ĐAI, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG PHỤC VỤ CHO PHÁT TRIỂN CÁC DỰ ÁN ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

02/08/2023

Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII và thực hiện các dự án điện, đầu tư phát triển điện lực quốc gia và năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng để phục vụ cho phát triển các dự án điện…

VIỆT NAM CẦN CÓ NHỮNG LỘ TRÌNH TRONG VIỆC GIẢM DẦN NĂNG LƯỢNG HÓA THẠCH

TĂNG CƯỜNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Quy hoạch điện VIII bảo đảm cơ cấu nguồn điện theo đúng chủ trương Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng. Sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước cho phát triển điện, kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Bám sát tiến bộ của khoa học, công nghệ, ưu tiên khai thác, sử dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, khả năng cạnh tranh các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch ở nước ta với giá thành sản xuất điện đang giảm nhanh, tạo đột phá trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và chuyển dịch năng lượng.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương).

Quy hoạch điện VIII chú trọng phát triển các loại hình năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro, amoniac...) là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp năng lượng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Quy hoạch điện VIII cũng đề cập tới phát triển thị trường điện cạnh tranh theo đúng lộ trình nhằm đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực trong đó có lưới điện truyền tải trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển các phân ngành điện lực; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành điện lực; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị ngành điện.

Việc giải phóng mặt bằng chưa xem xét đến tính đặc thù của các dự án năng lượng tái tạo

Thực hiện Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022 của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang cùng với các Bộ ngành, đơn vị liên quan tiến hành giám sát tại một số địa phương. Một trong những nhiệm vụ của Đoàn Giám sát là tiếp nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học đối với việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách luật pháp, khung pháp lý liên quan đến thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII và tạo điều kiện thực hiện các dự án điện, đầu tư phát triển điện lực quốc gia.

 Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Đóng góp vào nhiệm vụ trên, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nêu quan điểm: Qua thời gian thực hiện phát triển các dự án điện, giải phóng mặt bằng là vấn đề khó khăn nhất vì thủ tục chuyển đổi đất, cấp đất. Các bất cập chủ yếu hiện nay xung quanh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất liên quan đến nhiều quy định pháp luật. Trong đó có nhiều quy định không rõ ràng, còn chồng chéo. Giá đất chưa hợp lý và khó xác định do các quy định khác nhau và phức tạp, các nghĩa vụ liên quan của các bên về xác định giá đất còn chồng chéo, giá hỗ trợ đến bù chưa hợp lý nên nhiều công trình mặc dù xong thủ tục chuyển đổi và giao đất nhưng không thể giải phóng mặt bằng.

Luật Đất đai đang được Quốc hội xem xét bổ sung, sửa đổi, trong đó giá đất sẽ được xác định theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, giá đất mới được xác định trên cơ sở mục đích sử dụng hiện tại, chưa tính đến giá trị của đất sau khi chuyển đổi. Ví dụ như tại khu vực đất cằn cỗi, đồi cát… chưa sử dụng, giá thị trường rất thấp. Tuy nhiên, khi được chuyển sang phát triển các dự án năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) sẽ mang lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư và có đóng góp lớn cho ngân sách địa phương. Như vậy, giá trị của đất sẽ tăng cao khi chuyển mục đích sử dụng đất. Tương tự, người nông dân khi bị thu hồi đất nông nghiệp cho phát triển các dự án điện, giá thị trường tại thời điểm thu hồi sẽ rất thấp. Người nông dân được bồi thường theo giá thị trường, thoạt nhìn thì có vẻ công bằng. Nhưng nếu so với lợi ích mà dự án mang lại sau khi chuyển đổi, thì người dân vẫn thiệt thòi.

Việc giải phóng mặt bằng chưa xem xét đến tính đặc thù của các dự án năng lượng tái tạo. Đối với các dự án điện gió, chỉ sử dụng dài lâu dài đối với cột điện gió và một phần diện tích cần thiết để tập kết vật tư cho sửa chữa, bảo dưỡng. Đối với các dự án điện mặt trời, diện tích đất vẫn có thể canh tác các cây trồng phù hợp (đối với các dự án trên mặt đất) hoặc nuôi trồng thủy sản (đối với các dự án trên mặt nước). Như vậy, các dự án năng lượng tái tạo có thể kết hợp với sản xuất nông nghiệp.

Quy hoạch điện VIII có đề cập đến việc tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án điện, đầu tư phát triển điện lực quốc gia và năng lượng tái tạo (ảnh minh họa: Internet).

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Vy, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo như hiện nay đang gặp một số khó khăn bất cập như: Phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Việc này dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài, tăng chi phí của dự án. Tại hầu hết các dự án đều có vướng mắc giữa nhà đầu tư và người nông dân bị thu hồi đất do hiện nay đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng do các địa phương ban hành thấp hơn nhiều giá thị trường. Ngoài ra, người nông dân bị thu hồi đất, sau khi sử dụng hết số tiền được bồi thưởng sẽ không có đất để mưu sinh, sẽ bị bẩn cùng hóa, ảnh hưởng đến phát triển bền vững tại khu vực nông thôn; trái với chính sách “người cày có ruộng" của Đảng và Nhà nước.

Nhiều dự án điện, nhất là các dự án đường dây tải điện bị chậm tiến độ nhiều năm, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế (có thể lên đến nhiều nghìn tỷ đồng) và an ninh năng lượng, chỉ vì chậm trễ trong giải phóng mặt bằng tại một số hộ dân. Cần có giải pháp đặc thù để giải quyết trong trường hợp này.

Một số giải pháp trọng tâm để thực hiện các dự án điện, đầu tư phát triển điện lực quốc gia

Trước những khó khăn, bất cập nêu trên, ông Nguyễn Văn Vy đề xuất các giải pháp tháo gỡ để thực hiện các dự án điện, đầu tư phát triển điện lực quốc gia, năng lượng tái tạo. Theo đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và quy định về đất đai, đặc biệt quy định về loại đất, cách thức xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất. Trong đó giá thị trường của đất cần được đánh giá theo giá thị trường sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời, đề xuất cơ chế sử dụng đất thực hiện có thể theo các hình thức: Kết hợp phát triển các dự án năng lượng tái tạo với sản xuất nông nghiệp. Chủ đầu tư không phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo thuê đất của các hộ nông dân để thực hiện dự án, giá thuê đất được điều chỉnh theo thỏa thuận của 2 bên. Người nông dân vẫn thực hiện sản xuất nông nghiệp, nhưng không được làm ảnh hưởng đến vận hành của nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo.

Người nông dân góp đất với doanh nghiệp để thực hiện dự án theo hình thức công ty cổ phần. Phần vốn góp của người nông dân là giá trị sử dụng đất và được đánh giá theo giá thị trường sau khi chuyển đổi. Người nông dân cho doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án, giá thuê đất có thể thay đổi theo thời gian, theo cơ chế thị trường. Theo phương án này, người nông dân không mất quyền sử dụng đất, vẫn được sản xuất trên đất của mình, đời sống được đảm bảo lâu dài.

Ngoài ra, cần có quy định cho phép các trường hợp thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng. Nếu có nhu cầu thì được thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất./.

Bích Lan