CẦN CÓ GIẢI PHÁP CỤ THỂ ĐO LƯỜNG ĐƯỢC KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU VỀ GIỚI ĐÃ ĐỀ RA

29/07/2023

Thực hiện nhiệm vụ thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2022, Ủy ban Xã hội đề nghị cần nghiêm túc, chính xác hơn nữa về các số liệu trong báo cáo; đồng thời có các giải pháp cụ thể thực hiện các chỉ tiêu này.

7 NHIỆM VỤ ĐỂ THỰC HIỆN THÀNH CÔNG CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

Trên cơ sở thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2022, Ủy ban Xã hội nêu rõ, số liệu về tỷ số giới tính khi sinh chưa có sự thống nhất giữa nguồn số liệu của Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê. Căn cứ theo số liệu của năm 2022 thì chỉ tiêu này chưa thể đánh giá là đạt chỉ tiêu Chiến lược đến năm 2025. Chính phủ cần xác định lại số liệu chính xác để báo cáo.

Tính đến tháng 12/2022 các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 15/30 cơ quan đạt 50% và tăng 3,4% so với năm 2021. Tuy nhiên, các cơ quan thuộc Chính phủ có nữ lãnh đạo chủ chốt là nữ là 2/8, đạt 25% còn cách xa so với chỉ tiêu đề ra là 60%.

Về tỷ lệ Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (số liệu đầu nhiệm kỳ 2021 -2025) như sau: Cấp tỉnh 37,7%, cấp huyện 31,77%, cấp xã 24,94%. Ủy ban Xã hội thấy rằng, tuy tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ đã cao hơn so với nhiệm kỳ trước nhưng so với chỉ tiêu trong lĩnh vực chính trị đề ra đến năm 2025 thì chắc chắn không đạt được và sẽ rất khó để đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Để đạt được chỉ tiêu này đòi hỏi Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp cần có chiến lược, kế hoạch triển khai từ sớm; quan tâm công tác phát hiện, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nữ và thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ ở các cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, 100% cơ sở trợ giúp xã hội đã triển khai nhiệm vụ trợ giúp cho đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 20% cơ sở trợ giúp xã hội triển khai cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới với đầy đủ dịch vụ. Như vậy so với chỉ tiêu đề ra năm 2025 là 70%, Chính phủ cần nỗ lực rất nhiều và có những giải pháp cụ thể mới đạt được vào năm 2025.

Về chỉ tiêu thí điểm ít nhất một cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người đồng tính, song tính và chuyển giới chưa có địa phương nào triển khai và chỉ tiêu này không đạt chỉ tiêu đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030 vì chưa được triển khai thực hiện. Trong báo cáo của Chính phủ không nêu nguyên nhân, lý do chưa thực hiện được chỉ tiêu này; đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ và có lộ trình thực hiện cụ thể (Chỉ tiêu 4, Mục tiêu 4).

Về chỉ tiêu về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi, theo báo cáo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch  đưa nội dung giảng dạy về bình đẳng giới vào chương trình đào tạo giáo viên, như vậy mới đang trong giai đoạn đầu triển khai. Báo cáo chưa nêu tiến độ thực hiện nên chưa có cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu này vào năm 2025, đề nghị Chính phủ bổ sung.

Đánh giá chung một số kết quả đạt được, Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, năm 2022, mặc dù vừa trải qua diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19 và Chính phủ phải thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, nhưng qua giám sát, Ủy ban Xã hội nhận thấy, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể:

Tính đến hết năm 2022, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản, tài liệu hướng dẫn để thực hiện Chiến lược trong giai đoạn 2021 -2030. Chính phủ đã quan tâm, triển khai thực hiện 06 mục tiêu, 20 chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới được phê duyệt tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021, góp phần từng bước hiện thực hoá mục tiêu bình đẳng giới theo quy định tại Điều 4 của Luật Bình đẳng giới năm 2006.

So với năm 2021, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã có những tiến triển. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 tăng 04 bậc so với năm 2021 (từ vị trí thứ 87/146 quốc gia lên vị trí thứ 83/146 quốc gia) , trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Khoảng cách giới trong các lĩnh vực nhìn chung tiếp tục được rút ngắn và được quốc tế ghi nhận.

Lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới và phòng, ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.

Một số cơ quan đã trách nhiệm thực hiện thống kê số liệu ngành có phân tách giới trong lĩnh vực phụ trách, đặc biệt các số liệu có liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Xã hội chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác này. Cụ thể, một số bộ, ngành chưa nghiêm túc thực hiện báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật và mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Bộ Khoa học và Công nghệ không gửi báo cáo. Báo cáo của các bộ, ngành cơ bản đã theo đề cương yêu cầu, tuy nhiên vẫn còn thiếu một số nội dung.

Công tác thông tin tuyên truyền chưa thực sự chú trọng triển khai thường xuyên, hình thức tuyên truyền chưa có nhiều đổi mới, hiệu quả. Sự quan tâm và nhận thức của một số cán bộ, lãnh đạo còn hạn chế. Các bộ còn chưa thực hiện việc gửi hồ sơ các dự án luật, pháp lệnh đến Ủy ban Xã hội để thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo luật định.

Luật Bình đẳng giới đã tiến hành tổng kết 10 năm và đang tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Luật nhưng đến nay chưa rõ thời điểm trình hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bình đẳng giới (sửa đổi) trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Mặc dù dịch COVID-19 đã lắng xuống nhưng vẫn còn ảnh hưởng lâu dài tới quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tới phụ nữ và các đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt các tác động về thể chất, tinh thần, lao động, việc làm, làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược. Thời gian qua, tỷ lệ lao động nữ mất việc làm cao hơn, tỷ lệ lao động nữ rút bảo hiểm xã hội để giải quyết những khó khăn trước mắt cũng đang diễn ra sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài của họ.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn mỏng; công chức chuyên trách công tác bình đẳng giới cơ bản là phụ nữ (chiếm 71,6%); đội ngũ này thường xuyên luân chuyển, biến động hàng năm; kỹ năng, kiến thức về bình đẳng giới còn hạn chế.

Hồ Hương