Phóng viên: Tại Diễn đàn Người lao động năm 2023, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Diễn đàn mang tính chất như một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề đặc biệt giữa Lãnh đạo Quốc hội với người lao động. Bà có thể cho biết cảm xúc của mình khi tham dự cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt này?
Bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến rất sâu sắc mà Chủ tịch Quốc hội đã nêu ra. Diễn đàn được coi là một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt, bởi 500 đoàn viên công đoàn và người lao động chính là 500 cử tri. Đây chính là dịp để Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng trực tiếp của các cử tri là những người lao động. Điều này thể hiện sự thấu hiểu, chia sẻ và gần gũi hơn của Quốc hội đối với người lao động.
Và tôi chắc chắn rằng, ý kiến của người lao động sẽ được Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội tiếp thu để chỉ đạo trực tiếp trong quá trình sửa đổi, bổ sung các luật, các văn bản hướng dẫn thi hành hoặc ban hành các luật liên quan đến quyền lợi của người lao động, chăm lo và bảo vệ tốt hơn nữa lợi ích chính đáng của người lao động.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Người lao động năm 2023
Tôi cảm thấy rất vui mừng, vinh dự khi được tham dự Diễn đàn Người lao động năm 2023 tại Phòng họp Diên Hồng - nơi Quốc hội đưa ra những quyết sách về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức theo sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt khi được tổ chức đúng ngày kỉ niệm 94 năm ngày thành lập tổ chức công đoàn.
Việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan có dịp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động để ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật là hết sức cần thiết và có ý nghĩa.
Phóng viên: Một trong những vấn đề nóng, được nhiều đại biểu quan tâm tại Diễn đàn Người lao động năm 2023 là vấn đề rút bảo hiểm xã hội. Vậy cần có giải pháp nào để hạn chế tình trạng này, thưa bà?
Bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Có thể nói, thời gian gần đây, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của công nhân diễn ra với số lượng rất lớn. Bởi người lao động nhận thấy vấn đề cần đảm bảo cho cuộc sống trước mắt của họ. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến người lao động phản ánh, bảo hiểm xã hội đã giảm quyền lợi của người lao động như tăng số năm phải đóng bảo hiểm xã hội; hoặc khi người lao động nghỉ việc trước thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ bị trừ lùi với tỉ lệ gần như gấp đôi (trước đây quy định trừ 1% thì nay quy định trừ 2%)…
Tôi cho rằng, những lí do đó đã tạo ra sự thiếu niềm tin từ người lao động trong việc đảm bảo thực hiện các quyền lợi của người lao động cũng như đảm bảo chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Người lao động năm 2023
Đây cũng là những nội dung được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp thu, để thời gian tới khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội sẽ sửa theo hướng tăng quyền lợi cho người lao động, đảm bảo tính minh bạch, hoặc đề xuất lưới an sinh xã hội cho người lao động để họ có một khoản tiền chi trả cho những quyền lợi cấp bách và không phải nghĩ đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Tôi hy vọng, đây là một trong những giải pháp mà khi chúng ta sửa Luật Bảo hiểm xã hội thì sẽ được giải quyết thấu đáo, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Phóng viên: Theo bà, thiết chế công đoàn hiện nay đã đáp ứng được phần nào cho người lao động chưa?
Bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Có thể nói, hiện nay, chúng ta mới đang triển khai được 5 thiết chế, chiếm số lượng rất nhỏ trong số chỉ tiêu hơn 30 thiết chế sẽ được thực hiện. Chính vì thế, Quốc hội là cơ quan rất quan trọng chỉ đạo, thực hiện đối với việc thay đổi các quy định của pháp luật, ban hành những nghị quyết đặc thù hoặc sửa đổi các văn bản hướng dẫn thi hành luật để làm sao tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật khác nhau. Đồng thời có thể triển khai việc xây dựng các thiết chế của công đoàn cũng như vấn đề nhà ở cho công nhân mà Chính phủ đang triển khai thực hiện.
Phóng viên: Thông qua Diễn đàn, bà muốn gửi gắm thông điệp gì của công nhân và người lao động?
Bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Vấn đề nhà ở cho công nhân và người lao động cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Thông qua Diễn đàn, cũng như tất cả các công nhân, chúng tôi là những người nói lên tiếng nói của công nhân, ước mong công nhân và người lao động đều có nhà để ở, con em đều có nơi để đi học và được sinh sống làm sao đảm bảo cuộc sống tối thiểu và cuộc sống công bằng. Việc ổn định nơi ở, đảm bảo điều kiện sinh hoạt sẽ giúp họ yên tâm làm việc, cống hiến và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn./.