ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN: ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐÓNG GÓP NHIỀU Ý KIẾN CHẤT LƯỢNG GÓP PHẦN HOÀN THIỆN CÁC DỰ THẢO LUẬT

24/06/2023

Sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã bế mạc chiều 24/6. Quốc hội đã thông qua 8 luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật; giám sát tối cao; cho ý kiến về những vấn đề quan trọng. Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, số lượng đại biểu đăng ký phát biểu và chất vấn tăng lên, các ý kiến đóng góp ngày càng có chất lượng...

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/6: QUỐC HỘI BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Phóng viên: Tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều đại biểu nhận định kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại biểu có thể chia sẻ thêm về vấn đề này và gợi mở mộ số giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh: Tôi rất vui mừng về những nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 được sắp xếp và hoàn thành tốt đẹp. Quốc hội đã thông qua 8 dự án luật và nhiều nghị quyết quan trọng, từ đó góp phần hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường ngày càng đồng bộ hơn.

Qua theo dõi các kỳ họp, có thể thấy tại các phiên thảo luận trên nghị trường, nhất là trong các phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút rất nhiều, số lượng đại biểu bấm tham gia cho ý kiến luật, tham gia chất vấn đạt kỷ lục. Số lượng có sự thay đổi và kéo theo đó có sự chuyển hóa chất lượng, hoàn thiện luật pháp. Những nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội luôn được đại biểu quan tâm, không chỉ phản ánh thực tế, mà đại biểu Quốc hội hiến kế, đưa ra kiến nghị về tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Từ cuối năm 2022, tình hình kinh tế thế giới đã có những tác động rất lớn đến những nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, nên kinh tế nước ta bắt đầu tăng trưởng chậm lại; bước sang quý I/2023, tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng. Mặc dù, Chính phủ đã quyết tâm và hành động rất quyết liệt nhưng để đạt được sự mong đợi kế hoạch kinh tế xã hội năm 2023, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa, trong đó tập trung cho 3 động lực tăng trưởng lớn để thúc đẩy tăng trưởng. Đó là đầu tư, nhất là đầu tư công; hỗ trợ cho tiêu dùng và tăng cường xuất khẩu.

Đối với động lực tăng trưởng là đầu tư, các đại biểu Quốc hội đã rất quan tâm đến danh mục đầu tư bổ sung và quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công năm nay.

Số tiền dự toán cho giải ngân đầu tư công năm 2023 lên tới trên 700.000 tỷ đồng, chưa kể khoản đầu tư từ gói hỗ trợ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Các đại biểu cũng quan tâm nhiều đến các gói an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đến sự hỗ trợ cho người lao động đang bị cắt giảm giờ làm trong khi đơn hàng bị cắt giảm do thị trường xuất khẩu thế giới suy giảm.

Ngoài ra, trong các phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều đến việc giảm thuế; cần tiếp tục giảm thuế, phí nhiều hơn, góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp và hỗ trợ tăng tổng cầu trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cũng như tiêu thụ hàng hóa.

Phóng viên: Trong công tác lập pháp, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và Nhân dân cả nước là Quốc hội tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đại biểu, các nội dung nào là trọng tâm, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh: Tôi cho rằng, Luật Đất đai là luật rất quan trọng (chỉ sau Hiến pháp). Vì vậy, sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, Quốc hội đã thống nhất đưa vào chương trình xây dựng luật và ban hành Luật Đất đai năm 2013.

Sau 10 năm áp dụng đã có những bước tiến nhất định, góp phần giảm tranh chấp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề đất đai hiện nay vẫn là vấn đề nóng, được rất nhiều đại biểu Quốc hội và Nhân dân quan tâm. Theo đó, qua lấy ý kiến nhân dân, đã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai.

Có 3 nội dung lớn được đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là công tác thu hồi, hỗ trợ tái định cư; cần phải có quy định chi tiết những trường hợp nào thu hồi đất. Tôi cho rằng, cho dù bồi thường ở mức cao sẽ không thể thay thế được sự an cư của người dân khi bị thu hồi đất. Vì vậy, cần hạn chế tối đa các trường hợp thu hồi đất; nếu thu hồi đất cần có kế hoạch truyền thông thật tốt, có sự tham gia của các tổ chức dân cử để giám sát ngay từ đầu. Vì vậy, dự thảo Luật Đất đai dành 14 Điều (Chương XV) quy định chi tiết về công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, trong đó quy định cả giám sát của công dân hoặc thông qua các tổ chức đại diện cho công dân là Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội. Do đó, tôi cho rằng, cần giám sát ngay từ khi có chủ trương, bởi nếu giám sát hoạt động đã triển khai thì phải giải quyết hậu quả.

Bên cạnh quy định về thu hồi đất, quy định về tính giá đất, phương pháp định giá đất một cách hợp lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của của người dân đang được tiếp tục được nghiên cứu, xem xét hoàn thiện. Nhưng trên hết, tôi cho rằng, công tác tuyên truyền, cùng nhau thống nhất sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, đặc biệt là quản lý, sử dụng hiệu quả đất công, tránh lãng phí, rất dễ dẫn đến bức xúc, trong khi đó chúng ta đang rất cần nguồn lực tài chính để đầu tư các dự án về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, các dự án giao thông, y tế, giáo dục, chống ngập…

Về vấn đề thuế liên quan đến đất đai, chúng ta cần lưu ý giải quyết tình trạng các dự án treo trong thời gian dài, dẫn tới sự lãng phí về đất đai, ảnh hưởng đến môi trường. Vậy nên, cần dùng công cụ thuế và thu hồi đất đối với những dự án công không triển khai.

Phóng viên: Thưa ông, hoạt động chất vấn và trả lời chất tiếp tục có nhiều cải tiến, chất vấn ngắn gọn, trả lời đi thẳng vấn đề, đại biểu đánh giá như thế nào về một trong những hình thức giám sát tối cao này tại Kỳ họp thứ 5?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh: Tôi cho rằng, hoạt động chất vấn và trả lời được cải tiến, trong đó lựa chọn chất vấn những lĩnh vực được cử tri rất quan tâm. Tôi mong rằng, có thể tăng thêm phần chất vấn các cơ quan trực tiếp thực thi chính sách, không chỉ có Bộ trưởng, trưởng ngành. Tôi lấy ví dụ, khi quan tâm đến giá xăng dầu, có thể chất vấn những đơn vị liên quan đến điều hành giá xăng dầu; hoặc quan tâm đến các vấn đề liên quan đến thuế, mời Tổng cục Thuế chất vấn trực tiếp; có thể tiến hành thí điểm 1-2 trường hợp sẽ giúp việc chất vấn đi vào cụ thể và chi tiết hơn.

Phỏng vấn: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương - Phạm Thắng