CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP.HCM: CẦN CƠ CHẾ BẢO VỆ NGƯỜI DÁM NGHĨ, DÁM LÀM, DÁM CHỊU TRÁCH NHIỆM

07/06/2023

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều ý kiến cho rằng, đi đôi với tăng cường phân cấp, phân quyền, cần đề cao trách nhiệm; song cũng rất cần một cơ chế bảo vệ, khuyến khích người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Bộ trưởng cho biết, nội dung chính của dự thảo Nghị quyết có 7 nhóm cơ chế, chính sách từ Điều 4 đến Điều 10. Xét về tính mới và kế thừa, dự thảo Nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách, trong đó, có các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Cụ thể, trường hợp Thành phố dự kiến có nguồn thu ngân sách địa phương để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì Thành phố được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho các dự án mới, bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hằng năm và báo cáo Quốc hội vào năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thành phố được sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách Thành phố ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Thành phố được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD): sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 để thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định về các điều kiện cần đáp ứng đồng thời để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này. Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; Được thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách Thành phố.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng quy định Ủy ban nhân dân quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi các nhiệm vụ cần thiết mà chưa được dự toán. Thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác.

Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Theo đó, về căn cứ chính trị, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”.

Về cơ sở pháp lý, Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội quy định: “Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất”. Bên cạnh đó, qua tổng kết Nghị quyết số 54/2014/QH14 cho thấy, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá; nhiều vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển. Trong khi đó, Thành phố là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, hồ sơ Dự thảo Nghị quyết cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, phạm vi chính sách được đề xuất là khá rộng, trên nhiều lĩnh vực; một số chính sách mới, tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, đời sống, xã hội và chứa đựng nhiều quy định khác với pháp luật hiện hành. Do đó, để có căn cứ vững chắc cho việc quyết định, đề nghị Báo cáo đánh giá tác động cần cụ thể cả về mặt tích cực và cả những thách thức, những tác động không thuận khi triển khai. Cần chi tiết hơn về kết quả đầu ra; nhất là các chính sách tác động đến thu chi ngân sách nhà nước; đến nguồn lực thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Đối với quan điểm, nguyên tắc ban hành Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, việc ban hành Nghị quyết cần lưu ý, các quy định cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng thời gian qua; song tuyệt đối không lợi dụng xây dựng pháp luật để hợp thức hóa sai phạm. Chính sách mới cần “mang tính đột phá”, “vượt trội” theo đúng tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội; song cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải; tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí.

Đồng thời, phải thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với Thành phố mà cần mang lại hiệu ứng tích cực đối với vùng miền và đất nước, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Đi đôi với tăng cường phân cấp, phân quyền, cần đề cao trách nhiệm; song cũng rất cần một cơ chế bảo vệ, khuyến khích người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, cơ quan soạn thảo đã phối hợp với chính quyền Thành phố xây dựng Dự thảo nghiêm túc, công phu, tâm huyết, cầu thị. Các quy định phù hợp với định hướng trong các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Các chính sách khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54, tích hợp một số chính sách tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù. Nếu thực hiện thành công thí điểm các chính sách trong Dự thảo sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho rằng, Chính phủ cần làm rõ với phạm vi chính sách như trong Dự thảo thì đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa. Xét về số lượng chính sách là tương đối rộng, do vậy, cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống. Cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng theo đúng Nghị quyết 31; tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng.

Minh Hùng