ĐẢM BẢO QUY TRÌNH LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH LỰA CHỌN NHÀ THẦU PHÙ HỢP VỚI LUẬT XÂY DỰNG, LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG

18/04/2023

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đấu thầu (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu trên các diễn đàn Quốc hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã rà soát các điều kiện, nội dung, quy trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công.

HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đấu thầu (sửa đổi). Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) với 129 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, các đại biểu đề nghị xem xét Luật hóa Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của ĐBQH, chỉ đạo rà soát,  chỉnh lý, luật hóa tối đa quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ, bổ sung quy định rõ, cụ thể hơn về trường hợp đặc biệt tại Điều 29 đối với: Gói thầu mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế; Gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh…; Quy định rõ hơn về điều kiện áp dụng, thẩm quyền quyết định trường hợp đặc biệt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn

Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, theo hướng chỉ quy định một cấp phê duyệt và chịu trách nhiệm. Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu thuộc phạm vi quản lý.

Đối với ý kiến đề nghị cần quy định một Chương riêng về việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc thù, cấp bách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung quy định về việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đã được quy định cụ thể tại Mục 3 Chương II tại dự thảo Luật, trong đó đã cụ thể hóa các trường hợp, điều kiện áp dụng, quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ bố cục tại Mục 3 như dự thảo Luật.

Về kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể cho dự án, có ý kiến cho rằng việc bổ sung quy định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể vào báo cáo nghiên cứu khả thi là chưa phù hợp với quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công; đồng thời, quy định tại Điều 33 sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, do đó đề nghị xem xét bỏ quy định này.

Các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể giúp cho người có thẩm quyền, chủ đầu tư xác định rõ phạm vi, quy mô gói thầu, các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án, dự kiến được các nguồn lực để triển khai dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng… Việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể có thể cần thêm thời gian trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện dự án nhưng sẽ góp phần tiết kiệm thời gian trong giai đoạn thực hiện dự án do nhiều phát sinh, thay đổi, rủi ro có thể xảy ra đã được xác định và dự kiến phương án xử lý trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể. Trên thực tế, quy định lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể đã được Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triên Châu Á áp dụng đối với các dự án ODA tại Việt Nam. Do đây là quy định mới, dự thảo Luật quy định theo hướng giao người có thẩm quyền quyết định việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể mà không yêu cầu bắt buộc với tất cả các dự án.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục rà soát các điều kiện, nội dung, quy trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, tên điều đã được chỉnh lý để đảm bảo đúng bản chất bao quát của hoạt động, cụ thể là kế hoạch “tổng thể” lựa chọn nhà thầu cho dự án. Đồng thời, bỏ cụm từ “phức tạp” tại khoản 1 điều này.

Quang cảnh hội nghị

Về lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, có ý kiến đề nghị điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu được xây dựng trên cơ sở đã có kế hoạch bố trí vốn chi tiết đối với cả dự án đầu tư công và dự án không phải dự án đầu tư công. Có ý kiến đề nghị bỏ quy định tại điểm b. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật (điểm c khoản 1 Điều 38) đã được chỉnh lý theo hướng quy định một trong các căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu là “Dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn được phê duyệt, trừ trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công”.

 Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm quy định chặt chẽ hơn về phần tùy chọn mua thêm như: cơ sở, lý do áp dụng, giới hạn tỷ lệ giữa khối lượng mua thêm và khối lượng mua sắm chính thức… để quy định thật sự mang lại hiệu quả, đạt mục đích đề ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, rà soát cụ thể về nội dung tùy chọn mua thêm, theo đó, đã thể hiện lại theo hướng rõ ràng hơn: Tùy chọn mua thêm là khả năng chủ đầu tư mua bổ sung hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn của gói thầu ngoài khối lượng nêu trong hợp đồng thông qua ký kết văn bản sửa đổi hợp đồng; Trường hợp gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm, trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ khối lượng, số lượng, giá trị ước tính của phần tùy chọn mua thêm; Tùy chọn mua thêm được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện: Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi, đàm phán giá; khối lượng mua thêm không vượt 30% của khối lượng hạng mục tương ứng nêu trong hợp đồng; Có dự toán được phê duyệt đối với khối lượng mua thêm; Đơn giá của hàng hóa, dịch vụ mua thêm không được vượt đơn giá của các hàng hóa, dịch vụ tương ứng trong hợp đồng; Tùy chọn mua thêm chỉ áp dụng trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng”.

Đối với việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải được thẩm định trước khi phê duyệt”, vì đây là nội dung quan trọng, cần được thẩm định để việc tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung khoản 3 Điều 40 dự thảo Luật “3. Người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo khoản 2 điều này tổ chức thẩm định các nội dung theo quy định tại Điều 39 của Luật này trước khi phê duyệt”.

Ngoài ra, đối với việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm thường xuyên (Điều 41), có ý kiến đề nghị quy định rõ nội dung tại khoản 2 Điều 38 dự thảo trình Quốc hội “Đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định” kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm thường xuyên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh sửa, quy định theo hướng: Chủ đầu tư có trách nhiệm trình người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổ chức thẩm định trước khi phê duyệt.

Minh Hùng