BỔ SUNG "QUY ĐỊNH THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KHÔNG PHÁT SINH TỪ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT ĐAI"

29/03/2023

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, dự kiến sẽ được trình Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Góp ý dự thảo Luật, một số ý kiến chuyên gia cho rằng việc trao thẩm quyền giải quyết toàn bộ tranh chấp đất đai cho Toà án là hợp lí, tuy nhiên cần bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên không phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai.

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: QUY ĐỊNH TÍCH TỤ ĐẤT NÔNG NGHIỆP PHẢI KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG ĐẦU CƠ

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến về các quy định trong luật, đặc biệt là nội dung liên quan đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Theo đó, Điều 225 dự thảo Luật quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết, còn Ủy ban nhân dân có trách nhiệm hỗ trợ cung cấp hồ sơ; đồng thời quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai.

Tham gia đóng góp ý kiến về nội dung này, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh - Công ty Luật TNHH Bizlink cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi gần như toàn bộ Điều 203 của Luật Đất đai 2013 về xác định tranh chấp đất đai và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Theo đó, Điều 225 dự thảo Luật quy định rằng đối với các “tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”, và khi đó “Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu”. Đối với các “tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại”.

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh - Công ty Luật TNHH Bizlink

Theo Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, quy định này phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo hai nhóm quan hệ tranh chấp khác nhau mà tuỳ từng trường hợp, cơ quan giải quyết là Toà án, và hoặc Toà án hoặc Trọng tài thương mại, thay vì cho phép một cơ quan hành chính là Uỷ ban nhân dân các cấp làm vai trò xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Tuy nhiên, quy định này còn chung chung, chưa làm rõ phạm vi của “tranh chấp đất đai”, “tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất” và “tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai”.

Dự thảo Luật vẫn giữ nguyên giải thích về tranh chấp đất đai như tại khoản 3 Điều 24 Luật Đất đai 2013 và cũng không có quy định giải nghĩa, xác định rõ như thế nào là quan hệ đất đai. Nếu theo định nghĩa này, tranh chấp đất đai là tất cả các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất/đất đai, có phạm vi rất rộng, gồm tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự có liên quan đến đất đai. Do đó, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh cho rằng cần xác định rõ bản chất “quan hệ đất đai” cũng như khoanh vùng các tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất trong quan hệ đất đai để phân biệt tranh chấp đất đai với các tranh chấp liên quan đến đất đai phát sinh trong quan hệ thương mại.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà - Trường Đại học Luật Hà Nội

Còn theo Luật sư Hà Hải - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp.Hồ Chí Minh, Điều 225 dự thảo Luật so với Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đã có những điểm thay đổi tích cực như giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến cụm từ “đương sự” được quy định trong Luật Đất đai; bổ sung thêm cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Trọng tài thương mại để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai nhằm giảm gánh nặng cho Tòa án và giúp việc giải quyết tranh chấp được kịp thời, nhanh chóng.

Dự thảo Luật cũng thực hiện phân loại lại các loại hình giao dịch về quyền sử dụng đất đã bao quát được một cách chung nhất về thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, Điều 225 dự thảo Luật chưa làm rõ được thẩm quyền tranh chấp đất đai đối với trường hợp tranh chấp giữa các bên không phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai như chuyển đổi, tặng cho, thừa kế,… Do đó, Luật sư cho rằng cần bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên không phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Cũng liên quan tới thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, một số chuyên gia cho rằng, việc trao thẩm quyền giải quyết toàn bộ tranh chấp đất đai cho Toà án là hợp lý. Quy định trên nhằm khắc phục hạn chế trong quy định của Luật Đất đai năm 2013 về cơ quan có thẩm quyền giải quyết nếu mỗi bên đương sự lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết khác nhau (Toà án hoặc UBND) và phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về chức năng nhiệm vụ của Toà án. Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà - Trường Đại học Luật Hà Nội nêu rõ, để Toà án giải quyết nhanh chóng các tranh chấp đất đai thì cần sự phối hợp chặt chẽ của Uỷ ban nhân dân, điều này cũng đã được quy định trong Dự thảo Luật. Nhưng để nâng cao trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân trong việc phối hợp với Toà án trong giải quyết tranh chấp đất đai cần phải có quy định về chế tài đối với trường hợp Uỷ ban nhân dân không thực hiện trách nhiệm phối hợp./.

Minh Thành