PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: TẾT NGUYÊN ĐÁN - NHỮNG GIÁ TRỊ MANG ĐẬM CỐT CÁCH, VĂN HÓA, TINH THẦN VIỆT

20/01/2023

Trong bối cảnh hội nhập, tiếp biến văn hóa hiện nay, việc gìn giữ và lưu truyền những phong tục tốt đẹp thể hiện tinh thần dân tộc của người Việt Nam là việc làm cần thiết. Đặc biệt, những phong tục được thể hiện ở những ngày Tết. Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Cổng TTĐT Quốc hội có buổi gặp gỡ, trò chuyện với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về những giá trị truyền thống của Tết Việt xưa.

PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC TẠ VĂN HẠ: “VĂN HÓA, GIÁO DỤC, TRẺ EM” TIẾP TỤC ĐƯỢC TẬP TRUNG TRONG 2023

Tết của người Việt có nhiều nét riêng biệt

Phóng viên: Nếu xét về phong tục thì cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc có gì khác không thưa ông? Tết cổ truyền có giá trị như thế nào trong đời sống tinh thần cũng như trong văn hóa của người Việt thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Trong quá trình phát triển, các quốc gia trên thế giới luôn có sự tiếp nhận và biến đổi văn hóa của các dân tộc khác để làm giàu có thêm cho kho tàng văn hóa dân tộc mình. Nước ta cũng không phải là ngoại lệ. Nằm bên cạnh các nền văn hóa lớn như Ấn Độ và Trung Quốc, văn hóa Việt Nam được xem là sự hòa trộn nhiều nét tinh tế, đặc sắc của hai nền văn hóa này, đặc biệt là văn hóa Trung Quốc – nước có chung đường biên giới và có một lịch sử gắn bó lâu dài, với nhiều thăng trầm với nước ta.

So sánh phong tục Tết cổ truyền giữa người Việt Nam và Trung Quốc có những điểm chung và nét riêng bởi những lý do lịch sử và văn hóa nhất định. Ở những điểm chung, đó là cùng tổ chức Tết cổ truyền theo âm lịch để tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới, đồng thời cũng là dịp gia đình sum vầy, bày tỏ lòng biết ơn đến bậc ông bà cha mẹ, tổ tiên, và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong năm sắp tới, cũng như đều coi trọng đêm giao thừa và những giờ khắc đầu tiên của năm mới với những lễ nghi và tục lệ.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Tuy nhiên, phong tục Tết của người Việt cũng có nhiều nét riêng biệt, trong đó đáng kể nhất phải nói đến là tâm lý đón Tết của người Việt thường nhấn mạnh hơn đến việc chào đón những điều may mắn, còn người Trung Quốc thiên về việc xua đuổi xui xẻo, tà ma. Những món ăn ưa thích cũng có sự khác biệt như người Việt thì không thể thiếu bánh chưng, bánh tét, còn người Trung Quốc thì lại khác. Hay một số tục lệ, về hình thức có thể giống nhau, nhưng cách thực hành của người Việt cũng khác.

Tất cả điều này cho thấy, người Việt đã tiếp nhận và biến đổi văn hóa Tết cổ truyền theo cách riêng của mình, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc. Tết cổ truyền có ý nghĩa rất lớn đối với người Việt. Đây là dịp lễ quan trọng nhất, thể hiện sự tri ân với tổ tiên, gửi gắm những mong muốn cả vào quá khứ, hiện tại và tương lai. Tết chứa đựng trong mình những giá trị quan trọng nhất trong văn hoá của người Việt. Chính vì thế, tết luôn được xem là thiêng liêng, là một nét sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong văn hoá Việt Nam.

Phóng viên: Theo ông, cùng với sự phát triển hiện nay, Tết cổ truyền Việt Nam đã có những thay đổi gì? Những giá trị nào mà chúng ta cần phải bảo tồn và giữ gìn?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Ý nghĩa quan trọng nhất của Tết chính là thể hiện, thực hành những giá trị đạo lý của dân tộc, đồng thời tạo ra động lực tinh thần cho một năm mới. Những thực hành đạo lý này như báo hiếu, chia sẻ tình cảm không chỉ dành cho quá khứ, hiện tại mà còn cho cả tương lai. Đây là những cách các gia đình, cộng đồng và toàn xã hội truyền đi những thông điệp đầy ý nghĩa về văn hoá, là một cách giáo dục giá trị đạo đức cho mỗi con người. Những mong ước gửi gắm đến các cơ sở tâm linh đầu năm lại chính là những thực hành giúp tạo ra động lực tinh thần tốt, để từ đó chúng ta vững tin hơn vào cuộc sống, vào hành động của mình trong tương lai. Chính vì thế, đầu năm, chúng ta luôn cầu mong những điều tốt đẹp về sức khoẻ, hạnh phúc, tiền tài, danh vọng là vì lý do như vậy.

Có nhiều điều đã bị mai một trong cuộc sống hiện nay do chúng ta đang sống trong một bối cảnh xã hội khác. Có những thứ, dù chúng ta mong muốn, cũng khó có thể phục hồi. Tết cũng vậy! Trải qua thời gian, do tác động của bối cảnh xã hội, Tết ngày nay đã có nhiều biến đổi. Có nhiều nét tích cực như Tết giờ đây phong phú và đa dạng hơn. Thay vào chủ yếu tập trung cho ăn uống (ăn Tết) và nghi lễ, ngày nay “chơi” Tết được chú trọng hơn. Người dân dành thời gian đi du lịch, thưởng ngọan cảnh đẹp, vui chơi, giải trí nhiều hơn để giải tỏa cho những ngày làm việc vất vả. Việc cúng lễ cũng trở nên thuận tiện hơn nhờ dịch vụ bên ngoài đã giúp đỡ các gia đình không quá vất vả với nồi bánh chưng hay các món nấu nướng khác. Mâm cỗ cúng có nhiều món hơn; hoa quả cũng phong phú, hình thức và chất lượng cũng tốt hơn trước...

Tuy nhiên, cũng có nhiều biểu hiện tiêu cực khiến chúng ta lo ngại về việc giữ gìn giá trị và tinh thần Tết. Tết giờ đây chú trọng nhiều đến cá nhân, đến những lợi ích vật chất. Nhiều những nét đẹp cộng đồng bị phai nhạt. Nhiều nét lai căng, ảnh hưởng từ văn hóa nước ngoài đang ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần Tết truyền thống. Vì thế, có lẽ chúng ta cần tìm hiểu kỹ hơn những giá trị căn bản của Tết như báo hiếu, như chia sẻ tình cảm, như tạo động lực tinh thần cho một năm mới, từ đó, chúng ta có những thực hành để làm sân sắc hơn những giá trị này, thì tết sẽ có thêm giá trị. Bằng không, chúng ta sẽ đánh mất những giá trị đáng quý của Tết, và cũng là một phần hồn cốt của dân tộc.

Phóng viên: Đề cao truyền thống hiếu học và cầu mong sự tốt lành cho một năm mới, đó là tục “xin chữ” và khai bút đầu xuân. Dù đây không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết, nhưng nhiều gia đình vẫn duy trì. Theo ông, khai bút xin chữ đầu xuân có thể coi là một nét đẹp văn hóa trong Tết Việt không thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Tôi nghĩ rằng, khai bút xin chữ đầu xuân là một nét đẹp văn hóa trong Tết Việt, phù hợp với truyền thống hiếu học của dân tộc. Việc duy trì truyền thống này trong gia đình còn có ý nghĩa thực hành những giá trị tốt đẹp, từ đó hình thành nên những thói quen tốt, đặc biệt liên quan đến việc học hành.

Khai bút xin chữ thể hiện truyền thống hiếu học, trọng tri thức của người Việt

Dịp đầu năm mới là lúc mỗi người chúng ta mong ước những điều tốt đẹp đến với mình và gia đình, vì thế, chúng ta muốn chuyển tải ước mơ của mình bằng những thông điệp cụ thể. Mỗi bức thư pháp sẽ là ước mong của từng người về những điều may mắn, tốt lành, tài lộc, để từ đó, chúng ta củng cố niềm tin và có thêm quyết tâm thực hiện tốt những mong muốn ấy trong cả năm.

Khai bút xin chữ cũng thể hiện truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa, trân trọng nét chữ đẹp, mong muốn khai mở tri thức của người xin chữ. Đây là một truyền thống cần phải được lưu giữ và phát huy để tinh thần trọng tri thức thực sự là một động lực cho sự phát triển đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương

Các bài viết khác