TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG: HOÀN THIỆN THỂ CHẾ VÀ CÁCH THỨC TỔ CHỨC GIÁM SÁT, ĐÁP ỨNG KỲ VỌNG CỦA CỬ TRI

20/01/2023

Đánh giá về công tác giám sát của Quốc hội trong thời gian qua, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong năm 2022, Quốc hội đã có những bước tiến rất căn cơ trong việc hoàn thiện thể chế giám sát và cách thức tổ chức thực hiện giám sát ngày càng đổi mới, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nhân dân.

Đánh giá về công tác giám sát của Quốc hội trong thời gian qua, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặc biệt chú trọng việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Từ những đổi mới trong việc tổ chức thực hiện giám sát trong năm 2021, đến năm 2022, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi quan trọng, căn cơ cả về khung khổ pháp lý, cách thức tổ chức thực hiện cho đến hiệu quả, hiệu lực giám sát. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Phát biểu tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh Quốc hội phải “tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát”.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Vì thế, ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động giám sát. Nếu năm 2021, đổi mới hoạt động giám sát mới chủ yếu tập trung vào cách thức tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn thì trong năm 2022, chúng ta đã tiến thêm những bước rất căn cơ trong việc hoàn thiện thể chế giám sát và cách thức tổ chức thực hiện giám sát ngày càng đổi mới, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nhân dân.

Về thể chế giám sát, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng Đề án về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, trên cơ sở đó đã ban hành Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 để các cơ quan triển khai. Lần đầu tiên theo chức năng luật định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

Bên cạnh đó, quy định về chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều điểm mới đã được sửa đổi trong Nội quy Kỳ họp tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua. Các văn bản này đã góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo sự thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và HĐND. Đảng đoàn Quốc hội cũng đã ký Quy chế phối hợp công tác với Ban Nội chính Trung ương nhằm phát huy vai trò giám sát, tăng cường tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị về các cơ chế, chính sách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Về tổ chức giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, trên cơ sở các Đề cương, kế hoạch cụ thể của từng chuyên đề đã được Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng, nhiều vòng, tổ chức hội nghị triển khai toàn quốc để thống nhất cách làm, các Đoàn giám sát đã triển khai bài bản, đổi mới thực chất trong từng phần việc, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, tạo chuyển biến bước đầu hết sức quan trọng về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương.

Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, chuyên đề giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có quy mô, phạm vi, lĩnh vực rất rộng, rất phức tạp. Lần này, giám sát của Quốc hội mới chỉ tập trung vào lĩnh vực công và ở một số lĩnh vực trọng điểm về quản lý, sử dụng nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, nhưng số liệu, dữ liệu đã vô cùng nhiều và cũng chỉ ra nhiều điều cần quan tâm giải quyết để công tác này đạt hiệu quả tốt hơn thời gian tới.

Trước khi Đoàn giám sát làm việc với các cơ quan chịu sự giám sát thì đã có Tổ công tác làm việc chuyên sâu với các cơ quan này nhằm thu thập thông tin, củng cố số liệu, thực trạng nội dung giám sát. Có những bộ, ngành, địa phương sau khi Tổ công tác làm việc rồi đến Đoàn giám sát làm việc vẫn phải tiếp tục yêu cầu báo cáo lần thứ hai, lần thứ ba, thậm chí lần thứ tư mới có thể đánh giá đúng được thực trạng. Đúng như Chủ tịch Quốc hội nhận định, Đoàn giám sát đã “bơi trong rừng số liệu và tư liệu để chắt lọc ra những vấn đề lớn, trọng tâm, đưa ra những kiến nghị đích đáng nhằm tạo chuyển biến trong thực tiễn”.

Các kết luận, kiến nghị của Đoàn giám sát là trên cơ sở thực chứng rất rõ ràng, có căn cứ khoa học, thực tiễn đầy đủ, cụ thể với từng lĩnh vực phải làm việc gì, ai làm, bộ nào, ngành nào, địa phương nào làm gì, thời gian và thời hạn thực hiện như thế nào, trách nhiệm ra sao... Nhiều đồng chí lãnh đạo các địa phương chia sẻ, khi Quốc hội giám sát chuyên đề này thì họ cũng mới thấy đúng là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề rất lớn, từ đó chuyển biến về nhận thức để quản lý, sử dụng các nguồn lực gồm nhân lực, vật lực, tài lực của địa phương hiệu quả hơn. Có những địa phương ngay trong quá trình giám sát của Quốc hội đã tiến hành thu hồi các dự án treo, các dự án trước đây giao cho doanh nghiệp không đủ năng lực, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí nguồn lực đất đai, kể cả xem xét lại các quyết định chủ trương đầu tư chưa trúng...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nêu rõ, với giám sát về công tác quy hoạch thì sau giám sát tối cao, Quốc hội đã cho phép điều chỉnh một số quy định hiện hành chưa phù hợp, tháo gỡ các tồn tại, bất cập trước mắt để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác lập quy hoạch. Vừa qua, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ cũng đang tập trung đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch để sớm đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các luật liên quan đến quy hoạch vào thời gian phù hợp. Như vậy, chuyển biến sau giám sát của Quốc hội là rất rõ nét.

Minh Hùng

Các bài viết khác