NĂM 2023 QUỐC HỘI SẼ PHÁT HUY THÀNH TỰU, TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, KỊP THỜI XỬ LÝ NHỮNG VẤN ĐỀ MỚI ĐẶT RA

20/01/2023

Năm 2022, Quốc hội hoạt động hết sức sôi nổi, tích cực, hiệu quả, toàn diện và đổi mới trên cả 3 chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng. Năm 2023, Quốc hội sẽ phát huy thành tựu, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và kịp thời xử lý những vấn đề mới đặt ra... Đây là chia sẻ của cử tri, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội với Cổng TTĐT Quốc hội trong những ngày cả nước đang hân hoan đón mùa xuân mới và đón Tết cổ truyền của dân tộc.

GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ NĂM 2022 CỦA QUỐC HỘI: TẠO SỰ CHUYỂN BIẾN CẢ VỀ NHẬN THỨC, TRÁCH NHIỆM VÀ HÀNH ĐỘNG

HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN CỦA QUỐC HỘI NĂM 2022: THỰC TẾ - THIẾT THỰC - TÂM HUYẾT - THẲNG THẮN - TRÁCH NHIỆM CAO

GIÁM SÁT ĐỂ BẢO ĐẢM TỔ CHỨC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ ĐƯỜNG LỐI, CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC

Hoạt động của Quốc hội ngày càng đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của Quốc hội trong năm 2022 trên cả 3 chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước?

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Đại biểu Quốc hội khoá XII, XIII: Có thể nói, năm 2022 là năm thứ 2 của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với nhiều hoạt động sôi động. Quốc hội đã thực hiện khối lượng công việc lớn trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Văn phòng Quốc hội cũng công bố 10 sự kiện lớn trong năm 2022, tuy chưa thể khái quát hết những công việc của Quốc hội trong năm qua, nhưng cũng cho thấy trong năm qua Quốc hội hoạt động hết sức sôi nổi, toàn diện, tích cực, đổi mới trên cả 3 chức năng.

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khoá XII, XIII.

Việc đổi mới của Quốc hội không chỉ dừng lại ở nội dung, mà còn cả về hình thức và phương pháp hoạt động. Những quyết định của Quốc hội trong năm 2022 đã bám sát việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bám sát chương trình hoạt động của Chính phủ để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của nhiệm kỳ này. Đặc biệt, hoạt động lập pháp đến nay đã hoàn thành gần 60% công việc của nhiệm kỳ 5 năm - đây là nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Tôi đánh giá cao Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt năm 2022 có nhiều hình thức để huy động, thu hút sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, của cử tri thông qua các diễn đàn khoa học lớn, như Diễn đàn kinh tế - xã hội, Hội nghị Văn hóa 2022. Các cơ quan của Quốc hội cũng tổ chức rất nhiều hình thức tọa đàm chuyên gia để lấy ý kiến rộng rãi, thông qua đó Quốc hội, đại biểu Quốc hội có thêm nhiều thông tin, căn cứ để quyết định những các vấn đề lớn tại các kỳ họp.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Với tư cách là một cử tri, tôi thường xuyên theo dõi các cuộc họp Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Quốc hội có sự tiến bộ vượt bậc, cả trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các kỳ họp Quốc hội hàng năm.

Tôi đánh giá cao vai trò chỉ đạo, điều hành đầy tâm huyết của đồng chí Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội; các Phó Chủ tịch Quốc hội thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân. Các đại biểu, dù là đại biểu ở Trung ương hay đại biểu ở địa phương đều thực hiện tốt chức trách của người đại biểu dân cử, được cử tri đánh giá cao và tin tưởng gửi gắm tâm tư, nguyện vọng tới Quốc hội.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

Tôi cũng đánh giá cao hoạt động của Văn phòng Quốc hội với phương châm “Đoàn kết, nỗ lực, chủ động, tích cực, sáng tạo, trách nhiệm” đã thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ của Văn phòng Quốc hội, góp phần quan trọng giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm 2022, với nhiều cải tiến, đổi mới nổi bật, góp phần vào thành công chung của Quốc hội; được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Là nhà nghiên cứu lịch sử Đảng và hệ thống chính trị, tôi luôn dõi theo các hoạt động của Quốc hội. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang 77 năm qua, quán triệt sâu sắc Cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng, trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước thời kỳ mới, Quốc hội đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm thực hiện ba chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã có nhiều đổi mới rất mạnh mẽ.

Tôi cho rằng, công tác lập pháp có nhiều đổi mới, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại các kỳ họp, bên cạnh công tác thẩm tra và cho ý kiến theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức các phiên họp chuyên đề pháp luật và các hội nghị đại biểu chuyên trách để góp ý sâu hơn về các dự thảo luật trình lần đầu và dự kiến thông qua. Điều này góp phần nâng cao, chất lượng các dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến ngày càng đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Năm 2023 Quốc hội sẽ phát huy thành tựu, tiếp tục đổi mới hoạt động, kịp thời xử lý những vấn đề mới đặt ra.

Phóng viên: Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông có kỳ vọng gì về tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đặc biệt, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới như nào để hoàn thành trọng trách mà cử tri và Nhân dân giao phó?

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Đại biểu Quốc hội khoá XII, XIII:  Đúng là năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ của nhiệm kỳ 5 năm, cho nên khối lượng công việc rất lớn. Nhưng năm 2023 cũng là năm khá đặc biệt, chứa đựng nhiều rủi ro và thách thức do tình hình phát triển chung của kinh tế thế giới, cũng như những khó khăn, rủi ro, tiềm ẩn nội tại của đất nước. Vì vậy, tôi kỳ vọng Quốc hội sẽ phát huy thành tựu trong thời gian qua, tiếp tục đổi mới hoạt động để xử lý tốt những vấn đề mới đặt ra trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Đặc biệt, Quốc hội cần tập trung vào việc đánh giá rủi ro kinh tế vĩ mô, cũng như đảm bảo triển khai đồng bộ, tích cực các nhiệm vụ, mục tiêu, các nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Đây là giai đoạn vừa tích cực thúc đẩy triển khai thực hiện, vừa giám sát việc thực hiện các nghị quyết thông qua; đồng thời nhận định những thách thức, rủi ro vĩ mô để có biện pháp ứng phó và giải pháp kịp thời.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của pháp luật, tôi mong muốn năm 2023 Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kế hoạch cụ thể tập hợp những chuyên gia giỏi trên từng lĩnh vực, mời những luật sư giỏi góp ý kiến cho Quốc hội trong hoạt động lập pháp; đồng thời nâng cao trình độ am hiểu luật pháp của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách…

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Đặc biệt, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao quyền giám sát tối cao, thông qua các hoạt động xem xét báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm... Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chuyên đề cũng cần tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Thông qua hoạt động giám sát để kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập, đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, kiến nghị trách nhiệm chính trị của tổ chức, cá nhân, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, từ đó, các cơ quan hữu quan nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Năm 2023 mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước nhưng tôi tin tưởng trong Quốc hội sẽ phát huy truyền thống, tiếp nối thành tựu, liên tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đồng hành cùng Chính phủ kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập, để kinh tế - xã hội phát triển bền vững, an ninh quốc phòng được đảm bảo, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Quốc hội trong năm 2023 sẽ tích cực, chủ động, thể hiện trách nhiệm cao trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước, tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo. Đối với các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng cần cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, đổi mới hoạt động của Quốc hội theo hướng tăng tính chuyên nghiệp thông qua mô hình tổ chức, tăng dần số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phối hợp với các cơ quan khác...

Với tư cách là nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tôi rất ấn tượng và tự hào mình là người Việt Nam, là cử tri đi bầu ra người đại diện vào cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Trong năm mới 2023, mong muốn tất cả người dân Việt Nam đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, hoàn thành tốt trách nhiệm của công dân. Có như vậy, đất nước Việt Nam sẽ ngày càng giàu mạnh, hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như bác Hồ từng mong muốn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn!

Lan Hương

Các bài viết khác