LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN NĂM 2022: TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ RỦI RO VỀ RỬA TIỀN ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG MỚI PHÁT SINH

05/12/2022

Tại họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, trong đó có Luật Phòng, chống rửa tiền, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo, Luật giao Chính phủ quy định hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo để đảm bảo bao quát được các hoạt động trong tương lai, tăng cường quản lý rà soát, đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền.

 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh trình bày những điểm mới của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022

Nhận diện và có biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với những vấn đề mới phát sinh

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 là văn bản pháp lý toàn diện quy định về Phòng, chống rửa tiền, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác Phòng, chống rửa tiền của Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua 10 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 đã bộc lộ những bất cập, cần được thay thế nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung.

Do đó, mục tiêu xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Luật được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống rửa tiền; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; kế thừa các quy định vẫn còn phù hợp, khắc phục các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành; đồng thời tham khảo, cụ thể hóa các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên cơ sở phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được kết cấu gồm 04 Chương và 66 Điều.

Toàn cảnh họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, khóa XV

Giới thiệu nội dung của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, kế thừa quy định về đối tượng báo cáo tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, Luật năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo. Theo đó, sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo (các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng,...), phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và nội hàm khái niệm theo khuyến nghị của tổ chức quốc tế; bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đồng thời, để đảm bảo bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, Luật quy định Chính phủ quy định hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo chưa được quy định tại Luật sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trao đổi làm rõ nội dung này tại họp báo, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Tạ Quang Đôn cho biết thêm trong bối cảnh chuyển đổi số, kinh tế số năng cao khả năng phòng ngừa rửa tiền, nhất là những lĩnh vực có nguy cơ cao như bất động sản, chứng khoán; việc quản lý tiền ảo và phòng ngừa rủi ro… hoạt động phòng chống rửa tiền của các cơ quan chuyên môn luôn cập nhật tình hình để sớm nhận diện các hoạt động rủi ro, nguy cơ cao.

Vụ trưởng Vụ pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Tạ Quang Đôn

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ, khoản 3 Điều 4 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng quy định: “Chính phủ quy định hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo chưa được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.”. Hay tại Điều 7 về đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền quy định Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả hoạt động mới phát sinh có thể rủi ro về rửa tiền. Đây là những quy định cơ bản nhất để tạo cơ sở pháp lý cho việc nhận diện và có biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với những vấn đề mới phát sinh, đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Liên quan đến quản lý tiền ảo, tài sản ảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 – 2025 trong đó có giao các bộ, ngành nghiên cứu ban hành quy định làm cơ sở quản lý vấn đề này.

Đánh giá và cập nhật rủi ro về rửa tiền

Bên cạnh việc bổ sung quy định về việc đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền với trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước định kỳ 05 năm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trình Chính phủ phê duyệt, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng đã quy định về trách nhiệm đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo. Theo đó, đối tượng báo cáo phải đánh giá rủi ro về rửa tiền; xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền, trong đó có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền. Luật giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo.

Các đại biểu tại họp báo

Về nhận biết khách hàng, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng; bổ sung quy định đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định pháp luật để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp; sửa đổi các quy định về nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba trên cơ sở hoạt động kinh doanh qua giới thiệu quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và quy định xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua việc thuê tổ chức khác.

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung quy định về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị của tổ chức quốc tế, quy định rõ hơn trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng, chủ sở hữu hưởng lợi và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với khách hàng này.

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định đối tượng báo cáo phải ban hành chính sách, quy trình để nhận diện, đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới và sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới và việc áp dụng các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về rửa tiền.

Sửa đổi "một số dấu hiệu đáng ngờ" trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cũng cho biết Luật đã sửa đổi "một số dấu hiệu đáng ngờ" trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán. Đây là những giao dịch có dấu hiệu bất thường hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc từ hoạt động tội phạm hoặc liên quan tới rửa tiền.

Các đại biểu tại họp báo

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 kế thừa và quy định cụ thể hơn một số yêu cầu thu thập, cập nhật, lưu trữ, thông tin của đối tượng báo cáo, cá nhân, tổ chức có liên quan; quy định trách nhiệm cung cấp các thông tin này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, kế thừa quy định về các giao dịch đặc biệt mà đối tượng báo cáo phải giám sát và có bổ sung quy định đối tượng báo cáo phải áp dụng các biện pháp tăng cường; kiểm tra thông tin và mục đích của giao dịch, trường hợp có nghi ngờ, phải xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ và có thể từ chối giao dịch đó.

Ngoài ra, Luật đã làm rõ hơn yêu cầu về quy định nội bộ của các đối tượng báo cáo; giảm bớt yêu cầu về quy định nội bộ cho đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ. Quy định cụ thể về lưu trữ, bảo mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo, phù hợp pháp luật hiện hành và thực tiễn hoạt động của đối tượng báo cáo.

Luật sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn về việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước, cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

Luật quy định rõ hơn các trường hợp thực hiện trì hoãn giao dịch; luật hóa quy định về việc miễn trách nhiệm của đối tượng báo cáo, bổ sung quy định về thời điểm thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch đảm bảo tính kịp thời, phù hợp với khuyến nghị của tổ chức quốc tế.

Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai thi hành một các kịp thời, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Kim Anh nêu rõ, Ngân hàng nhà nước phối hợp với các cơ quan hữu quan để soạn thảo văn bản quy định chi tiết gồm Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; và Thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền.

Bảo Yến