VIỆT NAM VÀ VƯƠNG QUỐC ANH TÌM HIỂU KHẢ NĂNG HỢP TÁC SONG PHƯƠNG LIÊN QUAN ĐẾN CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

30/11/2022

Sáng ngày 30/11, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi và đại diện một số Ủy ban của Quốc hội có cuộc làm việc với Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Phát triển của Vương quốc Anh nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: VIỆT NAM KHẲNG ĐỊNH THEO ĐUỔI MỤC TIÊU ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU THEO NGUYÊN TẮC CÔNG LÝ, CÔNG BẰNG

Tham dự cuộc làm việc còn có Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình; Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An cùng một số cán bộ của Ủy ban.

Về phía Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Phát triển của Vương quốc Anh có Ngài Mike Urwin, Trưởng bộ phận Hợp tác và cam kết song phương của dự án Hợp tác thúc đẩy chuyển dịch vì khí hậu (UK PACT) cùng các thành viên.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Phát triển của Vương quốc Anh.

Nội dung cuộc làm việc nhằm tìm hiểu khả năng hợp tác song phương thông qua dự án UK PACT. Tại cuộc làm việc, Ngài Mike Urwin, Trưởng bộ phận Hợp tác và cam kết song phương của dự án UK PACT bày tỏ niềm vui khi cùng Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Phát triển của Vương quốc Anh sang thăm và làm việc tại Việt Nam và cảm ơn sự đón tiếp của lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng đại diện các Ủy ban của Quốc hội nói riêng đối với Đoàn.

Theo Ngài Mike Urwin, Vương quốc Anh là nước tiên phong và rất chú trọng đối với việc thực hiện cam kết về chuyển dịch năng lượng và triển khai hiệu quả các vấn đề tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26). Cũng tại Hội nghị COP 26, hai nước Việt Nam và Vương Quốc Anh đã cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Đây là vấn đề cũng được tăng cường tại Hội nghị COP 27.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi và Ngài Mike Urwin, Trưởng bộ phận Hợp tác và cam kết song phương của dự án UK PACT.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Ngài Mike Urwin cho biết, dự án UK PACT với đội ngũ chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện được các mục tiêu đưa ra tại Hội nghị COP 26. Mặt khác, dự án UK PACT có thể hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách hỗ trợ nâng cao năng lực và kỹ thuật; Xanh hóa hệ thống tài chính; Điện hóa giao thông đô thị; Chuyển đổi năng lượng sạch và các giải pháp dự trên thiên nhiên... Ngoài ra, Vương quốc Anh cũng có thể phối hợp với Việt Nam trong việc thực hiện giám sát, huy động sự hỗ trợ cho các chương trình về chuyển dịch năng lượng và biến đổi khí hậu...

Trên cơ sở của dự án UK PACT, Ngài Mike Urwin bày tỏ sự hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam để có thể triển khai hiệu quả được các cam kết tại Hội nghị COP 26 cũng như các mục tiêu đề ra đối với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng.

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cảm ơn những thiện chí mà Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Phát triển của Vương quốc Anh đối với Việt Nam về những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng.

Liên quan đến những nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, Quốc hội Việt Nam đã rà soát một số luật như: sửa đổi Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Năng lượng nguyên tử...

Năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có 01 chương đề cập về biến đổi khí hậu. Tại kỳ họp thứ 4 năm 2022, Quốc hội đã thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi). Các luật này đều có những nội dung liên quan đến việc chuyển dịch năng lượng và biến đổi khí hậu.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi khẳng định cuộc làm việc với Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Phát triển của Vương quốc Anh là sự khởi đầu tốt đẹp để triển khai các hoạt động hợp tác hiệu quả hơn giữa hai nước trong thời gian tới.

Sắp tới, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ triển khai giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”. Mục tiêu của đợt giám sát chuyên đề này là phản ánh khách quan, trung thực việc thực hiện các chính sách, pháp luật về năng lượng trong thời gian qua để từ đó giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể nhìn nhận khách quan được những thuận lợi, khó khăn cũng như thách thức, hạn chế để đưa ra các giải pháp điều chỉnh kịp thời.

Chương trình giám sát cũng góp phần đề xuất hợp tác với các tổ chức quốc tế để thực hiện mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Hội nghị COP 26 về triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bên cạnh đó là đề ra các giải pháp trong chuyển dịch năng lượng và biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển năng lượng hiệu quả, công bằng trong thời gian tới.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi và đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội chụp ảnh lưu niệm với Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Phát triển của Vương quốc Anh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cũng bày tỏ hy vọng với kinh nghiệm của mình, Vương Quốc Anh sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ hợp tác với Việt Nam để thực hiện các cam kết, mục tiêu đề ra tại Hội nghị COP 26 và COP 27 trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, mục tiêu đạt Net zero, những vấn đề kiến nghị liên quan đến tài chính xanh... Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ bàn thảo với các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ để xúc tiến các hoạt động trao đổi, hợp tác với Vương Quốc Anh thông qua các cuộc tọa đàm, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học...

Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cũng cho biết, dự kiến tháng 01/2023, Quốc hội sẽ xem xét về Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch sẽ định hướng cho các ngành, địa phương trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội, ngành nghề. Trong đó, Quy hoạch phát triển Điện VIII, quy hoạch sử dụng đất phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Vì vậy, Việt Nam cũng rất cần sự tư vấn quốc tế, trong đó có Vương quốc Anh cho các quy hoạch này. Vì vậy, cuộc làm việc giữa đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các Ủy ban của Quốc hội với Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Phát triển của Vương quốc Anh là sự khởi đầu tốt đẹp để triển khai các hoạt động hợp tác hiệu quả hơn giữa hai nước trong thời gian tới.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình phát biểu tại cuộc làm việc.

Trong khuôn khổ cuộc làm việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình đã bày tỏ sự đồng thuận với những đề xuất mà Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đưa ra tại cuộc làm việc.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình cũng nhấn mạnh cam kết của Việt Nam đưa ra về xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” tại Hội nghị COP 26 là mục tiêu quan trọng nên rất cần sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Vương quốc Anh./.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc: 


Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi và đại diện một số Ủy ban của Quốc hội với Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Phát triển của Vương quốc Anh.



 


Ngài Mike Urwin, Trưởng bộ phận Hợp tác và cam kết song phương của dự án UK PACT bày tỏ sự hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam để có thể triển khai hiệu quả được các cam kết tại Hội nghị COP 26 cũng như các mục tiêu đối đề ra về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi và đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội chụp ảnh lưu niệm với Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Phát triển của Vương quốc Anh.

Bích Lan - Nghĩa Đức