SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC CHUYỂN ĐỔI MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

30/11/2022

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân. Quan tâm tới dự luật, nhiều ý kiến chuyên gia kiến nghị, trong lần sửa đổi này cần chú trọng đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính trong chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

TỔNG THUẬT SÁNG 14/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa,...

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, trong những năm vừa qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đất đai đã có tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, đời sống nông dân và người dân nông thôn. Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về đất đai cho phát triển nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, ruộng đất manh mún, phân tán vẫn là rào cản lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước có thu nhập cao, ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, cần sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013, hoàn thiện chính sách, quản lý, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững.

Cùng quan điểm, TS. Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất của các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa và các loại đất được sử dụng đa mục đích; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đối với kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong chuyển mục đích sử dụng đất.

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn 

Chỉ ra một trong những hạn chế hiện nay, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, Luật Đất đai hiện nay đất nông nghiệp được chia thành 8 nhóm đất chính gồm: Đất trồng cây hàng năm (đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác); Đất trồng cây lâu năm; Đất rừng sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất làm muối; Đất nông nghiệp khác.  Việc phân chia như vậy vẫn thiếu (ví dụ đất chăn nuôi,…) nhưng gây rườm rà về thủ tục khi giao dịch và rất khó khăn cho người sử dụng khi chuyển đổi đồng thời mà vẫn không ngăn chặn được tình trạng chuyển đổi trái qui định (ví dụ như từ đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, rừng sản xuất sang đất nông nghiệp).

TS. Đặng Kim Sơn đề nghị đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong phạm vi nông nghiệp bằng cách cần phân loại lại, theo hướng giảm bớt các loại hình sử dụng đất trong nông nghiệp chi tiết (chỉ chia ra đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp). Bên trong 2 nhóm chính này, tùy theo yêu cầu quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (về đảm bảo an ninh lương thực, quản lý an toàn dịch bệnh, bảo vệ đa dạng sinh học,  phòng chống thiên tai,...) có thể chia ra thành các nhóm phụ nhưng đối với quản lý chung nhà nước về đất đai do Bộ Tài nguyên Môi trường chịu trách nhiệm thì chỉ nên chia làm hai nhóm chính để giảm bớt thủ tục phức tạp cho người sử dụng khi tiến hành các thủ tục giao dịch về đất đai. Các nội dung qui định về về đất lúa và các nội dung khác có thể gom chung vào nhóm đất lúa. Nếu cần luật hóa các quy định cụ thể nên đưa vào các luật chuyên ngành như luật Nông Nghiệp, luật Lâm Nghiệp,…

TS. Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ở góc độ khác, TS. Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để thống nhất áp dụng trong quá trình tổ chức thực hiện, cần thiết phải bổ sung vào Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về giải thích thuật ngữ về “chuyển mục đích sử dụng đất”.

Về điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, để thống nhất với quy định của Luật Lâm nghiệp, đề nghị sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, cần bổ sung quy định về điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất để thực hiện dự án đầu tư cho phù hợp với quy định tại Điều 20 Luật Lâm nghiệp.

TS. Hoàng Thị Vân Anh cũng đề nghị, để cải cách thủ tục hành chính, không quy định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất mà bổ sung quy định vào Luật theo hướng phân cấp hoàn toàn thẩm quyền này cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở xem xét việc đá ứng các tiêu chí, điều kiện cụ thể do Chính phủ quy định.

Ngoài ra, TS. Hoàng Thị Vân Anh cũng lưu ý, cần bổ sung vào quy định quyền chung của người sử dụng đất quyền “được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật”;…

Ths. Nguyễn Thị Mai Hiên, PVT Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và PTNT

Đề xuất hoàn thiện pháp luật về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ths. Nguyễn Thị Mai Hiên, PVT Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị, bổ sung một khoản tại Điều 43 Luật Đất đai năm 2013 về quy trình tổ chức hội nghị lấy ý kiến để bảo đảm quyền của người dân được trực tiếp nêu ý kiến tại Hội nghị về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó có nội dung chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Quy định thành phần bắt buộc là những hộ nông dân thuộc diện Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để giao, cho thuê người sử dụng đất khác đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Ths. Nguyễn Thị Mai Hiên cũng đề nghị bổ sung vào nội dung lấy ý kiến nhân dân đối với các dự án sử dụng đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Phương thức lấy ý kiến là nguyên tắc “đồng thuận”, tức là phải đạt một tỷ lệ đồng ý tối thiểu nhất định của những hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất cho dự án hoặc của cộng đồng cư dân địa phương thì dự án mới được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bổ sung trách nhiệm tổng hợp ý kiến góp ý, tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý.

Cũng theo Ths. Nguyễn Thị Mai Hiên cần hoàn thiện các quy định về thẩm định nhằm nâng cao chất lượng công tác hoạch định chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, cần bổ sung quy định về vị trí, tính chất của Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai sửa đổi, trong đó cần xác định tính độc lập của Hội đồng thẩm định đối với cơ quan lập và cơ quan quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến, Dự án luật sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tới đây, và được Quốc hội thông qua với quy trình tại 03 kỳ họp./.

Lê Anh