TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC TRONG CỘNG ĐỒNG PHÁP NGỮ VỀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

29/11/2022

Tiếp tục chương trình nghị sự, sáng ngày 29/11, tại Thành phố Đà Nẵng, các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ X Vùng châu Á – Thái Bình Dương đã tập trung thảo luận về chủ đề “Tính cấp thiết của sự hợp tác quốc tế có trách nhiệm và bền vững trong lĩnh vực biến đổi khí hậu”. Chủ tịch Nghị viện lãnh thổ Polynesia thuộc Pháp Gaston Tong Sang chủ trì Phiên thảo luận.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN TIẾP CHỦ TỊCH NGHỊ VIỆN LÃNH THỔ NOUVELLE-CALÉDONIE

Hội nghị lần thứ X Vùng châu Á – Thái Bình Dương 

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI, đã và đang gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới và trở thành vấn đề lớn trong chương trình nghị sự của phần lớn các quốc gia, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Kể từ năm 2021, Thỏa thuận Paris chuyển sang giai đoạn bắt buộc thực hiện, mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời phải giảm phát thải khí nhà kính. Việc triển khai ứng phó và hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu của các quốc gia cần được đặt ở vị trí trung tâm, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn cầu.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Việt Nam là một trong những đất nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của Việt Nam. Ngoài những thiệt hại về kinh tế xác định được, Việt Nam còn có nguy cơ cao chịu thiệt hại phi kinh tế hoặc chi phí cơ hội. Trong bối cảnh đó, việc hợp tác quốc tế là vô cùng cần thiết để tạo điều kiện cho Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp cận tiến bộ khoa học, huy động nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ các dự án tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Nghị viện lãnh thổ Polynesia thuộc Pháp Gaston Tong Sang chủ trì Phiên thảo luận

Bên cạnh các nỗ lực trong nước về phát triển kinh tế và bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt cho người dân, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của nước thành viên, đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế. Theo đó, Việt Nam tích cực tham gia các hội nghị quốc tế đàm phán về vấn đề biến đổi khí hậu, tham gia đầy đủ Hội nghị các Bên của Công ước khí hậu (COP), là một trong những nước sớm tham gia ký và phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cũng như Nghị định thư Kyôtô, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tại COP 26, lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thoả thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Các đại biểu tại Hội nghị 

Cùng với đó nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, hành động về biến đổi khí hậu đã được ban hành và triển khai thực hiện; vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu đã được lồng ghép vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn; hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho cán bộ, cộng đồng và người dân được thực hiện với nhiều hình thức phong phú; lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu trong nhà trường, ở các cấp học. Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng thế giới thông qua các Chương trình hợp tác nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; tích cực tham gia đàm phán với các quốc gia, tổ chức quốc tế nhằm mở rộng hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại COP 26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được một số đại biểu chỉ ra rằng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về pháp luật và thực tiễn. Các quy định đề cập đến hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu còn khá chung chung và nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau. Việt Nam đang đối mặt với vấn đề khó khăn trong nguồn kinh phí tài chính đầu tư vào các hoạt động và thiếu kinh nghiệm trong xây dựng, hình thành lang pháp lý trong lĩnh vực này cũng như chủ động ứng phó thiên tai. Việc tiếp cận, huy động nguồn lực các thể chế tài chính toàn cầu, Quỹ đa phương về biến đổi khí hậu… còn hạn chế.

Để đẩy mạnh hoạt động hoạt động hợp tác quốc tế có trách nhiệm, bền vững, các đại biểu phía Đoàn Việt Nam bày tỏ quan tâm tới vấn đề chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế. Các đại biểu bày tỏ coi trọng việc tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế và cho rằng cần đẩy mạnh vấn đề hoàn thiện các quy định pháp luật về khuyến khích, hỗ trợ giảm thiểu phát thải khí nhà kính, cụ thể hóa các quy định của pháp luật về vấn đề hợp tác quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Đồng thời tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại chính sách với các nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và trọng việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy hợp tác Á – Âu, châu Á – Thái Bình Dương, cộng đồng Pháp ngữ, khu vực Đông Á, trong ASEAN về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tại phiên thảo luận, thay mặt Phân ban Việt Nam, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị các quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ, Nghị viện Pháp ngữ tiếp tục thúc đẩy hoạt động ngoại giao khí hậu, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, kết nối với các tổ chức quốc tế, các chiến dịch quốc tế nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng quản lý và huy động tối đa hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Đồng thời đề nghị Nghị viện các nước trong cộng đồng Pháp ngữ sớm nội luật hóa, quốc gia hóa các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu; lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu khi quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội; tăng cường giám sát việc ứng phó với biến đổi khí hậu và trách nhiệm giải trình của Chính phủ về vấn đề này.

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các điều ước quốc tế khác về biến đổi khí hậu, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu, áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính có tiềm năng; thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; dự báo, cảnh báo và có giải pháp ứng phó phù hợp với tác động xuyên biên giới của các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu trên thế giới.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Chủ tịch Nghị viện lãnh thổ Polynesia thuộc Pháp Gaston Tong Sang chủ trì Phiên thảo luận

Các đại biểu Đoàn Việt Nam tại Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ X Vùng châu Á – Thái Bình Dương đã tập trung thảo luận về chủ đề “Tính cấp thiết của sự hợp tác quốc tế có trách nhiệm và bền vững trong lĩnh vực biến đổi khí hậu”./.

Minh Thành

Các bài viết khác