PGS.TS NGUYỄN QUANG TUYẾN: THU HỒI ĐẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN KT-XH PHẢI ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, CÓ SỰ THAM GIA GIÁM SÁT CỦA NGƯỜI BỊ THU HỒI

29/11/2022

Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giá đất là những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của cử tri, các cấp, các ngành. Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, tiêu chí về thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng phải đảm bảo công khai minh bạch, đúng pháp luật và có sự tham gia giám sát trực tiếp của người bị thu hồi đất, cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.

TỔNG THUẬT SÁNG 14/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề xuất nhiều chính sách mới, quan trọng để khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Quan tâm đến quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, Luật Đất đai năm 2013 quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng cộng tại Điều 62 nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành lại không quy định tiêu chí thu hồi đất trong các trường hợp này.

Tổng kết thực tế gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy phần lớn khiếu nại, tố cáo về đất đai liên quan trực tiếp đến các trường hợp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng cộng; bởi đây là các trường hợp thu hồi đất phát sinh chênh lệch về địa tô rất lớn do việc thay đổi mục đích sử dụng đất tạo ra song pháp luật dường như chưa tìm ra cơ chế pháp lý để giải quyết hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất trong trường hợp này.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi tiếp tục kế thừa nội dung Điều 62 của Luật Đất đai năm 2013; theo đó, Dự thảo Luật quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần phải làm rõ các tiêu chí xác định những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng cộng. Trong đó, tiêu chí về thu hồi đất phải đảm bảo công khai minh bạch, đúng pháp luật và có sự tham gia giám sát trực tiếp của người bị thu hồi đất, cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.

Giải mã nội hàm các khái niệm “lợi ích quốc gia, công cộng”; khái niệm phát triển KT-XH

Việc xác định tiêu chí Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là điều không hề đơn giản. Do đó, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, cần phải giải mã nội hàm các khái niệm “lợi ích quốc gia, công cộng”; khái niệm phát triển kinh tế - xã hội. Những khái niệm này được sử dụng trong nội dung các quy định của Luật Đất đai năm 2013 song tại Điều 3. Giải thích từ ngữ của Đạo luật này lại không đưa ra giải thích chính thức. Thậm chí, các từ điển luật học cũng không đưa ra sự giải thích về các khái niệm này.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, phát triển kinh tế -xã hội vì lợi ích quốc gia, công công được hiểu: Phát triển kinh tế - xã hội là sự phát triển, tăng trưởng về kinh tế được đánh giá thông qua chỉ số tăng trưởng về tổng thu tổng thu nhập quốc dân hoặc mức sống bình quân của người dân, hộ gia đình trong năm; sự phát triển, cải thiện các chỉ số về xã hội mang lại lợi ích về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội bền vững cho tất cả mọi người dân trong cả nước.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, dự án phát triển kinh tế -xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng những là dự án do Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (vốn đầu tư công) hoặc dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (TPP), dự án do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực kinh tế -xã hội nhằm mang lại lợi ích chung toàn thể người dân trong xã hội (lợi ích phi lợi nhuận).

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội

Làm rõ các tiêu chí xác định những trường hợp Nhà nước thu hồi đất

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng cần làm rõ các tiêu chí xác định những trường hợp Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cụ thể:

Thứ nhất, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng không phải là chế tài xử lý do Nhà nước áp dụng đối với người sử dụng đất do lỗi của họ gây ra trong quá trình sử dụng mà đây là những trường hợp thu hồi đất do lý do khách quan.

Vấn đề đặt ra là phải xác định rõ tiêu chí của các trường hợp Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đảm bảo sự công khai minh bạch phòng ngừa việc tùy tiện, lạm dụng thu hồi đất vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ và giảm thiểu những tranh chấp, khiếu kiện từ những vụ việc này gây ra.

Thứ hai, tiêu chí mục đích của việc thu hồi đất: Mục đích của việc Nhà nước thu hồi đất là tiêu chí đầu tiên được xem xét để nhận diện, phân biệt các trường hợp Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có nhu cầu sử dụng đất thông qua việc Nhà nước thu hồi đất phải mang lại lợi ích chung cho quốc gia, đất nước; mang lại lại ích cho mọi người dân trong phạm vi cả nước, trong phạm vi một tỉnh, một địa phương như dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội không nhằm mục đích thu lợi nhuận. Kiên quyết không thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế-xã hội không mang lại lợi ích cho quốc gia, cho người dân.

Thứ ba, tiêu chí về quy mô, tính chất của dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: Dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sử dụng đất thông qua việc Nhà nước thu hồi đất có quy mô theo các cấp độ dự án; bao gồm: Dự án có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia; dự án có tầm quan trọng của quốc gia; dự án có tầm quan trọng đối với địa phương như đối với cấp tỉnh, cấp huyện…

Thứ tư, tiêu chí về chủ đầu tư dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: Dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được triển khai thực hiện mà Nhà nước phải thu hồi đất thì chủ đầu tư trước hết là Nhà nước, bao gồm các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương; UBND các cấp; các sở, ban, ngành cấp tỉnh hoặc chủ đầu tư là các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thực hiện dự án với mục đích phi lợi nhuận hoặc lợi nhuận thu được điều tiết vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các mục đích công cộng, an sinh XH, xóa đói giảm nghèo; bảo vệ môi trường; ứng phó với biên đối khí hậu, các thảm họa về môi trường, thảm họa về thiên tai gây ra...

Thứ năm, tiêu chí về đối tượng được hưởng lợi, đối tượng được thụ hưởng lợi ích do việc thu hồi đất phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mang lại: Đối tượng thụ hưởng lợi ích của các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được triển khai thông qua việc Nhà nước thu hồi đất trước hết là quốc gia. Điều này có nghĩa là việc thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong trường hợp này phải đem lại lợi ích cho quốc gia…

Thứ sáu, tiêu chí về thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải đảm bảo sự công khai minh bạch, đúng pháp luật và có sự tham gia giám sát trực tiếp của người bị thu hồi đất nói riêng và giám sát trực tiếp của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi nói chung.

Thứ bảy, tiêu chí về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải đảm bảo giải quyết hài hòa lợi ích của các bên có liên quan, bao gồm lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người bị thu hồi đất; lợi ích của doanh nghiệp, chủ đầu tư.

Thứ tám, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải đảm bảo cho người bị thu hồi đất được hưởng lợi, thụ hưởng từ việc bị thu hồi đất: Việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế -xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải đảm bảo cho người bị thu hồi đất được hưởng lợi, thụ hưởng từ việc bị thu hồi đất bằng các phương thức hưởng lợi trực tiếp hoặc hưởng lợi gián tiếp từ các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chính sách an sinh xã hội, đảm bảo việc làm, sinh kế bền vững,.../.

Lê Anh

Các bài viết khác