KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV: CHẤT LƯỢNG, TRÍ TUỆ, TRÁCH NHIỆM, ĐỒNG THUẬN CAO
Toàn cảnh phiên họp toàn thể hội trường tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Còn nhớ những kì họp đầu tiên của nhiệm kỳ hay tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, trước diễn đàn Quốc hội là tiếng nói tri ân, động viên tinh thần các cán bộ công tác trong lĩnh vực y tế, các y, bác sĩ - những người hùng, những thiên thần áo trắng trên tuyến đầu chống dịch góp phần trực tiếp vào kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, giúp đất nước sớm mở cửa, phục hội kinh tế. Thì nay sau hai năm căng mình chống chọi với dịch bệnh, trên diễn đàn Quốc hội một lần nữa lĩnh vực y tế lại được đề cập.
Ngay trước thềm Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ Y tế đã có báo cáo với Tổng Liên đoàn lao động về số lượng nhân viên y tế bỏ việc, thôi việc, chuyển từ khu vực công ra khu vực tư trong 1 năm rưỡi qua (tính trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022). Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị các báo cáo lại số liệu nghỉ việc của cán bộ, công chức, viên chức trong 2,5 năm (từ năm 2020 đến 6/2022). Rồi thông báo chính thức của Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai – hai bệnh viện tuyến đầu lớn nhất là nước xin dừng thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện.
Những vấn đề này được đại biểu Quốc hội ghi nhận và phản ánh. Các đại biểu Quốc hội đã đi sâu vào tìm hiểu thực trạng, phân tích nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp. Trong suốt hai ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, không chỉ những đại biểu trực tiếp công tác trong lĩnh vực y tế mà rất nhiều đại biểu Quốc hội đều đề cập đến những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế, chia sẻ những vấn đề mà cán bộ, nhân viên ngành y tế hàng ngày phải đối mặt áp lực công việc lớn nhưng chế độ, chính sách chưa tương xứng. Tất cả đều hướng đến một mục tiêu làm sao tháo gỡ khó khăn của ngành y tế, bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên ngành y tế từ đó hướng đến thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
“Y tế Việt Nam đã và đang bị chao đảo, đến nay vẫn còn chưa thực sự hết chao đảo”. Đây là nhận định của đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội. Đại biểu chỉ rõ, cán bộ y tế ồ ạt xin ra khỏi khu vực công, thuốc men, sinh phẩm vẫn bị thiếu, việc mua sắm trang thiết bị đồng bộ cho bệnh viện đang bị đứt gãy, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện có nguy cơ bị đổ vỡ. Lý do, nguyên nhân thì có nhiều, tuy nhiên dù bất cứ lý do nào mà không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân là có lỗi nặng với Nhân dân, bằng mọi giá chúng ta phải giải quyết để chấm dứt tình trạng này, đại biểu nhấn mạnh.
Ngoài ra đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, cần thấy không thực hiện được tự chủ ở các bệnh viện hạng cao, tuyến cuối đó là một sự thất bại, mà nguyên nhân trước hết là do thiếu quyết tâm, thiếu phương pháp. Do đó, đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tập trung tháo gỡ vấn đề này.
Muôn vàn khó khăn trong hoạt động của các cơ sở y tế công lập được phản ánh
Về thực trạng, đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang chỉ rõ vấn đề trong tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế và mối liên hệ đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Đại biểu cho biết, áp lực đối với các khoản chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được thống nhất thanh toán, chậm được thanh toán ở đây là các khoản cơ sở y tế đã chi từ năm 2016 đến năm 2020 đến nay mới được đưa vào quyết toán trong năm 2021 và các khoản chi không được thanh toán đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập là rất đáng quan tâm trong cân đối tài chính, trong duy trì hoạt động bình thường của các đơn vị rơi vào trường hợp này, nhất là trong bối cảnh các đơn vị y tế công lập đi vào thực hiện tự chủ tài chính.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên
Có cùng phản ánh, đại biểu Đoàn Thị Hảo – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm, hiện nay tỷ lệ chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở các tuyến vẫn tiếp tục mất cân đối, ở tuyến tỉnh và tuyến trung ương kinh phí này chiếm tới 67,9%, trong khi số lượt khám, chữa bệnh chỉ chiếm khoảng 23,8%, ở tuyến huyện và tuyến xã kinh phí này chiếm khoảng 32%, trong khi số lượt khám, chữa bệnh chiếm tới hơn 76%. Một số vướng mắc trong tạm ứng, thanh, quyết toán tồn tại nhiều năm, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp giải quyết nhưng vẫn còn 5.323 tỷ đồng từ năm 2016 đến nay chưa được thanh, quyết toán. Bên cạnh đó, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, tỷ lệ chi tiền túi của người dân trên tổng chi thường xuyên cho y tế còn cao là 45%. Điều này phản ánh một thực tế là Quỹ bảo hiểm y tế chưa bao phủ được nhu cầu và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, xác định những vướng mắc bất cập kịp thời bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo hiểm y tế để thống nhất thực hiện trong cả nước.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang phản ánh việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế để điều trị bệnh kéo dài từ đầu đại dịch đến nay vẫn còn là vấn đề nan giải của ngành y tế. Cộng thêm tình hình thôi việc, chuyển việc của đội ngũ y, bác sĩ, công chức, viên chức của ngành này càng làm cho Nhân dân lo lắng. Đại biểu đặt vấn đề nếu đại dịch quay trở lại hoặc một đại dịch nào đó xuất hiện nữa mà vấn đề này chưa giải quyết xong thì việc bảo vệ sức khỏe Nhân dân sẽ ra sao.
Từ những thực trạng trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh chia sẻ “không biết đến bao giờ một ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế nào trên Trái đất này, không phải chỉ riêng của Việt Nam là làm sao có thể chỉ tập trung vào chuyên môn, làm sao để khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất, chứ không phải hằng ngày đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán”.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị giải pháp tình thế cấp bách cần phải giảm các thủ tục bằng những nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội, cũng như nếu thiếu thì ngân sách nhà nước phải chi bù. Đặc biệt đối với cải cách tiền lương và phụ cấp cho nhân viên y tế.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan dù không phải tiền lương là chuyện quyết định tất cả trong việc nghỉ việc ồ ạt của nhân viên y tế nhưng nó cũng là một phần rất quan trọng. Về giải pháp lâu dài, đại biểu đề nghị có sự hoàn thiện về tất cả những pháp luật liên quan, không những Luật Khám bệnh, chữa bệnh mà còn Luật Dược và sẽ cần phải có Luật Trang thiết bị, Luật Bảo hiểm y tế, v.v..
Trước tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc, đại biểu Thái Thu Xương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó sự quan tâm chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức họ bỏ ra.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình chỉ rõ, áp lực công việc cao cũng đúng, nhưng không phải bây giờ ngành y tế mới làm việc trong áp lực như vậy. Có lẽ chưa bao giờ những vụ bạo hành nhân viên y tế lại dễ dàng như trong thời gian qua và đặc biệt lại xảy ra sau 2 năm chống dịch COVID-19, khi mỗi cán bộ y tế làm việc liên tục với cường độ cao, môi trường làm việc nguy hiểm, trong thời gian kéo dài, áp lực từ dư luận xã hội lên toàn ngành sau những sai phạm được phát hiện đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của mỗi cán bộ, viên chức ngành y tế. Cùng với đó, lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức ngành y tế trong hệ thống y tế công lập là thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Theo quy định chế độ lương và phụ cấp hiện nay thì một bác sĩ sau khi học 6 năm, 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập ngay thì được hưởng mức lương là 3.486.000 đồng và với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% sau khi trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các loại phí khác thì một bác sĩ mức lương còn lại chưa đến 4 triệu đồng và một điều dưỡng thì chưa đến 3 triệu đồng.
Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Một vấn đề khác được đại biểu Trần Khánh Thu chỉ rõ là vướng mắc trong công tác tài chính của cơ sở y tế, nguồn chi trả lương và phụ cấp cho viên chức, nguồn kinh phí mua thuốc, hóa chất, vậy tư y tế của các đơn vị sự nghiệp y tế đang hoạt động tự chủ được trích từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị thông qua giá dịch vụ y tế. Trong khi giá dịch vụ y tế chưa tính đủ các yếu tố cấu thành định mức kinh tế kỹ thuật, các chi phí trực tiếp đã lạc hậu so với thị trường.
Đề xuất đồng bộ các giải pháp
Về giải pháp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị cần có ngay giải pháp tháo gỡ để ngành y tế khôi phục được năng lực và điều kiện hoạt động như trước thời kỳ COVID. Đại biểu nhấn mạnh, những giải pháp này cần đồng bộ từ các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như các tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế.
Đại biểu lưu ý rằng, nếu hệ thống y tế không được củng cố ngay cả về con người và cơ sở vật chất thì chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu Nhân dân, người lao động, cán bộ, công nhân, viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách và sẽ càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay là phát sinh mới.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Đại biểu Nguyễn Thị Yến – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị với Quốc hội đưa nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị, nguồn nhân lực y tế và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cấp thiết cần đưa vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4, đồng thời giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những khó khăn từ thực tiễn nêu trên.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh cho rằng cần triển khai các giải pháp để khắc phục 6 điểm nghẽn trong hoạt động của các bệnh viện công hiện nay. Thứ nhất, đó là các bệnh viện hoạt động trong điều kiện cơ chế thị trường nhưng có nhiều quyết định hiện nay không phù hợp với thực tế và trái cơ chế thị trường, cần thay đổi những quy định này. Thứ hai, về đấu thầu. Thứ ba, Nhà nước phải khẳng định trách nhiệm đầu tư cho các bệnh viện. Thứ tư, phải ban hành đủ các văn bản về định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến hoạt động ngành y tế. Thứ năm, sớm bỏ các quy định không khả thi như quy định lập dự toán mua thiết bị trước kế hoạch mua sắm. Thứ sáu, đã giao tự chủ chi thường xuyên cho bệnh viện thì đề nghị để bệnh viện được quyết định mức thu nhập cho cán bộ y tế. Cuối cùng là, khi các bệnh viện có ý kiến, Bộ Y tế, Chính phủ nghe, xử lý kịp thời.
Trước những ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam không khỏi xúc động và cho rằng các ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho thấy sự đồng hành và thể hiện sự quan tâm rất sâu sắc. Có nhiều ý kiến rất trí tuệ và trách nhiệm, tâm huyết góp ý cho ngành y tế và các lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Đặc biệt kỳ họp lần này toát lên một sự thấu hiểu sâu sắc với những thách thức và chia sẻ những khó khăn, vất vả của ngành, chủ động nêu rất nhiều các giải pháp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Trước diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, một lãnh đạo bệnh viện có nói với mình rằng dù đang trực nhưng cũng theo dõi rất sát Quốc hội, mặc dù rất khó khăn và rất mệt mỏi cả về sức lực và tâm lý nhưng nghe phản ánh và đọc bản tin thì thấy rất mừng vì Quốc hội, tức là toàn dân đã chia sẻ được những khó khăn, vất vả của những người làm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Người bác sĩ đó cũng nói rằng, rất nhiều vấn đề chắc chắn chưa thể giải quyết được ngay, nhưng ít nhất sự thấu hiểu, chia sẻ cũng mang lại một sức động viên rất tốt cho toàn ngành trong lúc này.
Thống nhất trong hệ thống pháp luật các quy định tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế
Không chỉ tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội hay phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ mà trong các phiên thảo luận về các dự án Luật, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất cụ thể nhằm kịp thời sửa đổi các quy định còn vướng mắc, hạn chế để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của ngành y tế. Liên quan đến dự án Luật Giá (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định các mặt hàng thuốc chữa bệnh mãn tính vào danh mục và giao Bộ Y tế quy định giá cụ thể; giao Chính phủ quy định cụ thể hóa việc điều tiết giá, công khai thông tin về giá và thẩm định giá đối với nội dung này. Làm rõ quy trình, phương pháp, điều kiện xác định giá. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, khám, chữa bệnh đảm bảo tính đúng, tính đủ giá dịch vụ. Việc quy định giá mới chỉ trong khu vực sự nghiệp công lập, cần xác định các đối tượng cung ứng dịch vụ khác để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ… Các quy định cần cụ thể, chặt chẽ hơn nữa, trong đó cần bảo đảm quy định đối với một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng của ngành y tế.
Thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát, bổ sung các quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Có ý kiến đề nghị làm rõ nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của các cơ sở y tế công lập có thuộc vốn nhà nước hay không để điều chỉnh trong Luật Đấu thầu, hay đề nghị bổ sung quy định Chính phủ nâng cấp đấu thầu tập trung cấp quốc gia riêng cho ngành y tế. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định theo hướng công khai giá của các mặt hàng, đặc biệt là thuốc, vật tư, trang, thiết bị y tế lên sàn mua bán do nhà nước quản lý, đồng thời nhà nước quy định về lợi nhuận định mức của nhà cung cấp. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung 01 chương trong dự thảo luật về mua sắm thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị y tế.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Đặc biệt, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là dự án luật đang được cử tri, Nhân dân, ngành y tế mong đợi và dư luận xã hội rất quan tâm, như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại phiên khai mạc, đây là dự án luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế.
Theo đó, các đại biểu đã góp ý cụ thể về cơ chế bảo đảm công bằng xã hội trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh, các quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, định hình hệ thống y tế hiện đại, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công, tư giá dịch vụ.
Các ý kiến của các đại biểu đều đã được đại diện các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật báo cáo giải trình làm rõ bước đầu, đồng thời cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ và phối hợp cùng các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện quy định bảo đảm phù hợp, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh và nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, bảo đảm cho chất lượng dự án luật khi được thông qua là tốt nhất./.