CÔNG TÁC LẬP PHÁP KỲ HỌP THỨ 4, QH KHÓA XV: THÀNH CÔNG ĐẾN TỪ SỰ CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG

15/11/2022

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc lập pháp. Đây là kết quả của công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, sự phối chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ, cơ quan tổ chức hữu quan để tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kịp thời, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đối với mỗi dự luật, nghị quyết trước khi biểu quyết thông qua.

TỔNG THUẬT CHIỀU 15/11: QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI) CÙNG 02 NGHỊ QUYẾT VÀ HỌP PHIÊN BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Chiều 15/11, sau 21 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Trong đó, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc lập pháp. Cụ thể: Quốc hội đã thông qua 06 luật, 03 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần 2 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); thảo luận lần đầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và 06 dự án luật khác.

Kết quả biểu quyết cho thấy, các dự luật, nghị quyết được thông qua với tỷ lệ tán thành cao, thể hiện sự nhất trí, đồng thuận cao của các vị Đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, tại Kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc ban hành Luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò làm chủ của Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được thông qua gồm có 06 chương, 91 điều quy định về: phạm vi, nguyên tắc và các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền, nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, thực hiện dân chủ ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động (gồm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước).

Ở mỗi loại hình cơ sở, Luật quy định cụ thể những nội dung chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước phải công khai; những nội dung Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia ý kiến, bàn, quyết định, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm để Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Các vị đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết

Đối với 05 luật sửa đổi được thông qua tại kỳ họp này, đều điều chỉnh những lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội. Việc sửa đổi nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng đối với từng lĩnh vực. Đơn cử như, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được sửa đổi nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội, cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Hoặc, Luật Thanh tra được sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là những nội dung mới về kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cũng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua 03 Nghị quyết quan trọng, gồm: Nghị quyết về Nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Trong đó, Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội gồm 03 chương và 58 điều với những điểm mới chủ yếu: Bổ sung các quy định về tổ chức kỳ họp bất thường; hình thức làm việc trực tuyến; quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội. Quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp toàn thể, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi tranh luận, thảo luận tại phiên họp; trách nhiệm trong việc đề xuất biểu quyết một số vấn đề trước khi thông qua toàn văn luật, nghị quyết; trách nhiệm giải trình làm rõ ý kiến thảo luận ở Tổ;….

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phát huy dân chủ, thực sự cầu thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, cơ quan tổ chức hữu quan để tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kịp thời, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau nên đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết./.

Lê Anh