ĐỀ XUẤT BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ THANH TRA ĐỐI VỚI BẢO HIỂM XÃ HỘI

31/10/2022

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong những năm qua ngành bảo hiểm xã hội đã khẳng định được vai trò và khả năng của mình trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, qua đó góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn tình trạng trốn đóng, chiếm dụng, nợ đọng quỹ bảo hiểm. Tuy nhiên để hoàn thiện dự thảo Luật, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung quy định về thanh tra đối với bảo hiểm xã hội vào trong dự thảo Luật.

TỔNG THUẬT SÁNG 25/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện có 8 Chương, 118 Điều (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba đã được chỉnh lý 111/118 Điều, trong đó 102 điều được chỉnh lý về nội dung, 9 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản; về bố cục, tăng thêm 2 điều và sắp xếp, bố cục lại nhiều điều, mục trong các chương).

Phiên thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Về Thanh tra huyện (Mục 6, Chương II), đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.  

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Thanh tra huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc tiếp tục duy trì, củng cố Thanh tra huyện để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện sai phạm để xử lý, chấn chỉnh ngay từ cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và Trung ương.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định về Thanh tra huyện như trong dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua, trước hết cần khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết để Thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành vì đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Các ý kiến cho rằng, vẫn cần có thanh tra huyện ở một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra. Bởi thực tế, thời gian qua, thanh tra huyện nhiều nơi chưa được quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đại biểu cũng cho rằng, nếu không có thanh tra cấp huyện sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước ở cấp huyện trên các lĩnh vực.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, kiến nghị bổ sung là quy định về thanh tra đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để bảo hiểm xã hội được tổ chức cơ quan thanh tra ở cấp Trung ương và địa phương, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của cơ quan Bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định.

Đại đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng- Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng- Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, dự thảo Luật lần này đã quy định các cơ quan thanh tra, cục thuộc Tổng cục thuộc Bộ được thành lập theo quy định của Chính phủ nhưng với hệ thống của bảo hiểm xã hội là cơ quan thuộc Chính phủ tương tự như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê lại chưa có quy định nào về thanh tra bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Cùng quan điểm với đại biểu Dũng, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho biết, cơ quan bảo hiểm xã hội đã được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và một số nhiệm vụ quản lý nhà nước tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính và được cụ thể hóa tại các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện chức năng thanh tra, hiện nay ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hệ thống thanh tra, kiểm tra của ngành được cơ cấu theo 2 cấp Trung ương và địa phương. Trong những năm qua, ngành bảo hiểm xã hội đã khẳng định được vai trò và khả năng của mình trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Qua đó, góp  phần không nhỏ ngăn chặn tình trạng trốn đóng, chiếm dụng, nợ đọng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo được niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với ngành. Qua thanh tra cũng góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động và chủ sử dụng lao động.

Do đó, đại biểu Quốc hội đề nghị, cần thiết quy định trong dự thảo Luật về cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội bao gồm ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ở bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị bổ sung “cơ quan thanh tra trong bảo hiểm xã hội” vào khoản 4 Điều 9, Điều 114 của dự thảo Luật này. Đồng thời, bổ sung thêm tổ chức hoạt động và nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại cấp trung ương và địa phương của cơ quan bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định.

Đại biểu chỉ rõ, Điều 7 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định nội dung quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, trong đó có quản lý về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội. Các nội dung quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội này đã được cụ thể hóa thành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Điều 2 Nghị định 89/2020 của Chính phủ. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định: Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Trưởng đoàn Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, trong các cơ quan thuộc Chính phủ chỉ có cơ quan bảo hiểm xã hội đã được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại khoản 3 Điều 13 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và một số nhiệm vụ quản lý nhà nước.

 Do đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định đề xuất nêu cụ thể tên cơ quan bảo hiểm xã hội và đưa vào nhóm các cơ quan đã có nhiệm vụ thanh tra tại khoản 4 Điều 9 dự thảo để bảo đảm tính kế thừa, thống nhất của hệ thống pháp luật.Theo đại biểu, việc không quy định rõ cơ quan bảo hiểm xã hội được thành lập cơ quan thanh tra từ trung ương tới địa phương như tại dự thảo hiện nay sẽ không thống nhất với các luật có liên quan, không bảo đảm cơ sở để bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, thành phố thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và thẩm quyền xử phạt theo quy định. /.

Thu Phương