ĐỀ XUẤT NHIỀU Ý KIẾN HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

31/10/2022

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình và nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi). Đồng thời đề xuất nhiều ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật.

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phẩn ổn định phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, Luật Thanh tra 2010 còn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn vướng mắc làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế…

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được xây dựng theo hướng sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan thanh tra cho phù hợp với yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực, bảo đảm thu gọn đầu mối các cơ quan thanh tra nhưng vẫn bảo đảm hoạt động quản lý Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực đều được thanh tra, kiểm tra một cách có hiệu quả. Các hoạt động thanh tra sẽ được tăng cường theo hướng chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước. Dự thảo Luật cũng phân định thẩm quyền xử lý giữa các cơ quan thanh tra, giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán và hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý.

Tạo điều kiện chủ động cho Chánh Thanh tra hoạt động

Các ý kiến thảo luận cơ bản thống nhất cao với Dự thảo Luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi. Tuy nhiên, theo đại Quốc hội biểu Lê Thị Thanh Lam, để dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) được hoàn thiện hơn, tại khoản 1 Điều 23 đề nghị bổ sung cụm từ “Thanh tra tỉnh chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên môn của Tổng Thanh tra Chính phủ”. Tại Điều 25 về tổ chức của Thanh tra tỉnh, đề nghị bổ sung quy định “Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi ý kiến với Chánh Thanh tra tỉnh về việc điều động, bổ nhiệm Chánh Thanh tra, Phó Chánh thanh tra cấp huyện, thanh tra viên” vào nội dung quy định tại khoản 2.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang

Việc bổ sung quy định trên nhằm tạo điều kiện cho Chánh Thanh tra tỉnh chủ động hơn trong công tác điều động, luân chuyển công chức của thanh tra. Còn tại Điều 33 về tổ chức thanh tra huyện, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị bổ sung thêm quy định “Phó Chánh thanh tra huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với chánh thanh tra; tại khoản 1 Điều 40 về miễn nhiệm thanh tra viên, đề nghị bổ sung thêm một điểm tại khoản 1: “Vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 của luật này”.

Về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, đại Quốc hội biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị giữ nguyên thẩm quyền ban hành kế hoạch thanh tra hằng năm của thanh tra sở như quy định hiện hành. Vì thực tế nội dung đối tượng thanh tra chuyên ngành của sở có rất nhiều nội dung, đối tượng, lĩnh vực chuyên ngành không giống nhau, việc xử lý trùng lắp, chồng chéo như quy định hiện nay là phù hợp. Các sở gửi dự thảo kế hoạch thanh tra đến thanh tra tỉnh rà soát trước khi trình lãnh đạo sở để phê duyệt, ban hành.

Đối với kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra, tại khoản 3 Điều 111 quy định “cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu phát hiện qua thanh tra”, nội dung này chưa được quy định rõ. Do đó, nữ đại biểutỉnh Hậu Giang đề nghị, cần xác định phải trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra và giao Chính phủ quy định để nội dung tại khoản 2 Điều 111 nâng cao năng lực hoạt động của thanh tra, tăng cường cơ sở.

Nên tập trung biên chế về thanh tra cấp tỉnh và cấp huyện

Cũng theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam, tại điểm d khoản 2 Điều 57 quy định “thành lập đoàn thanh tra bao gồm trưởng đoàn thanh tra, phó đoàn thanh tra (nếu có) và thành viên khác của đoàn thanh tra”. Tuy nhiên, trong dự thảo luật mới chỉ quy định ở Điều 79 là nhiệm vụ và quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra, Điều 80 là nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên của đoàn thanh tra, chưa quy định đối với phó trưởng đoàn thanh tra.

Vì vậy, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị bổ sung một điều quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của phó trưởng đoàn thanh tra cho phù hợp với nội dung theo quy định tại Điều 57 của dự thảo luật. Riêng tại Điều 114, ngoài tổ chức và hoạt động của Thanh tra Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan cơ yếu Chính phủ thì cần bổ sung thêm thanh tra ở cơ quan bảo hiểm xã hội theo tinh thần tại Điều 34. Bởi Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có thanh tra chuyên ngành nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét việc thành lập Thanh tra Tổng cục, cục tại Điều 18 của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) nên tập trung biên chế về thanh tra cấp tỉnh và thanh tra cấp huyện, vì hiện nay lực lượng thanh tra cấp tỉnh và cấp huyện rất thiếu, áp lực công việc ngày càng nhiều. Đặc biệt quan tâm tới biên chế cho thanh tra cấp huyện nhằm tham mưu cho UBND cùng cấp được tốt hơn.

Đảm bảo thống nhất với các Luật có liên quan

Về vị trí, chức năng của Thanh tra sở, theo đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, việc giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở là phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Do đó, đại biểu thống nhất với khoản 2 Điều 26 dự thảo quy định theo hướng Thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp theo quy định của luật.

Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Tuy nhiên đại biểu cho rằng, dự thảo Luật lần này mới chỉ quy định chung việc thành lập cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, chưa quy định cụ thể Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra. Với quy định nêu trên, sau khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ phát sinh việc, nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra cũng chưa rõ nội hàm việc được thành lập cơ quan thanh tra của BHXH cấp tỉnh; trong khi Phòng Thanh tra - Kiểm tra tại BHXH các tỉnh, thành phố đã được tổ chức và hoạt động có hiệu quả theo Luật BHXH năm 2014.

Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra theo Điều 93. Đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn Quảng Ngãi đề nghị: Tại khoản 1 Điều 93 quy định: “Thủ trưởng cơ quan thanh tra có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với các quyết định của mình, của Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại”. Trên thực tế, thành viên đoàn thanh tra không chỉ có công chức thuộc cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra mà còn có thành viên là công chức thuộc các cơ quan phối hợp, Đối với cấp tỉnh, thông thường các cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh chủ trì đều có sự tham gia của Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nhiều trường hợp thành viên tham gia là lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo cơ quan; trong trường hợp này, nếu quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thanh tra thì chưa chặt chẽ. Do đó, đề nghị điều chỉnh lại cho phù hợp với thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo đúng tinh thần của Luật Khiếu nại./.

Thu Phương