LẤY MỤC TIÊU LÂU DÀI, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LÀM CƠ SỞ XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH

29/10/2022

Tham gia thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội, một nội dung trọng tâm trong chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần phải lấy mục tiêu lâu dài, phát triển bền vững làm căn cứ để định ra các chủ trương, chính sách.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

Bàn về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội, một nội dung trọng tâm trong chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, những tình hình dịch bệnh và bối cảnh thế giới 3 năm qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo của Đảng, điều hành quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, tình hình phát triển kinh tế xã hội trong năm qua đã tương đối khởi sắc. Ngay từ cuối năm 2021, khi dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Đầu năm 2022, trong Kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngay sau đó, ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Đưa ra giải pháp nhằm phục hồi kinh tế- xã hội sau đại dịch, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải lấy mục tiêu lâu dài, phát triển bền vững làm căn cứ để định ra các chủ trương, chính sách. Vì thế, không vì tăng trưởng trước mắt mà hy sinh ổn định kinh tế vĩ mô. Ổn định kinh tế vĩ mô là để tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư làm cải thiện tăng trưởng trong dài hạn. Để ổn định kinh tế vĩ mô thì điều quan trọng nhất là duy trì lạm phát thấp. Bởi, khi giá cả ổn định thì chi phí sản xuất bao gồm chi phí tiền lương sẽ không thay đổi nhiều nên chủ doanh nghiệp có xu hướng duy trì ổn định số việc làm hơn, biến động việc làm sẽ giảm thiểu. Lạm phát thấp, giá trị đồng nội tệ ổn định thì tỷ giá ổn định hơn, tạo điều kiện duy trì cán cân thương mại cân bằng hơn. Lạm phát thấp cũng có nghĩa là chính sách tiền tệ thường là thắt chặt hơn nên thâm hụt ngân sách cũng ít bị áp lực gia tăng hơn.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nêu ý kiến, để tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phục hồi và phát triển bền vững, toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân phải tuân thủ chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính phủ trong phòng chống dịch bệnh cũng như những giải pháp phục hồi kinh tế đã được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP. Không lơ là, chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang lo sợ trước những diễn biến của dịch bệnh, đồng thời chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.

Cụ thể, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Tính đến tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên 3,6% so với tháng 12 năm 2021. Điều này có nghĩa là dư địa tăng giá của 4 tháng cuối năm không còn nhiều theo chỉ tiêu lạm phát 4% do Quốc hội đề ra cho năm 2022. Trên thế giới, nhiều nước phát triển đã tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Vì vậy, Ngân hàng nhà nước cần theo sát diễn biến của tình hình thế giới và giá cả trong nước. Ngân hàng nhà nước cần nâng lãi suất và thắt chặt cung tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng khi chỉ số giá tiêu dùng chạm ngưỡng 4% Quốc hội cho phép những cũng sẵn sàng lới lỏng khi điều kiện cho phép để thúc đẩy sản xuất phát triển. Đối với hệ thống ngân hàng thương mại, Ngân hàng nhà nước cần theo dõi chặt chẽ tài sản ngân hàng và nợ xấu bị khủng khoảng COVID-19 gây ảnh hưởng. Ngân hàng nhà nước cần tăng cường giám sát an toàn và đảm bảo các ngân hàng phải tuân thủ đầy đủ các quy định về dự phòng và báo cáo nợ xấu nhằm nâng cao khả năng chống chịu và năng lực hấp thụ lỗ của các ngân hàng.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại Kỳ họp thứ 4

Cùng với đó, PGS. TS Lê Văn Chiến, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ là cách để phòng ngừa rủi ro cho tăng trưởng kinh tế bởi quá trình phục hồi sản xuất trong nước chưa hoàn tất và nhu cầu trên toàn cầu được dự báo sẽ yếu đi. Mặc dù có thể không cần thiết phải đưa ra thêm gói hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng các cấp, các ngành cần phải cải thiện khâu thực thi chính sách. Nhất là Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần phải được thực hiện triệt để.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần thiết đẩy mạnh cải cách thể chế về đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, khắc phục tình trạng các chương trình đầu tư công liên tục không đạt kế hoạch là giải pháp cần thiết để làm cho chính sách tài khóa trở nên hiệu quả hơn. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công nên dành ưu tiên cho việc xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất và công nghệ số nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong toàn bộ nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam.

Thêm vào đó, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ, cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng Chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2022, mặc dù lượng khách du lịch đến Việt Nam đã tăng nhiều lần so với năm 2021 (1.441 nghìn lượt người) nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với trước đại dịch và mới chỉ đạt 28% so với mục tiêu Chính phủ đề ra là 5 triệu lượt khách. Tuy nhiên, để lượng khách quay lại Việt Nam đạt mức trước đại dịch cũng không phải là vấn đề khó khăn mà chỉ là vấn đề thời gian. Khi thế giới mở cửa trở lại thì lượng khách đến Việt Nam sẽ phục hồi. Vấn đề lớn hơn là cần có chiến lược phát triển du lịch dài hạn, coi đó là ngành kinh tế mùi nhọn của đất nước. Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn trong phát triển du lịch với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều công trình văn hóa được công nhận là di sản thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết khai thác những tài sản vô giá này để phát triển du lịch, làm kinh tế.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị tiền đề cho kinh tế phục hồi và tăng trưởng trong dài hạn. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhân lực luôn là yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nước. Hiện nay, sau đại dịch Covid-19, Việt Nam cần có giải pháp để phát triển nguồn nhân lực cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Ngắn hạn, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ lượng lao động lớn đã trở về quê trong đại dịch quay lại các nhà máy để phục hồi sản xuất. Trong dài hạn, Chính phủ cần có giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Minh Hùng